Thanh Hóa: Chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước đột phá
Từ việc triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, cùng với tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục toàn diện, năm học 2017 - 2018, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được nâng lên và có bước đột phá cả số lượng và chất lượng giải quốc gia, Olympic quốc tế.
Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết, năm học 2017 - 2018, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường, vì vậy chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn được giữ vững và có bước đột phá.
Bà Phạm Thị Hằng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2018 - 2019 của ngành GD Thanh Hóa là tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, duy trì vững chắc chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Lấy học sinh làm trung tâm là hình thức đổi mới phương pháp dạy học đạt hiệu quả cao tại các địa phương |
Khánh Hòa: Làm tốt công tác phân luồng và hướng nghiệp
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: Một trong những kết quả nổi bật trong năm học 2017 – 2018 của GD Khánh Hòa là công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.
Công tác dạy nghề phổ thông đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn. Việc lựa chọn học nghề phổ thông của học sinh đã chuyển dần sang hướng phù hợp với nhu cầu kỹ năng, phục vụ nhu cầu lao động của xã hội. Phương thức dạy nghề phổ thông cũng được đổi mới theo hướng tăng cường hoạt động thực hành, thực tế.
Là địa phương có huyện đảo Trường Sa, do đó năm học 2018 - 2019, ngoài các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung quan tâm, chăm lo đến chất lượng giáo dục của huyện đảo. Ông Lê Tuấn Tứ cho hay: Hiện Sở đã tổ chức tuyển dụng đủ giáo viên ra huyện đảo.
Tiền Giang: Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ
Ông Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: các trường cũng đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm. Nhiều trường đã thành lập câu lạc bộ Tiếng Anh, tổ chức cho học sinh giao lưu với người dân bản địa, qua đó nhằm tăng cường kỹ năng giao tiếp và kỹ năng nghe - nói cho học sinh.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Oanh, Sở đã tổ chức bồi dưỡng và kiểm tra năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc của Bộ GD&ĐT cho 63 giáo viên Tiếng Anh của các trường THCS. Kết quả có 57 giáo viên đạt bậc 4. Đến cuối năm học 2017 - 2018, có 500 giáo viên THCS đạt chuẩn bậc 4 và 194 giáo viên viên THPT đạt chuẩn bậc 5 và 100% giáo viên dạy Tiếng Anh tiểu học của tỉnh đã đạt chuẩn trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Quảng Ninh: Đổi mới công tác thanh tra
Trong năm học 2018 - 2019, việc đổi mới công tác thanh tra giáo dục của Quảng Ninh tập trung vào một số nội dung: Xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép với công tác kiểm tra chuyên môn để tránh chồng chéo; tập trung vào những vấn đề xã hội quan tâm, như: Lạm thu, dạy thêm học thêm, thi cử, tuyển sinh...
NGƯT Vũ Liên Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: Chúng tôi xác định các nhiệm vụ trọng tâm của thanh tra, chuyển từ thanh tra tập trung vào chuyên môn dạy và học sang thanh tra quản lý, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu, thanh tra kết hợp với bồi dưỡng kỹ năng quản trị trường học.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất vào đầu năm học, sau các dịp nghỉ lễ tết và cuối năm học. Đặc biệt, triển khai kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra theo đơn thư phản ánh hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm ở cơ sở giáo dục, trong đó phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, tạo sự nghiêm minh và tính răn đe, phòng ngừa.
Nam Định: Quan tâm chăm sóc đời sống giáo viên
Bên cạnh việc tham mưu cho chính quyền hỗ trợ tối đa công đoàn viên, Công đoàn Giáo dục tỉnh Nam Định cũng chú trọng thực hiện tốt chế độ chính sách ở các lĩnh vực: Chuyển xếp bậc lương, nâng lương định kỳ, nâng lương sớm; phụ cấp ưu đãi, thâm niên nhà giáo; thi đua, khen thưởng; tuyển dụng; đề bạt; học tập nâng cao trình độ chuyên môn...
Đặc biệt Công đoàn Giáo dục tỉnh Nam Định đã tham mưu về quỹ nhà ở công vụ giáo viên bằng việc hỗ trợ kinh phí xây mới nhà công vụ giáo viên, thăm và tặng quà cho nhà giáo nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân, hỗ trợ sửa chữa nhà công vụ, xây tặng nhà tình nghĩa giáo viên, tu sửa nhà giáo viên… với số tiền hàng tỷ đồng.
Vĩnh Phúc: Triển khai nhiều dự án hỗ trợ giáo dục
Bằng các chương trình hành động cụ thể của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Vĩnh Phúc đã quan tâm triển khai nhiều dự án hỗ trợ GD. Vĩnh Phúc cũng chú trọng đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn quốc gia, sẵn sàng đáp ứng tốt cho việc thực hiện Chương trình SGK mới theo đúng lộ trình đề ra. Đặc biệt gần đây nhất là Dự án xây dựng trường học thông minh cho 27 trường chất lượng cao (tiểu học 9 trường, THCS 9 trường và THPT 9 trường).
Cùng với sắp xếp ổn định quy mô trường, lớp, Vĩnh Phúc cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. Đề án Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đang được triển khai đã cho thấy hướng đi, tầm nhìn đúng đắn trong công tác tham mưu của ngành Giáo dục. Việc chuẩn hóa năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đứng lớp là tiền đề quan trọng hoàn thành các mục tiêu nâng cao chất lượng GD toàn diện và vững chắc.