Kích hoạt học sinh trong dạy học dự án

GD&TĐ - Dạy học dự án đã không còn là một khái niệm xa lạ với giáo viên. Đó là một phương pháp dạy học tích cực, tiến bộ; đủ sức thúc đẩy học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức, hình thành và phát triển các kĩ năng; bồi đắp những thái độ tích cực cho các em. 

Kích hoạt học sinh trong dạy học dự án

Vậy nhưng, không phải giáo viên nào cũng có thể dạy học dự án; và cũng không phải giáo viên nào dạy học dự án cũng thành công.

Kích hoạt từ bản thân của dự án

Đầu tiên, một dự án hấp dẫn học sinh thì đòi hỏi phải có tính thời sự, tính nhân văn, tính vấn đề... Tính thời sự, tính nhân văn thì chúng ta không bàn đến nữa. Còn tính vấn đề là gì? Chính là dự án đặt ra cho từng học sinh, cho từng nhóm học sinh vấn đề mà các em phải cùng nhau giải quyết. Đó sẽ là những vấn đề xuất phát từ kiến thức trong chương trình học, cũng có thể là vấn đề trong thực tế giáo dục học sinh. Và tính vấn đề đó thể hiện trong suốt quá trình thực hiện dự án, được thể hiện một cách đậm nét ở “sản phẩm của dự án”…

Tiếp đó, một dự án hấp dẫn học sinh được thể hiện ở các khâu: tên dự án, các giai đoạn thực hiện dự án, các sản phẩm mà dự án hướng đến. Trong suốt quá trình đó, có 2 điểm thu hút học sinh nhiều nhất, tạo hứng thú lớn nhất cho học sinh khi thực hiện dự án, đó là: giai đoạn trải nghiệm thực tế và giai đoạn sản phẩm hoàn thành. Với trải nghiệm thực tế, giáo viên phải tính toán, nghiên cứu để đưa ra một quá trình trải nghiệm thực tế thực sự thu hút, thú vị; với sản phẩm học sinh hoàn thành khi thực hiện dự án: sản phẩm phải thực tế, bám sát kiến thức, phát huy được tinh thần hợp tác trong nhóm…

Kích hoạt từ bản thân giáo viên

Ngay từ khi công bố dự án, giáo viên phải cho học sinh thấy sự minh bạch, công tâm trong quá trình triển khai dự án. Sự minh bạch, công tâm của giáo viên thể hiện trước hết ở cách chia nhóm. Có nhiều cách chia nhóm học sinh. Nhưng dù là cách nào thì cũng phải đảm bảo đến mức cao nhất tỉ lệ đồng đều về trình độ, về kĩ năng, về giới tính giữa các nhóm.

Sự minh bạch, công tâm của giáo viên còn thể hiện ở việc đưa ra các tiêu chí đánh giá cho từng cá nhân học sinh, và cho các nhóm. Các tiêu chí đó cần được thiết kế để đánh giá từng học sinh và các nhóm một cách công bằng nhất. Và các tiêu chí đó cần được công bố công khai từ ngày đầu tiên khởi động dự án. Sự đánh giá có thể theo từng giai đoạn, theo sản phẩm…

Trong quá trình thực hiện dự án, giáo viên lên kế hoạch chung cho dự án. Từ kế hoạch chung đó, giáo viên trao toàn bộ quyền chủ động, tổ chức, lãnh đạo, lập kế hoạch… cho học sinh; đồng thời biến mình trở thành người đồng hành, người giám sát, người chia sẻ, người cố vấn cho các em.

Từ kế hoạch chung của giáo viên, các nhóm học sinh sau khi được phân chia, sẽ lên kế hoạch thực hiện cho nhóm mình, tự phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm; và sẽ thực hiện chế độ báo cáo bằng văn bản cho giáo viên theo các giai đoạn mà giáo viên yêu cầu. Giáo viên theo sát quá trình thực hiện của các nhóm, thúc đẩy các nhóm thực hiện nhiệm vụ, gỡ rối cho các nhóm khi các em có những khúc mắc, tranh cãi…

Để kích hoạt học sinh, giáo viên cần đưa các nhóm học sinh vào thế cạnh tranh với nhau: Cạnh tranh giữa các bạn trong cùng một nhóm khi thực hiện nhiệm vụ cá nhân, đặc biệt cạnh tranh giữa các nhóm với nhau để thực hiện nhiệm vụ chung của dự án.

Từ những nhiệm vụ mỗi nhóm cần thực hiện với những deadline giáo viên giao, nhóm trưởng sẽ phân chia nhiệm vụ cho mỗi thành viên trong nhóm để thực hiện yêu cầu chung. Muốn vậy, mỗi thành viên cần cố gắng hết sức để thực hiện nhiệm vụ được giao. Mỗi dự án sẽ được chia thành các giai đoạn khác nhau. Khi kết thúc mỗi giai đoạn, giáo viên sẽ công bố và dành lời khen tặng cho nhóm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Từ đó kích thích các nhóm khác cố gắng trong giai đoạn tiếp theo. Cứ vậy sẽ thúc đẩy quá trình làm việc liên tục của học sinh.

Để kích hoạt học sinh, giáo viên cần tăng cường động viên, khích lệ, khen ngợi; tuyệt đối không sử dụng những từ ngữ mang tính tiêu cực, chê bai làm giảm khí thế trong quá trình thực hiện dự án của các em. Muốn vậy, giáo viên cần theo sát học sinh, theo sát các nhóm dự án. Hãy là một người đồng hành, cùng chia sẻ những ý tưởng, những sáng tạo với các em học sinh. Trước mỗi quá trình thực hiện của các em, trước mỗi sản phẩm các em hoàn thành cần đưa ra những lời nhận xét mang tính tích cực. Luôn luôn bắt đầu bằng những lời nhận xét về ưu điểm của các em, rồi từ đó mới chỉ ra cho các em thấy những việc cần hoàn thiện…

Để kích hoạt học sinh, giáo viên cần xây dựng một quy trình đánh giá, ở đó, giáo viên không phải là người duy nhất đánh giá học sinh. Sự đánh giá của giáo viên chỉ chiếm 50%, còn 30% là sự đánh giá của chuyên gia, 20% là đánh giá của chính học sinh. Nghĩa là trong suốt quá trình thực hiện dự án, giáo viên sẽ đánh giá các nhóm, chuyên gia sẽ đánh giá các nhóm, nhóm trưởng sẽ đánh giá các thành viên, và các nhóm sẽ đánh giá lẫn nhau.

Đánh giá đa chiều như vậy sẽ đảm bảo tối đa sự công bằng, đồng thời kích thích học sinh chủ động, tích cực thực hiện dự án. Và tất cả sự đánh giá đó, giáo viên quy ra thành điểm số. Có thể, cho học sinh điểm hệ số 1 trong giai đoạn trải nghiệm thực tế; cho học sinh điểm hệ số 2 khi kết thúc dự án. Điểm hệ số 2 sẽ là điểm đánh giá suốt quá trình thực hiện dự án, điểm sản phẩm của các nhóm…

Tựu chung lại, để kích hoạt học sinh từ bản thân giáo viên thì đòi hỏi ở giáo viên đó phải toát ra thần thái cuốn hút, năng lượng dồi dào. Có thể nói, đó là một sự “tỏa nhiệt” từ người thầy.

Kích hoạt từ các yếu tố khác

Có thể trong quá trình thực hiện dự án, tùy thuộc vào những kiến thức, kĩ năng mà dự án yêu cầu học sinh hình thành…, giáo viên có thể mời các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau đến chia sẻ với học sinh; giáo viên có thể tìm nguồn tài trợ để trao thưởng cho các nhóm học sinh hoàn thành xuất sắc dự án; giáo viên có thể in chứng chỉ hoàn thành dự án cho các em học sinh tham gia; có thể đề xuất với nhà trường tặng giấy khen cho các học sinh hoàn thành tốt…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.