Những sản phẩm trình làng
Từng bài báo cáo được các nhóm “trình làng” là kết quả lao động cần cù và sáng tạo của một hành trình thực hiện dự án học tập: “Practice speaking skill” theo một lối đi mới.
Với nhiều đề tài khác nhau nhưng điểm chung của các sản phẩm mà 4 nhóm đưa ra báo cáo chính là các đoạn chiếu video clip và những bài thuyết trình rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh. Đại diện cho nhóm ra mắt đầu tiên, học sinh (HS) Gia Khánh giới thiệu một bộ phim hoàn chỉnh về con người và đất nước Việt Nam. Giống như một bộ phim tài liệu về văn hóa Việt Nam được trình chiếu trên đài truyền hình nhưng điểm khác biệt là các phụ đề đều được thể hiện bằng tiếng Anh vì đây là dự án của bộ môn ngoại ngữ mà cả nhóm đang theo đuổi.
Với năng lực biên tập ban đầu của một vài thành viên trong nhóm, nhiều cảnh đẹp của đất nước hình chữ S được giới thiệu trong sản phẩm như Vịnh Hạ Long, động Phong Nha, chùa Một Cột, cầu Tràng Tiền... hiện lên chẳng khác gì một bộ phim tài liệu chuyên nghiệp về lĩnh vực du lịch. Ấn tượng nhất là trường đoạn nhóm Nguyên Khang phỏng vấn vài du khách nước ngoài trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Với vốn kiến thức từ vựng phong phú, kỹ năng nghe thành thạo và đặc biệt là kỹ năng nói tiếng Anh lưu loát, trôi chảy, các “thông dịch viên” Anh Thi, Gia Hân đã làm tròn vai trò người dẫn chương trình cho khách nước ngoài.
Bám sát đề tài về cuộc sống con người, nhóm của Quỳnh Như, Ngọc Các lại khai thác những yếu tố tự nhiên về địa lý như sông biển, ruộng đồng, nhà máy, môi trường... Chủ đề mà sản phẩm hướng tới chính là vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường. Hình ảnh rác thải đầy đường, phủ kín mặt nước là lời cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường mà con người đích danh là thủ phạm đầu tiên cần phải tự điều chỉnh hành vi của chính mình. Cũng bằng hình thức phỏng vấn, Ngọc Các trong vai nhà báo đã đưa ra những yêu cầu về phân loại rác không ngoài mục đích đề cao tính ứng dụng của sản phẩm mà cả nhóm chọn làm dự án.
Món ăn thuần Việt và sức khỏe ăn uống là chủ đề mà nhóm của Gia Hân và Hoàng Phúc đã theo dự án trong bộ môn Tiếng Anh suốt mấy tháng qua. Thông điệp mà nhóm mang lại trong dự án chính là trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay. Sức khỏe con người phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng mà cụ thể nhất là các loại thức ăn có lợi và có hại cho sức khỏe con người.
Dù đi theo cách nào, các nhóm cũng đã hoàn thành tốt công việc mà GV đã giao cho để có những sản phẩm cuối cùng hoàn hảo nhất. Đúng như đánh giá của cô Trần Thúy Diệp - tổ Ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động luôn được nhà trường và các tổ chuyên môn tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Chính trải nghiệm sáng tạo là hoạt động có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học. “Đối với bộ môn Tiếng Anh, hoạt động trải nghiệm đã phát triển, nâng cao tố chất, tiềm năng của HS, nuôi dưỡng ý thức sống tự lập, sự quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh” - cô Diệp trao đổi.
Phụ huynh vui mừng chứng kiến sự trưởng thành của con em tại lớp học trải nghiệm |
Mùa thu hoạch sau dự án
HS Vương Mỹ Châu cho biết, để có một bài thuyết trình hoàn chỉnh, đầu tiên các nhóm phải xác định được vấn đề cần giải quyết, đó là lý do chọn đề tài. Đối với xây dựng nội dung, đề tài phải nêu lên được thực trạng hiện nay, những mặt ưu điểm và hạn chế của vấn đề. Theo Mỹ Châu, điều khó hơn chính là mục tiêu hoạt động, các nhóm phải đưa ra được nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề. Đây là công việc bắt các nhóm phải có một testshow để có một giải pháp từ ý kiến khách quan của khách nước ngoài được phỏng vấn và cả giải pháp từ bản thân qua hình ảnh hoặc qua video.
Không chỉ có được thành quả từ công sức lao động của một tập thể mà qua hoạt động trải nghiệm, các nhóm đã hình thành và rèn luyện được một số thao tác bắt buộc, như tìm kiếm thông tin qua mạng, qua sách báo, kỹ năng làm việc theo nhóm, năng lực thuyết trình và diễn xuất.
Từng đạt giải cao trong cuộc thi hùng biện Tiếng Anh cấp thành phố nhưng Gia Khánh vẫn có thêm cơ hội trình bày trước tập thể bằng ngôn ngữ thứ hai mà mình đang học; tự tin hơn với những sản phẩm ban đầu nhóm mới làm ra. Tuy có vài lỗi nhỏ nhưng nhiều HS cũng đã lớn khôn hơn về định hướng phát triển năng lực. Thời gian làm dự án, các em đã được gieo mầm về năng lực làm chủ bản thân và phát triển bản thân. Ở một góc độ khác, đó còn là năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề và cao hơn là năng lực sáng tạo, có thêm những ý tưởng mới lạ mà chỉ có cách học này mới đem lại được.
Tham gia buổi báo cáo, một số phụ huynh được chứng kiến con em mình vào vai những người thiết kế dự thảo và trình bày kết quả thực hiện. Chị Lê Thị Thanh Thủy thật sự vui mừng vì thấy cậu con trai Minh Thông - HS lớp 9TC3 đã biết chủ động trong việc học tập để khắc phục những hạn chế của bản thân ở những lớp học cấp dưới trước đây. Có lẽ đây là niềm vui lớn nhất của các bậc làm cha làm mẹ từng vất vả để cho con học tập nên người.
Không chỉ hình thành năng lực xã hội mà các năng lực công cụ của HS cũng được rèn giũa. Đó là cái đích cuối cùng để nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, biểu diễn - trình bày trước đám đông. Cây năng lực được vun xới cũng là nơi để ngọn kỹ năng vươn lên trong sự tương tác, hỗ trợ với nhau giữa HS với HS. Những thu hoạch này không thể có được khi chỉ ngồi nghe GV thuyết trình một chiều trên bục giảng. Cô Phạm Minh Tân đánh giá, tiếng Anh là môn học đòi hỏi về khả năng giao tiếp rất nhiều nơi HS để ứng xử trong cuộc sống. Vì thế hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp người trong cuộc có cơ hội tốt nhất cho việc rèn luyện các kỹ năng thiết yếu qua môi trường học tập luôn gắn kết với thực tiễn.