Dạy kèm giúp học sinh Mỹ cải thiện kết quả học tập

GD&TĐ -

Vào tháng 4 vừa qua, Bộ Giáo dục Mỹ đã công bố khoản tài trợ trị giá hơn 220 triệu USD kết hợp với các nguồn từ thiện.

Một lớp dạy kèm của Saga Education dành cho học sinh tiểu học.
Một lớp dạy kèm của Saga Education dành cho học sinh tiểu học.

Các trường phổ thông Mỹ đang liên kết cùng tổ chức phi lợi nhuận xây dựng chương trình dạy kèm tại trường học nhằm cải thiện kết quả học tập của học sinh sau 2 năm học trực tuyến vì Covid-19.

Khi lướt mạng xã hội, cô Joi Mitchell đã nhìn thấy quảng cáo về Saga Education, tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ dạy kèm cho trường học. Dù không phải giáo viên, cô Mitchell luôn mong muốn được làm việc với học sinh nên coi đây là cơ hội tốt để trải nghiệm.

Kể từ năm 2021, cô đăng ký và bắt đầu dạy kèm cho học sinh tại hai trường trung học công lập ở Washington. Ban đầu, học sinh không thích ý tưởng dạy kèm này và nghĩ rằng đây là một hình thức học thêm nhồi nhét.

Tuy nhiên, thực tế, chương trình dạy kèm như Saga Education và nhiều tổ chức khác đang triển khai hiện nay là dự án hỗ trợ học sinh bị gián đoạn học tập do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự án sẽ thuê tình nguyện viên là những người có chứng chỉ sư phạm hoặc là chuyên gia trong một lĩnh vực học tập nào đó đến trường, dạy kèm cho học sinh Mỹ trong lớp theo từng nhóm.

Kết quả Đánh giá quốc gia về Tiến bộ giáo dục được công bố ngày 1/9 không còn là hồi chuông cảnh tỉnh mà được ví như “hồi chuông báo cháy” cho ngành Giáo dục Mỹ.

Bài kiểm tra, được thực hiện bởi học sinh 9 tuổi trên toàn quốc, cho thấy ở môn Toán, điểm trung bình giảm 7 điểm so với mức trước đại dịch. Còn điểm môn Đọc giảm 5. Những kết quả này được cho là đã xóa bỏ những tiến bộ học tập mà nước Mỹ đạt được trong 20 năm qua.

Nhiều chuyên gia nhận định trường học phải đối mặt với tình trạng học sinh hổng kiến thức nghiêm trọng. Do đó, dịch vụ dạy kèm trong trường có thể là một trong những giải pháp hữu ích nhằm đưa học sinh trở lại đúng hướng. Chính phủ liên bang cũng đang đầu tư rất nhiều cho các dự án như Saga Education.

Nghiên cứu từ Trường Đại học Chicago về mô hình của Saga Education chỉ ra việc dạy kèm có thể thu hẹp khoảng cách học tập môn Toán trong 2 năm dịch Covid-19 khiến học sinh học trực tuyến trong một năm học. Hơn nữa, dự án được tài trợ bởi chính phủ và các trường đại học nên phù hợp với học sinh có hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là học sinh đến từ gia đình thu nhập thấp.

Bà Maureen Tracey-Mooney, Trợ lý của Tổng thống Mỹ về chính sách giáo dục, nhận định chương trình dạy kèm là dự án cần thiết cho học sinh sau 2 năm gián đoạn học tập vì dịch Covid-19.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của chương trình là chi phí. Việc dạy kèm trong trường rất tốn kém, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa lớp học và nguồn gia sư dồi dào. Dù vậy, dự án này vẫn cần được tất cả nỗ lực của chính phủ, giáo viên và tình nguyện viên trên cả nước.

Ước tính, việc triển khai chương trình dạy kèm cho các trường phổ thông công lập tại Mỹ sẽ cần khoảng 50 tỷ USD mỗi năm.

Vào tháng 4 vừa qua, Bộ Giáo dục Mỹ đã công bố khoản tài trợ trị giá hơn 220 triệu USD kết hợp với các nguồn từ thiện. Khoản tiền này được phân bổ cho các khu học chánh nhằm xây dựng chương trình dạy kèm và bồi dưỡng giúp hỗ trợ phục hồi học tập.

Hoan nghênh sự hỗ trợ từ chính phủ, ông Alan Safran, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Saga Education, cho biết việc dạy kèm phải được tổ chức ngay trong ngày học, không phải sau khi học sinh đã tan học và ra về. Lớp dạy kèm cần một gia sư nhất quán với tần suất học là 2 - 3 lần/tuần.

Ông Alan bày tỏ tin tưởng với sự hỗ trợ từ chính phủ cùng trường học, tình nguyện viên, kết quả học tập của học sinh Mỹ sẽ nhanh chóng được cải thiện.

Theo NYT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.