Trước đó, Bộ Y tế phê duyệt Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án nhằm mục tiêu tăng cường triển khai có hiệu quả các hoạt động thông tin, truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn góp phần củng cố, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Bộ, ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn nhằm phòng chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Xác định mục tiêu
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện nhiều các hoạt động để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân thay đổi hành vi, thói quen, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, hưởng ứng Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.
Để duy trì bền vững các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện Đề án của Bộ Y tế, ngày 18/3/2019 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài đã có văn bản số 35 ban hành kế hoạch truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn tại tỉnh Nam Định giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, Nam Định đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng: Đạt 97% số hộ gia đình thành thị và 90% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 70% theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế.
Cùng với đó, đạt 95% số hộ gia đình ở thành thị và 85% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. 70% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; không sử dụng phân tươi để chăm bón cây trồng, nuôi trồng thủy sản. 100% cơ sở sản xuất, nơi công cộng có nhà tiêu hợp vệ sinh, có đủ nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng. 100% trường học thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh trong học sinh, sinh viên. 70% người dân thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng.
Phấn đấu đến năm 2030 các chỉ tiêu đăt ra trong giai đoạn năm 2019-2025 đạt 100%; Đảm bảo công tác truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn duy trì bền vững.
Xác định trách nhiệm, phân công cụ thể
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả bản Kế hoạch, UBND tỉnh Nam Định đã phân công trách nhiệm cho các Sở, ban ngành địa phương. Trong đó, giao Sở Y tế Nam Định xây dựng kế hoạch cũng như chỉ đạo các đơn vị thuộc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch trong lĩnh vực y tế.
Diễu hành, tuyên truyền cổ động xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. |
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Sở Y tế và các ban ngành liên quan chỉ đạo triển khai các hoạt động truyền thông về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn lồng ghép có hiệu quả với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình dự án về nước sạch, vệ sinh môi trường, trong đó có nội dung về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Các Sở, ngành liên quan khác cũng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để phối hợp để chỉ đạo và triển khai các nội dung của bản kế hoạch.
Cùng với Nam Định, tại tỉnh Điện Biên, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn của Bộ Y tế.
Theo đó, Kế hoạch nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng cho người dân về vai trò, tầm quan trọng và ảnh hưởng của công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và sử dụng nước sạch đối với sức khỏe cộng đồng.
Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong triển khai hoạt động truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.
Phạm vi triển khai Kế hoạch tại 100% xã nông thôn của 8 huyện trên địa bàn tỉnh, ưu tiên những xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn.
Theo đó, giai đoạn 2019-2025 sẽ triển khai các hoạt động trong Kế hoạch tại 113 xã thuộc 8 huyện trên địa bàn tỉnh. Và đến giai đoạn 2025–2030 sẽ đánh giá, điều chỉnh các hoạt động truyền thông, các mô hình truyền thông cho phù hợp với từng địa bàn.
Việc triển khai Kế hoạch cũng phải được thực hiện thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở; nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng để nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân.
Cụ thể hóa các nội dung hoạt động, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, phấn đấu đạt các mục tiêu kế hoạch đề ra.
Tại thủ đô Hà Nội, Kế hoạch số 1435/KH-SYT của Sở Y tế Hà Nội về truyền thông cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định các nội dung hoạt động cụ thể như:
Tiến hành đánh giá thực trạng công tác truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố. Xây dựng kế hoạch truyền thông tại các tuyến; lồng ghép các hoạt động truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn vào các chương trình, dự án có liên quan như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, dinh dưỡng, phòng chống dịch, truyền thông giáo dục sức khỏe.
Xây dựng, phát triển các tài liệu và thông điệp truyền thông gắn với hoạt động truyền thông chung của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và phù hợp với đối tượng truyền thông.
Tổ chức, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội triển khai các hoạt động truyền thông vận động chính sách, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và thực hành của người dân nông thôn về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn. Tăng cường chất lượng thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt tại các khu vực còn khó khăn.