Dạy học tiếng Anh: Nhiều giải pháp đáp ứng Chương trình mới

GD&TĐ - Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố, Tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12, được xây dựng lấy năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học, kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết. Vì thế đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học ở các cấp học là việc làm cần thiết trong quá trình đổi mới.

Phương tiện nghe nhìn hỗ trợ hiệu quả trong học tiếng Anh
Phương tiện nghe nhìn hỗ trợ hiệu quả trong học tiếng Anh

Tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới

Mục tiêu cơ bản của môn Tiếng Anh trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ, như: Ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; qua đó giúp các em đạt bậc 3 khi kết thúc cấp THPT theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đồng thời, môn Tiếng Anh bậc phổ thông giúp học sinh hiểu biết khái quát về đất nước, con người và nền văn hóa của một số quốc gia nói tiếng Anh.

Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh cho phép sử dụng nhiều phương pháp, nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh, khả năng sử dụng các quy tắc ngữ pháp để tạo ra các câu đúng và phù hợp thông qua kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Bàn về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong Chương trình mới, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, nâng cao trình độ tiếng Anh cho các thầy cô, ngoài tiếp cận chuyên môn còn phải tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới hiệu quả hơn. Cần đầu tư cơ sở vật chất, tăng thêm thời gian học ngoại ngữ, giúp cho điều kiện dạy và học ngoại ngữ tốt hơn.

Đồng thời, khuyến khích học sinh học tập ngoại ngữ nhiều hơn như nghe, nói, đọc, viết, nhà trường có thể tạo ra môi trường dạy và học tiếng Anh tiên tiến năng động khi kết hợp các yếu tố: GV giỏi, SGK tiên tiến, cơ sở vật chất để đạt được mục tiêu GD đề ra.

Cô Trần Thị Tuyết, Trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng: Giáo viên phải tìm tòi các biện pháp để lôi cuốn HS, cho các em cơ hội được thực hành, nghe nói. Giáo viên phải dần thay đổi cách biên soạn bài giảng theo hướng phát triển năng lực học sinh, tránh sao chép rập khuôn. Khuyến khích biên soạn giáo án theo hình thức từng hoạt động cụ thể. Tuy nhiên vai trò của xã hội cũng rất quan trọng để các em có cơ hội học tập.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Chú trọng dạy học tích hợp

Việc dạy học theo hướng tích hợp là xu hướng giảng dạy tiên tiến, hiện đại mà nhiều thầy cô giáo đã thực hiện trong thực tế. Đặc biệt, tiếng Anh là môn học có thể tích hợp được nhiều kiến thức của các môn khác. Khi xây dựng bài học của từng tiết học ở môn Tiếng Anh, giáo viên sẽ dễ dàng nhận thấy nội dung của bài học ấy liên quan đến các kiến thức nào để từ đó xây dựng giáo án theo hướng tích hợp, khai thác, mở rộng kiến thức ở môn học khác.

Cô Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) cho biết: Việc dạy tích hợp Toán học và Khoa học tiếng Anh giúp các em học sinh phát huy được các kỹ năng giải quyết vấn đề: Các bước giải quyết vấn đề gồm phân tích, lựa chọn hướng giải quyết, lên kế hoạch thực hiện và theo dõi, đo lường kết quả, hiểu đơn giản như mỗi vấn đề là một bài tập toán và việc của bạn là đi tìm lời giải thuyết phục nhất.

Đặc biệt là dạy học song ngữ môn Toán bằng tiếng Anh là hướng đi đúng đắn trong quá trình hội nhập. Khi học song ngữ, các học sinh có rất nhiều cơ hội đạt được thành công trong tương lai. Lợi ích gần nhất của việc học tốt môn Toán mà các em học sinh thường thấy đó là giúp vượt qua các kỳ thi và có nhiều cơ hội hơn trong tương lai.

“Trong dạy học tích cực, học sinh là chủ thể của mọi hoạt động, giáo viên chỉ đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn; phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Cuối cùng là khắc sâu kiến thức trọng tâm bài học qua các bài tập hoặc trò chơi giúp học sinh hứng thú hơn” – cô Phạm Thu Hà chia sẻ.

Chia sẻ về những tín hiệu tích cực trong quá trình giảng dạy tích hợp, cô Phạm Thu Hà cũng cho biết: Những giờ dạy Toán với cách tiếp cận như trên giúp học sinh thấy Toán học gắn liền với cuộc sống chứ không chỉ có những công thức khô khan. Học sinh nắm các kiến thức trọng tâm, biết vận dụng để giải quyết các bài toán tương tự, các bài toán thực tế. Trong giờ học, học sinh rất hứng thú trong các hoạt động dạy và học, học sinh đam mê tìm tòi chiếm lĩnh và nhận thức.

Là một trường trọng điểm về chất lượng của huyện Bảo Yên, Lào Cai, năm học 2018 - 2019, Trường THCS số 1 Phố Ràng cũng đẩy mạnh dạy ngoại ngữ tích hợp trong các môn học khác để tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thầy giáo Phạm Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dạy và học song ngữ Việt - Anh giúp học sinh được tiếp cận với một phương pháp học tập mới, tạo điều kiện cho các em được bổ sung thêm vốn từ vựng tiếng Anh, có thêm cơ hội được tiếp cận với nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Từ đó, giúp học sinh thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các bộ môn khoa học khác bằng tiếng Anh”.

Để đạt hiệu quả tốt hơn trong việc dạy và học tích hợp, đặc biệt dạy song ngữ Việt - Anh các môn học nói chung và trong môn khoa học tự nhiên nói riêng, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT cần tăng cường nguồn học liệu cho các môn học; Sở GD&ĐT nên tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các nhà trường tham gia thí điểm chương trình để các trường trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo dạy học song ngữ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ