Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL

GD&TĐ - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng đồng bằng sông Cửu Long và Kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL

Tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đây là một quá trình lâu dài, là bộ phận quan trọng của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Tái cơ cấu nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đặt ra nhu cầu bức thiết, không chỉ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp mà còn phải thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp của Vùng và thực hiện Đề án tái cơ cấu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương, các Bộ, cơ quan liên quan tập trung vào một số trọng tâm: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi là vấn đề cấp bách của đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức của biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông.

Các địa phương, các Bộ, cơ quan liên quan phải thực hiện đồng bộ giải pháp tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn sản xuất với tiêu thụ theo yêu cầu của thị trường; gắn công nghiệp với nông nghiệp, nông nghiệp với dịch vụ, kinh tế hộ với kinh tế hợp tác; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo tiểu vùng và vùng đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, tiêu thụ. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

Việc chuyển trồng lúa sang cây trồng khác cần tính đến thị trường và sức cạnh tranh của sản phẩm. Do đó, các địa phương cùng các Bộ, ngành cần xác định lại bản đồ sử dụng đất lúa phù hợp với thực tiễn của đồng bằng sông Cửu Long, gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ, các giải pháp hỗ trợ về vốn, chính sách, cơ chế của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân. Việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây, nuôi con khác cần được nghiên cứu kỹ và triển khai quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của 5 năm tới. Đồng thời, các địa phương cần lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực không chồng chéo, cạnh tranh với nhau và phát triển sản xuất theo chuỗi; xây dựng thương hiệu bằng các đề án cụ thể theo kinh nghiệm của tỉnh Đồng Tháp.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là rất quan trọng đối với cộng đồng dân cư và từng hộ gia đình để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh…, nhưng không nhất thiết các địa phương đều xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cần nghiên cứu kỹ để tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước và xã hội. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ yếu đóng vai trò vườn ươm, trình diễn kỹ thuật; cân nhắc việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu thực hiện tốt công tác dự báo thị trường trong nước, thị trường quốc tế và các thị trường tiềm năng đối với các nông sản chủ lực của vùng để lập kế hoạch sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trên cơ sở các đề án, kế hoạch cụ thể đã được phê duyệt, cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá để có căn cứ khoa học, khách quan đối với từng ngành hàng, từng loại sản phẩm về lợi thế, khả năng cạnh tranh và những khó khăn, thách thức trong tiêu thụ để điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Rà soát các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trong thời gian qua của Trung ương và địa phương. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp để thu hút vốn đầu tư xã hội cho mục tiêu phát triển nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu.

UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai điều tra, đánh giá tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp tiểu vùng Đồng Tháp Mười; định hướng phát triển bền vững và giải pháp thực hiện liên kết tiểu vùng. Bổ sung thông tin về thị trường nông sản chủ lực của các tỉnh thuộc tiểu vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong tiểu vùng; cơ chế điều phối liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười và khuyến nghị cơ chế điều phối liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Văn phòng Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ