Dạy Khoa học tự nhiên nhẹ nhàng, vui tươi theo Chương trình mới

GD&TĐ - Sáng 25/4, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức chuyên đề môn Khoa học tự nhiên lớp 6 tại Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa.

Cô giáo Phạm Hương Giang trao đổi với học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn, Hà Nội.
Cô giáo Phạm Hương Giang trao đổi với học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn, Hà Nội.

Chuyên đề môn Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ sách Cánh Diều Bài 35: "Hệ Mặt Trời và Ngân Hà" do cô giáo Phạm Hương Giang, giáo viên Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa và học sinh lớp 6NK1 lên lớp được các chuyên gia, lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố đánh giá cao.

Tiết học nhẹ nhàng, vui tươi

Chuyên đề là hoạt động thực hiện kế hoạch năm học 2022 – 2023 và kế hoạch 4340 (ngày 12/12/2022) của Sở GD&ĐT Hà Nội về thực hiện phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2023 – 2025. Khoảng 1.000 giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên trên địa bàn TP Hà Nội tham dự chuyên đề theo hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp.

Trong tiết chuyên đề, cô Giang đã tổ chức nhiều hoạt động học như cá nhân, nhóm, trò chơi... Đơn cử, học sinh được chia thành các nhóm, mỗi nhóm được phát một bộ thẻ bài gồm 8 hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Từ những gợi ý cô đọng, súc tích, học sinh tìm hiểu về các hành tinh tương ứng trên thẻ bài.

Cô giáo Phạm Hương Giang cho biết: Trong quá trình chuẩn bị chuyên đề, tổ chuyên môn Khoa học tự nhiên mong muốn học sinh nắm được những thông tin cơ bản nhất thông qua các hoạt động học tập gần gũi thực tế, phù hợp với lứa tuổi của các em. Vì thế, tiết học được xây dựng nhẹ nhàng, vui tươi và cô trò có thể thoải mái hòa mình vào các hoạt động.

Học sinh thảo luận nhóm về các hành tinh trên bộ thẻ bài.

Học sinh thảo luận nhóm về các hành tinh trên bộ thẻ bài.

Chia sẻ về việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, cô Giang cho hay tổ chuyên môn Khoa học tự nhiên được chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng thực hiện của từng giáo viên. Giáo viên sử dụng nhiều phương pháp dạy học như trực quan, tích cực cùng các hoạt động học, phần mềm hỗ trợ nhằm giúp học sinh trau dồi kiến thức và kĩ năng .

Tham gia tiết chuyên đề, em Bùi Phương Mai, học sinh lớp 6NK1, chia sẻ: “Tiết học hôm nay dễ hiểu và thú vị. Chúng em được tìm hiểu về hệ mặt trời và ngân hà, biết thêm về những hành tinh ở xung quanh Trái đất. Cô giáo tổ chức cho chúng em tham gia nhiều hoạt động nhóm để rèn luyện kỹ năng làm việc cùng nhau”.

Nâng cao hiệu quả giảng dạy

Nhận xét về tiết dạy chuyên đề của cô giáo Phạm Hương Giang, GS. TS Đỗ Hương Trà, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho hay: Bài học đi theo hướng tự nhiên nhưng ý đồ kết nối tốt, có sự tiếp nối kiến thức giữa các bài học trước và bài học hôm nay. Ngoài ra, cô giáo đã khéo léo sử dụng các kĩ thuật cho học sinh tương tác theo nhóm và tương tác giữa các nhóm, sử dụng phần mềm bổ trợ và gợi mở để học sinh làm chủ kiến thức.

Ông Đặng Trần Xuân, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như tổ chức dạy học của thầy cô Trường THCS Bế Văn Đàn và Phòng GD&ĐT quận Đống Đa; đồng thời, ghi nhận sự hào hứng của học sinh khi tham gia học tập.

Cô giáo Phạm Hương Giang hướng dẫn học sinh học Bài 35: Hệ Mặt Trời và Ngân Hà.

Cô giáo Phạm Hương Giang hướng dẫn học sinh học Bài 35: Hệ Mặt Trời và Ngân Hà.

Chia sẻ với băn khoăn, trăn trở của giáo viên môn Khoa học tự nhiên trên địa bàn thành phố, ông Đặng Trần Xuân cho biết: Chuyên đề hôm nay giúp thầy cô có cái nhìn tổng quát về bộ môn và phương pháp tổ chức dạy học hiệu quả. Đây cũng là cơ hội để thầy cô chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai.

Cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn, cho biết: Trong CT GDPT 2018, Khoa học tự nhiên là môn học mà các trường gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Để chuẩn bị chuyên đề, thầy cô giảng dạy môn Khoa học tự nhiên của nhà trường đã cùng nhau nghiên cứu bài học, xây dựng tiết dạy, vừa tận dụng trang thiết bị, vừa phát triển đồ dùng dạy học. Sau tiết chuyên đề “Hệ Mặt Trời và Ngân Hà”, chủ đề hoàn toàn mới trong chương trình, thầy cô nhà trường thêm tự tin, lạc quan và động lực giảng dạy môn học hiệu quả, chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.