Dạy học tích hợp, liên môn: Học sinh tham gia tương tác tích cực trong giờ học

GD&TĐ - Học sinh có điều kiện khắc sâu các kiến thức, biết vận dụng các kiến thức đã học để giải thích các vấn đề, hiện tượng trong cuộc sống. Đặc biệt, học sinh tham gia tương tác với giờ giảng rất tích cực và thể hiện nhiều ý tưởng, suy nghĩ, nhận xét rất mới mẻ và thú vị.

Dạy học tích hợp, liên môn: Học sinh tham gia tương tác tích cực trong giờ học

Tuy nhiên, để dạy – học tích hợp, liên môn có hiệu quả, ngoài việc phải dành nhiều thời gian tìm kiếm thông tin, đầu tư cho giáo án, giáo viên phải có kiến thức liên ngành vững chắc.

Thở cũng có liên quan đến công thức tính diện tích

Đó là những ồ à thú vị của nhóm HS Trường THCS Tây Sơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) sau khi học bài Hoạt động hô hấp. Cô giáo Hồ Thị Dung nhắc lại công thức tính diện tích hình chữ nhật và hình bình hành, vẽ minh họa lên bảng để HS củng cố lại kiến thức “nếu có cùng độ dài cạnh thì diện tích hình chữ nhật luôn lớn hơn diện tích hình bình hành”. Những kiến thức này giúp cho HS lý giải được vì sao khi các xương sườn ở lồng ngực được nâng lên thì thể tích lồng ngực lại tăng và ngược lại.

Theo đó, khi thể thích lồng ngực kéo lên trên đồng thời nhô ra phía trước, tiết diện mặt cắt dọc ở vị trí mô hình khung xương sườn được kéo lên là hình chữ nhật, còn khi xương sườn hạ xuống là hình bình hành.

Vì có cùng độ dài cạnh thì diện tích hình chữ nhật luôn lớn hơn diện tích hình bình hành nên thể tích lồng ngực hít vào lớn hơn thể thích thở ra. Các cơ xương ở lồng ngực đã phối hợp hoạt động với nhau để tăng thể tích lồng ngực khi hít vào và giảm thể tích lồng ngực khi thở ra. Khi được hỏi, nhiều em HS đều có chung suy nghĩ: “Lúc học cách tính diện tích, em cũng chỉ nhớ công thức để làm bài thôi, không nghĩ là có thể vận dụng để giải thích được những điều gần gũi với mình như thế.

Cách học này vừa giúp em củng cố lại kiến thức lại vừa rất thú vị”. Không chỉ ôn lại kiến thức của môn Toán, khi học bài Hoạt động hô hấp, HS cũng có cơ hội củng cố lại kiến thức của môn Vật lý khi giáo viên giải thích hiện tượng các chất khí khuếch tán từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp.

HS khối lớp 6 – 7 Trường Tiểu học - THCS Đức Trí (Đà Nẵng) vừa có buổi học học tập tích hợp thực tế tại một trang trại ở ngoại ô thành phố. Tùy theo từng khối lớp, các nhóm HS được phân công một số nhiệm vụ như: Phân tích các điều kiện về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu để tìm hiểu các loại cây trồng phù hợp; giá trị kinh tế của các loại cây trồng tại trang trại; phân loại rễ cây, cấu trúc lá, cách sắp xếp lá trên cây; thực hành xếp luống, gieo hạt… Với nhiều nội dung công việc được lồng ghép một cách khéo léo thông qua hoạt động nhóm, HS cũng được học phát triển kỹ năng sống và hướng nghiệp; làm bài thu hoạch và trình bày kết quả của nhóm sau buổi học.

Không để giáo viên “tự bơi”

Những nỗ lực trong tích hợp kỹ năng sống và các kiến thức bộ môn có liên quan vào giảng dạy đang được các trường học ở Đà Nẵng triển khai khoảng hai năm gần đây với mong muốn tạo đà cho cả GV và HS thích ứng với chủ trương đổi mới chương trình - sách giáo khoa.

Như Trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu), BGH nhà trường có nhiểu buổi cùng với GV các bộ môn nghiên cứu tính toán xem những bài học nào, phần kiến thức nào thì có thể tích hợp, có mức độ liên quan để xây dựng trước bài giảng ngay trong thời gian nghỉ hè. Chính vì vậy, hầu như tổ chuyên môn nào cũng có GV tham gia dạy học tích hợp, liên môn.

Thầy Nguyễn Đức Tú Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn chia sẻ một cách làm khác: “Ngoài hỗ trợ GV trong sử dụng khai thác tại trường học kết nối để tìm tài liệu, nghiên cứu phục vụ cho dạy học tích hợp, liên môn, BGH nhà trường đã tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh về chủ trương này để có những hỗ trợ cần thiết trong quá trình học tập của con em họ.

Trong dự giờ, thăm lớp, BGH cũng cần có những góp ý nếu GV tích hợp, liên hệ không hợp lý”. Trường THCS Tây Sơn cũng tổ chức một số chuyên đề tích hợp cho toàn trường trong các tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần và trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm lớp mỗi tuần theo chủ điểm của từng tháng thông qua các hình thức sinh động hấp dẫn như hái hoa dân chủ, kể chuyện, sưu tầm tranh ảnh…

Cô Lê Thị Nga thì cho rằng: Trong điều kiện giáo viên đang được đào tạo đơn môn, sách giáo khoa cũng đang viết theo kiểu đơn môn, trước giờ, các giáo viên bộ môn hiếm khi có sự trao đổi chuyên môn theo hướng liên môn mà chỉ sinh hoạt trong cùng tổ chuyên môn nên BGH phải thực sự sát sao, có những hướng dẫn cho giáo viên trong việc lựa chọn những kiến thức tích hợp, liên môn phù hợp, tránh việc khiến cho giờ học trở nên nặng nề.

Cô Nguyễn Thị Minh Tuệ và cô Trương Thị Thanh Nhàn – GV Trường THCS Nguyễn Huệ kể: “Để xây dựng được bài giảng cho bài Địa lý địa phương thành phố Đà Nẵng, lúc đầu, chúng tôi rất bối rối, không biết nên theo hướng tích hợp hay liên môn. Về sau, chúng tôi tham khảo kỹ SGK môn Sử, môn Địa và cả môn Sinh vật với quan điểm tránh lan man, ôm đồm nên có hướng soạn giáo án liên môn Sử - Địa và tích hợp kiến thức của môn Sinh ở phần tìm hiểu hệ sinh vật và thành phần tự nhiên như thổ nhưỡng, địa hình”.

Theo kinh nghiệm của cô Nguyễn Thị Minh Tuệ và cô Trương Thị Thanh Nhàn, thì người dạy cần tính toán, chuẩn bị xem chọn phương pháp nào, kỹ năng nào tích hợp vào bài giảng và cần linh động tích hợp bài vở ở mọi lúc, mọi nơi, trong giờ giảng hay giờ ngoại khóa nhưng tránh sự liên hệ một cách khiên cưỡng, gượng ép vì sẽ đi ngược lại với mong muốn của giáo viên.

Cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Đức Trí cho biết: “Để có được một buổi học tích hợp thực tế, ngay từ đầu năm học, BGH đã chỉ đạo cho GV các bộ môn Giáo dục công dân, Sinh học, Công nghệ và Địa lý cùng ngồi lại với nhau, tìm các kiến thức có liên hệ lẫn nhau để có thể dạy liên môn. Trước khi HS đi thực địa, GV phải khảo sát thực tế để có thể phân công nhiệm vụ mỗi nhóm nhằm đạt hiệu quả cao”.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ