(GD&TĐ) - Xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng với độ cao, củ sâm và ... nghèo. Sự học ở nơi cao nhất Quảng Nam này cũng "thấm đẫm" trong muôn khó khăn rất đặc thù.
Mưa lưa thưa nhưng đường ngập lầy. Ở địa phận xã Trà Nam (Nam Trà My) đã thấy rợn người bởi những con dốc cổng trời, thì tới xã Trà Linh: bùn ngập quá nửa 2 chiếc xe máy, 3 người thay phiên đẩy từng chiếc một; từ thôn 1 đến thôn 3 khoảng 10 km, đi trong 2 tiếng đồng hồ.
Chưa hết, đứng ở quán nước bên đường ngó sang là thấy ngôi trường, nhưng tới đó thì còn phải xuống 1 con dốc dựng đứng, rồi lại qua 1 khoảnh rừng chỉ nghe lâm thâm tiếng mưa và tiếng thở hồng hộc của người đi đường.
Bữa cơm trưa của các giáo viên |
Chủ nhật, tôi theo 2 giáo viên trường THCS Trà Linh (thôn 3, xã Trà Linh) về xuôi thăm nhà trở lại công tác. Xuất phát từ sáng sớm, áo quần tinh tươm nhưng chiều tối tới nơi thì dị hợm. “Sao không bỏ xe ở Tắk Pỏ đi xe ôm lên cho khỏe” – 1 giáo viên hỏi khi thấy bộ dạng của tôi, với cái áo thì rách, cái quần lấm lem. “Mưa như ri xe ôm có đi không? – tôi trả lời. Nhóm giáo viên đồng thanh cười. Anh Yên, người chung chuyến đi, nói nhỏ: “Anh em đùa đấy, đi thì xe ôm vẫn đi nhưng 30 km khứ hồi từ Tắk Pỏ tới đây mất 1 triệu, có tiền đi nổi không?”
Cuối tháng 9, sương mù từ dãy Ngọc Linh lãng đãng xuống thôn nóc. Chỉ hơn 100 mét mà đứng bên này nhà nội trú nhìn sang trường còn không thấy rõ. Bữa cơm đạm bạc sương cũng lùa vào bàn. 2 cái ghế không dài thêm để 15 con người ngồi đủ. Người thì vừa đứng vừa ăn, người thì co ro trên ghế, co ro bên bếp lửa sát cạnh. Bữa ăn toàn thứ rau gì đó chấm với mắm cái.
Chưa hết kinh hoàng với chuyến đi, tôi buông một câu thừa thãi: “Đường xá như rứa chắc anh em cũng nhác về quê hỉ?” - “2 - 3 tháng về một lần”; “còn đỡ đấy, chứ 3 năm trước tuyến liên xã Nam – Linh chưa thi công thì phải lội bộ từ Tắk Pỏ tới đây, toàn băng rừng với suối”; “đỡ chi mà đỡ, băng rừng băng suối mà còn an toàn chứ đường chi làm hơn 3 năm chưa xong, mưa xuống là lầy lội, sạt lở, đi xe cháy côn, rớt xuống vực hồi mô không biết” – Những câu trả lời nối tiếp...
Buổi sinh hoạt đoàn thể |
Đêm ấy, tôi ngủ một giấc li bì. Tỉnh giấc, nghe chim rừng líu lo hòa thanh cùng tiếng cười nói của học sinh bên trường vọng sang nhà nội trú. Giáo viên đã đi dạy, học sinh đã đến lớp.
Anh Nguyễn Đình Thắng, Phó hiệu trưởng cặm cụi đánh văn bản gì đó bên máy tính. - “Đánh chi rứa anh?” – “Đánh cái báo cáo tuần sau lên huyện họp”. Rồi anh quay sang nói, làm hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng ở nơi khác thì chỉ cần cái đầu quản lý, còn làm ở Trà Linh nhất thiết phải cơ bắp. Tháng họp 3 – 4 lần, đường tới Tắk Pỏ xa và gồ ghề dù không muốn cũng trở thành lực sĩ.
Anh dẫn tôi qua trường. Ngôi trường làm bằng gỗ với 6 lớp học. Theo anh Thắng, đây là ngôi trường gỗ duy nhất ở Nam Trà My và là ngôi trường cấp trung học làm bằng gỗ duy nhất ở Quảng Nam. Đầu năm nay, trường được tu sửa, nhưng chỉ láng xi măng phần nền, còn lại vẫn cứ là gỗ. Năm ngoái, ngân hàng Công thương có liên hệ với Phòng GD – ĐT huyện ngỏ ý hỗ trợ kinh phí cho xây trường, nhưng vì đường xá không thể chuyển vật liệu lên nên kinh phí kia được chuyển về xây trường bên Trà Don.
“Ở đây nổi tiếng với sâm Ngọc Linh nhưng giàu vì sâm thì chỉ số ít, còn lại là khổ. Hình như cái khổ của người dân nó ám luôn vô ngôi trường, không thể xây được” – anh Thắng nói. Rồi để minh chứng cho lời nói của mình, anh chỉ ngược lên trên, nơi có trụ sở UBND xã: “Em ở đây 1 tuần, đố ngày nào em thấy trụ sở Ủy ban có người làm việc. Tụi anh cũng như dân ở đây muốn công chứng cái gì thì phải thủ sẵn cái giấy trong túi, gặp ông chủ tịch xã ở đâu thì chạy lại xin chữ ký”. Rồi chỉ tay ngược xuống chỗ Trạm y tế xã Trà Linh: “trạm y tế trong 1 tuần mở cửa nhiều nhất là 1 buổi”.
Học sinh trường THCS Trà Linh |
221 học sinh của trường toàn là con em người Xê Đăng. Tôi nhìn vào lớp học, quần các em lấm lem bùn đất. Anh Thắng bảo, học sinh của anh từ nhỏ băng rừng lội suối đã quen nên đi học không biết mệt, nhưng vất vả. Bất luận mưa nắng, 1 học sinh từ nhà đến trường ít nhất phải mất 2 tiếng, cả đi lẫn về là 4 tiếng; nên phải dậy thật sớm, nhà trường sắp xếp thời gian biểu trễ hơn: sáng – 7h30, chiều – 13h30 vào lớp.
Tan buổi học, tôi bám theo 1 nhóm học sinh tới chỗ con dốc dựng đứng cạnh cái cầu treo gần trường. Một học sinh tên là Hồ Văn Đuôi, lớp 6/2, nhà ở tận nóc Cang Cít thôn 1, trả lời khi tôi hỏi có sợ không khi leo con dốc này, rằng: “không”. Nhưng nhìn con dốc trơn tuột, 1 bên là cái vực lởm chởm đá, dáng trẻ vẫn vô tư loắt choắt, lại nhớ câu anh Thắng nói lúc nãy, “cách đây 2 tháng có 1 người bị rớt xuống vực này bay cả hàm răng”, mà thấy rợn người.
Cô giáo nấu cơm chiều |
Bữa cơm trưa hôm ấy có thêm mấy con cá mắm, nhưng bở bục. Hàng từ xuôi lên đây có cái gì còn ngon(?). Mà đắt nữa, như 1 kg gạo Tư Hoảnh ở xuôi có giá 14 nghìn thì lên đây gần 20 nghìn. Cái gì cũng đắt, thành ra, như lời mấy anh chị, trung bình lương của mỗi người là 4 triệu/tháng, nhưng tiền ăn, tiêu vặt chiếm gần nửa.
Tôi hỏi về thứ rau lạ lạ trên bàn ăn, được biết đó là rau lủi, thứ rau rừng, là thức ăn “trường kỳ kháng chiến” ở đây. Mùa nắng thì có món rau này cùng thịt cá đan xen, còn mùa mưa thì chuyên 1 món: mỳ xào "hải sản" - tức mỳ gói ăn mãi đến kinh hãi và sảng hồn.
Cả buổi chiều, ngồi bên bếp lửa với những giáo viên không có giờ lên lớp, tôi được nghe các anh chị kể chuyện "cổ tích thời nay". Như, ở đây giáo viên phải lội bộ mấy cây số trong một ngày để kiếm củi nấu cơm; rằng, cách đây 2 năm thì điện ở đây không có, đèn dầu thắp tù mù; rồi thì có điện, được huyện hỗ trợ mua dàn máy vi tính, mua ti vi tiếp sóng chảo parapol; rằng, ở đây là chỗ cao nhất Quảng Nam, “ngó xuống thấy chúng sinh” nhưng thông tin về “chúng sinh” thì thiếu hụt, chỉ nhờ được cái tivi; còn lại: internet: không, báo: không, trạm viễn thông: không. Năm nay được huyện hỗ trợ công trình nước tự chảy, đỡ hơn năm ngoái phải múc nước suối để uống. Và, nói ra thì mất vệ sinh chứ 1 tuần chỉ tắm nhiều nhất là 4 lần, vì quá lạnh…
Gan nan đường lên Trà Linh |
Rồi là chuyện tình yêu. Anh Linh, 34 tuổi, người lớn tuổi nhất ở đây, nói: “Tình yêu giáo viên dưới xuôi thì muôn hình muôn vẻ, còn ở đây thì tuân theo 1 quy luật: giáo viên nam nữ dạy cùng trường rồi yêu nhau, lấy nhau”. 14 giáo viên ở đây (không kể hiệu trưởng, đã đi công tác dài ngày - PV): 11 người đã có gia đình, đều tuân theo cái “quy luật” trên, có gia đình làm nhà định cư gần trường, có gia đình vợ hoặc chồng chuyển công tác, chịu cảnh xa cách; 4 người còn lại thì có 1 cặp đang yêu, và 2 giáo viên nam "chậm chân" đang bơ vơ, trăn trở theo kiểu “đẹp trai vời vợi, nhưng ở đây hết giáo viên nữ cô đơn rồi, biết khi nào tụi anh có người yêu?”.
Học sinh trường THCS Trà Linh đi học |
Đêm xuống. Trời mưa. Bữa ăn được "bày biện" với lác đác món ăn, lại cảnh tượng ăn “ co ro” hơn hồi trưa. Tôi ở đây 1 tuần, những ngày còn lại không nghe anh chị chủ động kể lể nỗi niềm, nhưng trong 1 ngày đối với tôi là đủ: cái nếp sinh hoạt vẫn y như những gì tôi thấy, y như những gì anh chị kể trong ngày đầu.
Hình như cái thiếu thốn, cách trở đã làm cho nếp sống của họ, mặc dù người lớn tuổi nhất cũng chỉ mới 34, đều tuân theo 1 cách thức, 1 quy luật “những cảnh không đời nào thay đổi”. Cứ xong bữa ăn tối thì vào việc chuyên môn, người soạn bài, chấm điểm (...); sau đó, giáo viên nữ lại ngồi tụ quanh cái ti vi. Giáo viên nam thì có bữa xem ti vi, có bữa nhậu. Một tuần ở đây tôi nhậu được 3 buổi (phụ thuộc vào việc khi bữa cơm tối còn thừa món cá mắm bở bục). Mấy anh em bảo trời lạnh và buồn nên…bắt buộc “cái thế” phải nhậu, nhưng tiền đâu dư dả để nhậu nhiều.
Âm điệu bolero của cây ghi ta lại hòa cùng tiếng hát át cả tiếng mưa. Trong mỗi cuộc nhậu, cứ tới giữa chừng thì lại có người bảo nhớ vợ, nhớ con. Rồi lại từng người một rời bàn, tụ lại đúng 1 chỗ ở dãy hành lang nhà nội trú, cùng làm 1 động tác: cầm cái điện thoại dơ lên dơ xuống để…bắt sóng. Những thông tin lõm bõm...ngắt quãng ấy chính là động lực, nguồn sức mạnh tinh thần để những người thày, cô nơi vùng heo hút này trụ vững để làm tốt nhiệm vụ của mình: Dạy học.
Mai Thành Dũng