Gần 200 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên của 63 sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước đã tham dự hội nghị quan trọng này. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.
Từ những năm 2000, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, từ trước năm 2017 công tác quản lý và điều hành của Bộ GD&ĐT nói riêng và ngành giáo dục nói chung được thực hiện theo hình thức bán thủ công, các nhiệm vụ quản lý văn bản, giấy tờ đến và đi đều thực hiện theo đường vận chuyển trực tiếp, thiếu sự giám sát về tiến độ thực hiện cũng như luồng công việc xử lý; thiếu quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị chậm được triển khai; thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc.
Cùng với đó, việc tổng hợp, thống kê báo cáo từ các sở GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn bị động và thiếu thông tin thực tế. Việc tự động hoá bằng một số giải pháp quản lý điện tử đã dược áp dụng tuy nhiên ở mức độ nhỏ, manh mún và khó đưa ra áp dụng phạm vi rộng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, thời gian qua, hiểu được tầm quan trọng của việc triển khai Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống quản lý hành chính điện tử (E-office); Triển khai hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông tích hợp, chia sẻ thông tin đối với các hệ thống quản lý hành chính điện tử và liên thông toàn ngành; hệ thống họp, hội thảo, tập huấn chuyên môn qua mạng; Bổ sung, cập nhật các dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị, các đồng chí lanh đạo và cán bộ quản lý giáo dục tham gia hội nghị tập huấn sẽ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong triển khai Chính phủ điện tử tại đơn vị, địa phương mình. Từ đó cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm ra giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh việc triển khai Chính phủ điện tử của ngành Giáo dục trong thời gian tới.
Số liệu về triển khai Chính phủ điện tử trong Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Năm 2018, chỉ số Hiện đại hoá cải cách hành chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp thứ 2 trong 22 bộ, ngành.
- 100% văn bản không mật được quản lý, trao đổi bằng điện tử, kết nối với trục văn bản điện tử quốc gia.
- Tờ trình được điện tử hoá, 100% công chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp chữ ký số.
- Đã cấp tài khoản kết nối E-office tới 63 sở Giáo dục và Đào tạo và gần 500 cơ sở đào tạo trong cả nước.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai Cổng một cửa điện tử tích hợp với Cổng dịch vụ công trực tuyến, tiến tới số hoá và quản lý toàn bộ việc thực hiện các thủ tục hành chính của Bộ qua mạng, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.