Cần “thầy giáo già” hay “con hát trẻ”?
“Thầy giáo già, con hát trẻ” là một phương ngữ nhằm đề cao kinh nghiệm nghề nghiệp. Nhiều người cho rằng, giáo viên dạy lâu năm bao giờ cũng có kinh nghiệm hơn hẳn giáo viên trẻ. Điều này có thể đúng song chưa phải là cái nhìn đa chiều. Tính tích cực trong hoạt động dạy và học phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trước tiên phải là vai trò “khơi ngòi” và “giữ lửa” của người thầy.
Khi tôi hỏi các em học sinh trường mình có thích học những tiết giáo viên trẻ về dạy thực tập hay không, thật bất ngờ, một số học sinh trả lời là chỉ thích họ sinh hoạt cùng các em trong giờ chủ nhiệm, còn không thích họ lên lớp dạy chính khóa. “Các thầy cô ấy dạy khó hiểu, các bạn ít tập trung hay nói chuyện riêng, chứ không như cô giáo em (GV bộ môn) luôn dạy dễ hiểu và các bạn sôi nổi phát biểu xây dựng bài”, một em nhận xét.
Hồi còn học phổ thông, con gái tôi cũng như bạn bè cháu thường bày tỏ thích GV này dạy, GV kia dạy. Trong số đó có những GV tuổi đời đã cao, dạy lâu năm là GV giỏi, đầy nhiệt tâm, được HS yêu thích. Nhưng cũng có những cô giáo trẻ ra trường chỉ vài ba năm đã được các em hâm mộ bởi có tố chất trẻ trung, năng động, luôn tạo ra những tiết học vui.
Một số sở, phòng cũng thường có xu hướng chọn GV năng nổ, nhiệt tình công tác để làm chuyên viên phòng, ban, hay bộ phận phổ thông. Nhưng cũng cần nói thêm, sự năng nổ, nhiệt tình “công vụ” hoàn toàn khác với “lửa” nhiệt thành trong bài giảng, trong chuyên môn. Chuyên viên dự giờ mà không có tay nghề, thiếu kỹ năng chuyên môn thì khó mà nhận định, đánh giá đúng tay nghề của giáo viên. Một khi không đánh giá đúng sẽ dẫn theo kìm hãm tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người thầy trên lớp.
Để thành công trên bục giảng thì GV lâu năm hay GV trẻ đều cần phải có tố chất chung là yêu chuyên môn, thâm nhập kỹ bài giảng và hiểu biết học sinh của mình. Một khi chây lười nghiên cứu bài dạy, chỉ thụ động vào tài liệu GV và sách giáo khoa, dễ dẫn đến những giờ lên lớp bị động, lúng túng; còn hiệu quả về chất lượng bỏ ngỏ. Phần đông học sinh khi được hỏi, đều thích học những tiết học nhẹ nhàng, vui vẻ, có tích hợp kiến thức bên ngoài SGK.
Kiên trì học hỏi khi vận dụng những mô hình dạy học tiên tiến
Trong xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới hiện nay, mục tiêu đặt ra không chỉ chú trọng truyền thụ kiến thức mà còn hướng đến phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh.
Để thực hiện phương thức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm theo mô hình trường học mới đạt chất lượng và hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng Giáo dục, các trường tiểu học và THCS rà soát, đánh giá tình hình triển khai mô hình trường học mới tại địa phương, theo các điều kiện đảm bảo chất lượng. Cụ thể gồm: Giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp theo quy định đối với từng cấp học; có kỹ năng thiết kế bài học và tổ chức hoạt động học của học sinh theo phương pháp dạy học tích cực, lựa chọn và sử dụng thiết bị dạy học và học liệu phù hợp để tổ chức hoạt động học của học sinh đạt hiệu quả thiết thực, đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Cán bộ quản lý hiểu rõ, nắm chắc phương thức dạy học theo mô hình trường học mới; có cán bộ quản lý chuyên trách chỉ đạo, theo dõi, giám sát, chịu trách nhiệm về kết quả triển khai phương thức dạy học mới.
Ngoài mô hình trường học mới, Bộ GD&ĐT cũng triển khai nhiều mô hình dạy học tiên tiến, phương pháp của một số nước có nền giáo dục phát triển đạt hiệu quả như: Dạy học theo VNEN; Dạy học theo phương pháp “bàn tay nặn bột”, “khăn trải bàn”; Dạy học gắn với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, di sản văn hóa; Giáo dục kỹ năng sống, môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh; Giáo dục đạo đức, lối sống…
Lãnh đạo Bộ cũng quán triệt đến các trường, để chuẩn bị tốt nhất cho chương trình, sách giáo khoa mới, khi triển khai các mô hình, phương pháp dạy học tích cực cần bảo đảm một số điều kiện cần thiết, phù hợp thực tiễn, không nóng vội. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, đánh giá, chỉ ra các bất cập và đưa ra các giải pháp trong quá trình triển khai phương pháp, mô hình trường học mới; tăng cường tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý; chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực. Theo đó, GV thực hiện việc chuyển đổi từ truyền thụ kiến thức một chiều sang tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học, tự học, thúc đẩy các nhóm và từng cá nhân học sinh hoạt động tích cực; tạo môi trường sư phạm thân thiện, dân chủ, hợp tác giữa các thành viên trong lớp học, nhà trường và cộng đồng nhằm phát triển các phẩm chất, năng lực của học sinh.
Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học tích cực nói chung trong những năm qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế: quá trình triển khai chưa nghiên cứu thấu đáo, còn nóng vội, khâu giám sát còn lỏng. Chuyên gia các sở, phòng khi triển khai phương pháp dạy học theo mô hình tiên tiến còn máy móc, thiếu linh hoạt, không phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, trường, lớp. Một tồn đọng từ rất lâu là GV thường hay dùng phương pháp đọc - chiếu, chép - ghi máy móc.
Nguyên nhân cơ bản vẫn là do năng lực nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ quản lý, GV còn yếu, chưa theo kịp phương pháp mới. Các nguyên nhân khác là do cơ sở vật chất, trang thiết bị không phù hợp những yêu cầu đặt ra. Ứng dụng công nghệ thông tin là việc làm cần thiết mà mọi GV cần phải nắm bắt, nhưng phải linh hoạt ở mức độ vừa phải. Việc lạm dụng công nghệ thông tin đôi khi làm giảm vai trò dẫn dắt của người thầy. Có không ít GV trong suốt tiết học còn “trình diễn” nội dung bài dạy với những hình ảnh, màu sắc bắt mắt, còn HS thì lại rơi vào tình trạng chiếu - chép một cách thụ động, không hiệu quả. Công nghệ thông tin chỉ thực sự là đòn bẩy của dạy học tích cực nếu như ở mức độ vừa phải, hợp lý chứ không sẽ rơi vào tình trạng bội thực, quá tải.