Dạy học theo sơ đồ tư duy: Tiếp cận với cách học sáng tạo

Dạy học theo sơ đồ tư duy: Tiếp cận với cách học sáng tạo

Tăng thời gian trao đổi

Cô Nguyễn Thị Kiều Tiên, giáo viên giảng dạy bộ môn Sinh học, Trường THPT An Khánh (TP Cần Thơ) cho biết: Áp dụng phương pháp sơ đồ tư duy vào giảng dạy đã mang lại những hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng dạy và học. Đối với môn Sinh học, giáo viên có thể dùng cách này để hệ thống hóa lý thuyết Sinh học cho học sinh (HS).

Khi tiến hành phương pháp sơ đồ tư duy đối với 12 chủ đề về tiến hóa sẽ giúp người dạy và người học dễ dàng xâu chuỗi kiến thức, liên hệ thực tế để hiểu sâu các vấn đề. Bộ môn Sinh học nghiên cứu các đối tượng - quy trình của sự sống nên việc sử dụng sơ đồ tư duy để liên kết nội dung và hình ảnh cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho việc dạy và học tại trường phổ thông.

Các chuyên gia cũng cho biết, phương pháp sơ đồ tư duy là công cụ lý tưởng cho việc giảng dạy và trình bày các khái niệm trong lớp học. Cụ thể phương pháp này giúp cho giáo viên (GV) gia tăng thời gian tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến bài học. Đồng thời cung cấp một cái nhìn tổng quan về chủ đề mà không có thông tin thừa hoặc thiếu. Ngoài ra, GV sẽ kiểm soát được nội dung và phần bài học quan trọng, từ đó có thể cân đối thời gian giảng bài thì bài học sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất.

Về phía người học, HS sẽ không phải tập trung vào việc ghi chép bài hoặc đọc nội dung trong các slide Powerpoint. Thay vào đó các em sẽ lắng nghe những gì GV diễn đạt. Trong quá trình giảng dạy, GV có thể thêm vào sơ đồ tư duy bài giảng của mình những ý tưởng hay, đột phá mà GV chợt nghĩ ra hay từ sự đóng góp của HS. Trong quá trình vẽ sơ đồ tư duy bằng thủ công hoặc bằng phần mềm, người dạy còn có thể vẽ, chèn thêm hình ảnh hoặc xuất ra dạng hình ảnh, pdf, hay dạng web… sau đó gửi đến cho HS của trước tiết học. HS sẽ nắm được nội dung bài giảng tiếp theo.

Giúp học sinh nhớ nhanh, sâu kiến thức

Trao đổi về quá trình áp dụng phương pháp bản đồ tư duy vào giảng dạy trong bộ môn Sinh học, cô Tiên cho biết: Những năm gần đây cô đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào các tiết học. Trong quá trình giảng dạy, cô nhận thấy HS nhớ nhanh, nắm chắc các kiến thức cơ bản mà GV truyền thụ. Ví dụ ở bài Quần thể của sinh học lớp 12, yêu cầu của bài học là HS phải nắm được khái niệm về quần thể, đồng thời phân biệt được đâu là quần thể. Trong quá trình dạy, HS sẽ được quan sát các ví dụ cụ thể, nắm được mối quan hệ trong cùng loài, bao gồm quan hệ hỗ trợ và quan hệ cạnh tranh.

Cô Nguyễn Thị Kiều Tiên 

Trên cơ sở đó, HS sẽ cùng GV tìm hiểu và xây dựng sơ đồ bài học. Nhánh 1 về quần thể có khái niệm quần thể và kèm theo các ví dụ minh họa. Ở nhánh 2 của sơ đồ sẽ bàn về mối quan hệ hỗ trợ và cạnh tranh. HS nắm được bản chất từng mối quan hệ và lấy được ví dụ để bổ sung cho từng nội dung. Trong quá trình dạy, giáo viên sẽ soạn một hệ thống câu hỏi để học sinh luyện tập. Các câu hỏi này sẽ theo các mức độ từ dễ đến khó là biết, hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Khi làm được những câu hỏi trắc nghiệm các em sẽ khắc sâu được kiến thức.

Bên cạnh đó, ở bài Dòng năng lượng trong hệ sinh thái (Sinh học 12), để HS nắm được kiến thức cơ bản là: Năng lượng chỉ chuyển hóa theo một chiều, HS phải hiểu được bản chất dòng năng lượng trong hệ sinh thái. Đó là năng lượng chỉ chuyển từ bậc dinh dưỡng thấp đến bậc dinh dưỡng cao, nhưng càng truyền về bậc dinh dưỡng cao thì năng lượng tích lũy càng thấp.

Để giúp HS nắm được kiến thức, GV sẽ hướng dẫn HS sơ đồ hóa bài học theo bản đồ tư duy: Ở nhánh 1 dòng năng lượng chuyển hóa trong hệ sinh thái. Nguồn năng lượng chính trong trái đất là năng lượng mặt trời và sự chuyển hóa năng lượng chỉ theo một chiều. Ở nhánh thứ 2 bàn về hiệu suất sinh thái, HS nắm chắc khái niệm, công thức để tính hiệu suất.

“Trong quá trình giảng và vẽ sơ đồ, GV nên để trống một số ô để HS điền vào sau khi các em đã trả lời những câu hỏi. Khi trả lời được các câu hỏi cũng là khi HS biết lựa chọn nội dung kiến thức để điền vào ô trống đó. Để dạy tiết học theo phương pháp bản đồ tư duy, điều cốt lõi là GV cần phải chắt lọc rút ra những từ khóa quan trọng của bài học. Đó chính là những kiến thức trọng tâm nhất cần khắc sâu. Việc GV tóm lược nội dung bài học vào những từ khóa cốt lõi sẽ giúp HS ghi nhớ những nét chính yếu của bài. Nếu dạy dàn trải đối với những bài dài, kiến thức phức tạp, HS sẽ khó lĩnh hội và khó nhớ.

Thông thường khi dạy theo phương pháp này tôi thường cho HS của mình đọc, tìm hiểu nội dung bài ở nhà, khi nắm được cấu trúc bài, các em sẽ tự mình vẽ được bản đồ tư duy của riêng mình. Đó cũng là một lần học. Khi tới lớp GV sẽ cùng HS hệ thống lại bài, giải thích những kiến thức khó và hoàn thiện sơ đồ bài học một cách khoa học và dễ hiểu nhất. Lúc đầu khi mới làm quen với phương pháp học tập này nhiều học sinh thường kêu khó. Tuy nhiên, dần dần khi đã quen với phương pháp này các em sẽ hình thành cho mình một cách học mới. Các em biết tìm hiểu khai thác bài theo tư duy khoa học”, cô Nguyễn Thị Kiều Tiên nhấn mạnh.

“Tùy từng nội dung kiến thức bài học mà học sinh sẽ khai thác sơ đồ tư duy theo hướng quy nạp hay diễn dịch. Điều này giúp các em tiếp cận được cách học sáng tạo, chủ động. Khi làm quen với phương pháp học theo bản đồ tư duy, học sinh đều có thể vận dụng với nhiều môn học khác. Đó cũng là cách giáo viên hướng dẫn cho học sinh cách tiếp cận khai thác các kiến thức bài học, giúp học sinh năng động, tiết kiệm thời gian học tập mà khả năng nhớ lâu và nhớ kỹ”.
                                                              Cô Nguyễn Thị Kiều Tiên - 
đọat giải Nhì Giáo viên dạy giỏi  THPT TP Cần Thơ năm 2019

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải