Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ

(GD&TĐ) - Sau hai ngày (21,22-8), chương trình tập huấn cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên nòng cốt triển khai Tiểu đề án II (Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH ngành GD) đã khép lại. Hai ngày tập huấn với những báo cáo đầy sinh động của đại diện Hội LHPNVN, CĐGDVN, Ban VSTBPN đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho 150 đại biểu đại diện cho các Sở GD-ĐT, các trường ĐH phía Nam. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã dự hội nghị và chỉ đạo: Công tác tập huấn là sự cần thiết để các tuyên truyền viên nòng cốt nắm vững nội dung, kiến thức, kỹ năng và phương pháp để đưa nội dung tuyên truyền vào thực tế.

Để góp phần xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng người phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước (giai đoạn 2010-2015). Đây được xem là một đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo tiền đề xây dựng và hình thành phẩm chất, đạo đức tốt đẹp cho người phụ nữ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới đất nước theo xu hướng phát triển và hội nhập. Góp phần thực hiện đề án, Báo Giáo dục và Thời đại kết hợp với ban điều hành Tiểu đề án 3 (nằm trong đề án trên, mở chuyên mục PHỤ NỮ VỚI THỜI ĐẠI nhằm cung cấp nội dung, biểu dương hoạt động thực hiện Tiểu đề án trong toàn hệ thống nhà trường.

Sứ mệnh quan trọng

Tiểu đề án II là một trong bốn tiểu đề án của Đề án tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước giai đoạn 2010-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12-3-2010. Tiểu đề án II do Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng và thực hiện với nhiệm vụ chính: Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong hệ thống trường học giai đoạn 2010-2015. 

Ngay sau khi Tiểu đề án được thông qua và có kế hoạch thực hiện chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT Ban VSTBPN ngành GDĐT đã thành lập ban điều hành và xây dựng mô hình chỉ đạo điểm tại 6 đơn vị trường học và địa phương gồm: Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Nông Lâm TP.HCM, và các: Sở GD-ĐT Thái Nguyên, Đà Nẵng và TP.HCM. Sau đó bổ sung thêm trường CĐSP Thái Nguyên. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát thực hiện Tiểu đề án 2 tại các đơn vị điểm cũng được Bộ GD-ĐT thực hiện một cách sát sao, song song đó việc khảo sát hai đối tượng học sinh và giáo viên ở các cơ sở giáo dục thuộc các tỉnh (Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Thái Nguyên) nhằm tìm hiểu thực trạng tình hình và nhu cầu để có định hướng về tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước trong nữ học sinh, sinh viên với 6 cuộc tọa đàm và 1.000 phiếu hỏi.

 Những kết quả đạt được bước đầu

Triển khai từ năm 2010 nên có thể nói đến thời điểm này đã bước vào giai đoạn cuối của giai đoạn 1 (2010-2012). Những kết quả bước đầu của việc triển khai đề án đã được ghi nhận khi ngoài bốn lớp tập huấn lớn tại hai khu vực phía Nam và phía Bắc cho hơn 600 đại biểu nòng cốt (CB quản lý) đến từ các Sở GD-ĐT, các trường ĐH. Biên soạn được 2 đầu tài liệu “Tài liệu tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước trong trường phổ thông” “Tài liệu tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH trong trường ĐH-CĐ và TCCN” phục vụ cho công tác tập huấn và cung cấp cho các địa phương để triển khai về cơ sở và làm nguồn dữ liệu để phục vụ cho công tác tuyên truyền, giảng dạy trong trường học.

Đến nay, sau gần hai năm triển khai và thực hiện việc triển khai Tiểu đề án II vào khối trường học, thành công lớn nhất mà đề án mang lại chính là việc đội ngũ giáo viên, cán bộ nữ trong trường học, học sinh được tuyên truyền đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, phát huy rõ hơn vai trò phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH.  Nhiều đơn vị, địa phương, Công đoàn ngành, chi hội phụ nữ cấp cơ sở không những phát động, tuyên truyền phong trào một cách sâu rộng mà còn thực hiện các hoạt động triển khai một cách hết sức sinh động, sôi nổi thông qua các cuộc thi… 

Bà Nguyễn Thị Gái, phó chủ tịch CĐ ngành giáo dục TP.HCM chia sẻ: Ngay sau khi Tiểu đề án 2 được triển khai, ngành giáo dục TP.HCM đã triển khai sâu rộng trong đội ngũ. Ngoài việc triển khai giao ban, tiếp tục đưa vào sổ tay nữ công để phát hành đối với cơ sở. CĐGD TP.HCM cũng xây dựng, thiết kế nội dung tập huấn đối với cán bộ nữ công và đối với từng cụm. Với đặc thù riêng của ngành khi tỉ lệ CB-GV-CNV nữ chiếm đến 74% nên công tác triển khai tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong hệ thống trường học gặp rất nhiều thuận lợi. Kinh phí triển khai CĐ ngành xin từ UBND TP bên cạnh khoản hỗ trợ của đề án để hoạt động nên việc triển khai không gặp khó. Tuy nhiên, nhận thức về kỹ năng tổ chức hoạt động CĐ về giới và bình đẳng giới, vai trò giới và Sự tiến bộ Phụ nữ. Đặc biệt là phương thức hoạt động của Ban nữ công CĐCS ở các cơ quan giáo dục là chưa đồng đều, chưa phong phú. Vì vậy, để tăng cường hơn sự chỉ đạo của Ban Nữ công đối với công tác nữ ở cơ sở, tuyên truyền viên nòng cốt hoạt động hiệu quả chúng tôi rất cần sự phối hợp của BCH, CĐ tại các CĐCS.

Theo kế hoạch xây dựng thực hiện Tiểu đề án 2 năm 2012, Bộ GD-ĐT đã đặt ra mục tiêu đến hết năm 2012, phấn đấu đạt trên 50% học sinh, sinh viên nữ trong trường học được tuyên truyền, giáo dục về các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước phù hợp với lứa tuổi. 60% CB quản lý cơ sở giáo dục, CB làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, GV nữ thuộc các địa phương và của các cơ sở giáo dục trực thuộc, được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam nói chung và trong trường học phù hợp với bậc học, cấp học và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương….xây dựng các mô hình điểm tuyên truyền, tăng cường sự phối kết hợp với TW Hội LHPNVN, TW Đoàn Thanh niên…

Đến nay, theo báo báo và thống kê nhanh từ các địa phương, cơ sở, đơn vị giáo dục tất cả đều đã thành lập ban chỉ đạo, công tác triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn một (2010-2012) của đề án cơ bản đã được triển khai đúng kế hoạch và tiến độ dưới nhiều hình thức, phương thức tuyên truyền, lồng ghép, tập huấn, tổ chức giao lưu, các cuộc thi trong nhà trường, các chi hội phụ nữ…Hiệu quả và tác động mà đề án mang lại trong việc thay đổi tư tưởng, lối sống nơi nữ học sinh là rất rõ nét. Tuy nhiên, theo cô Phương Linh, chủ tịch CĐ trường ĐH Nông Lâm TP.HCM để việc triển khai Tiểu đề án 2 trong ngành được hiệu quả và đi vào chiều sâu hơn nữa, CĐGDVN, ngành giáo dục cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền. Nâng cao nhận thức hệ thống, giá trị, đạo đức cho chính những cán bộ nòng cốt để không chỉ việc tuyên truyền, công tác lồng ghép các hoạt động trong nhà trường hiệu quả hơn, mà các phương thức giáo dục, các hình thức đa dạng hóa được học sinh hưởng ứng và mang tác động sâu rộng hơn. Đặc biệt, chúng ta cần sớm xây dựng chế độ khen thưởng, xử phạt kịp thời, gắn trách nhiệm của cán bộ nòng cốt với công tác tuyên truyền của Tiểu đề án 2…có như thế những bước chuyển động ban đầu mới là cơ sở để thực hiện giai đoạn 2 của đề án 343.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng các đại biểu dự hội nghị tập huấn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng các đại biểu dự hội nghị tập huấn

Tạo đà cho giai đoạn 2 của Tiểu đề án: 

Dưới đây là nhận xét, sự đồng thuận và các mong muốn mà nhiều cá nhân có trách nhiệm đã thẳng thắn, cởi mở chia sẻ tại lớp tập huấn này. Các ý kiến sẽ là cơ sở để ban điều hành Tiểu đề án 2 triển khai giai đoạn 2 của năm tới

*TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó trưởng Ban tuyên giáo-TW Hội LHPNVN:

Để công tác triển khai, tuyên truyền như thế nào cho hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét theo tôi cần tập trung vào 3 vấn đề chính. Thứ nhất: tạo được sự kết nối giữa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại trong chân dung người phụ nữ Việt Nam. Thứ hai: Giúp người phụ nữ nâng cao vị thế trong xã hội và gia đình. Thứ 3: tạo ảnh hưởng lớn tới giáo dục phẩm chất, đạo đức của các thành viên trong gia đình, nhất là đối với thế hệ trẻ. Và để làm được điều đó, không gì khác là sự thay đổi của chính bản thân, không ngừng hoàn thiện và học hỏi. Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy hơn nữa những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là 4 phẩm chất Tự trọng-Tự tin-Đảm đang-Trung hậu nhằm đáp ứng nhu cầu của thời kỳ mới, người phụ nữ cần phải đặc biệt cố gắng hơn trong việc bồi dưỡng kỹ năng sống, tu dưỡng và rèn luyện không ngừng.

Bà HYim Kđoh, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk  Lắk:

Tôi thấy công tác tập huấn, trang bị kiến thức cho các cán bộ Sở, địa phương, trường như thế này là rất tốt. Nhưng, nếu được thì CĐGD ngành nên phối hợp tổ chức với từng địa phương cụ thể. Vì như thế, hội nghị công tác tập huấn, triển khai ấy sẽ có thêm nhiều GV, CB quản lý được tham dự, quan trọng hơn nữa là lãnh đạo tỉnh cũng sẽ trực tiếp tham gia, lắng nghe và nắm rõ hơn mục tiêu của đề án. Công tác triển khai, gắn kết với các chi hội, công đoàn cơ sở sẽ thực tế hơn rất nhiều. Mặt khác, điều mà các địa phương muốn quan tâm sau khi triển khai đề án là hiệu quả và những gì đạt được. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN:

Với đề án này vai trò của Hội LHPNVN đóng vai trò quan trọng. Vì thế có thể nói công tác phối hợp với ngành giáo dục là hết sức chặt chẽ và đóng vai trò chỉ đạo quan trọng. Nếu công tác tập huấn, tổ chức bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho cán bộ tuyên truyền viên nòng cốt được thực hiện tốt, thường xuyên và bài bản, tôi tin ngành giáo dục sẽ là ngành đầu tiên hoàn thành tiểu đề án mà mình có trách nhiệm. Hiện nay, giai đoạn 1 của đề án sắp kết thúc nên Hội LHPNVN đã đề nghị các đồng chí lãnh đạo Sở giáo dục – Ban vì sự tiến bộ PN ngành giáo dục chủ động triển khai Tiểu đề án 2 ở các tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. 

Bà Nguyễn Thị Huệ, chuyên viên phòng giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai:

.Tiểu đề án 2 mà Bộ GD-ĐT đang triển mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho CB hội, GV và học sinh nữ…mà sự tác động của đề án còn gắn liền với hàng loạt các hoạt động đời sống khác. Tuy nhiên, tôi thấy công tác tập huấn vẫn còn khá chung chung, chưa tập chung và đi sâu vào các vấn đề chủ đạo, nội dung bình đẳng giới vẫn còn đề cập quá ít. Các mô hình hay, các phương thức đưa công tác  tuyên truyền, giáo dục vào trường học vẫn chưa được chia sẻ nhiều. Vì vậy, tôi thấy để công tác triển khai Tiểu đề án 2 tốt hơn, chúng  ta cần  nhiều hơn sự tuyên truyền, công tác thảo luận, trao đổi cần được chú trọng hơn để các giải pháp thực hiện tốt, hiệu quả được các địa phương đóng góp, chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Nguyễn Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ