Dạy học theo năng lực học sinh, nhiều em hứng thú với môn học mới

GD&TĐ - Trường TH Ngô Quyền, Cần Thơ đã thiết kế, thực hiện giảng dạy kiến thức chung, kết hợp hoạt động mang tính định hướng phát triển năng lực cá nhân.

Dạy học theo năng lực học sinh, nhiều em hứng thú với môn học mới

Nhằm giải quyết vấn đề “Làm thế nào để mỗi học sinh được tham gia vào hoạt động giáo dục. Qua đó hình thành và phát triển những năng lực cốt lõi và trải nghiệm hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học, phù hợp với năng lực, sở trường để phát triển năng lực đặc biệt”.

Năm học 2016-2017, trường Tiểu học Ngô Quyền (phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã thiết kế, thực hiện giảng dạy những kiến thức, kỹ năng chung, kết hợp với tổ chức hoạt động mang tính định hướng, hình thành và phát triển năng lực cá nhân học sinh.

Theo đó, Sở GD-ĐT Cần Thơ hỗ trợ cho Ban Giám hiệu trường Tiểu học Ngô Quyền lập kế hoạch thực hiện nội dung chương trình hoạt động và dự trù kinh phí về xây dựng trường điển hình đổi mới thành phố năm nay; đồng thời tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; bổ sung và nâng chất trang thiết bị, đồ dùng dạy học chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu giáo dục; tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực, thể chất của học sinh.

Cụ thể, trường Tiểu học Ngô Quyền đã tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh khối 3 giai đoạn I từ tháng 4 đến tháng 7/2017, đồng thời cử quản lý trường tham dự các lớp bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ và Sở GD-ĐT; tổ chức tham quan học tập trong và ngoài nước cho đội ngũ quản lý và giáo viên trường.

Cô Đinh Thị Thảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết, nhà trường cũng đã mời chuyên gia trong và ngoài nước bồi dưỡng giáo viên về dạy học theo định hướng phát triển năng lực và tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Nhằm tổ chức có hiệu quả các hoạt động định hướng dạy học và trải nghiệm sáng tạo, nhà trường đã tổ chức 28 lớp trải nghiệm với nhiều chuyên đề như: dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, dạy học theo mô hình trường học mới, dạy học Mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực học sinh, dạy học ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp và giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài), áp dụng STEM – khoa học Robot (Robotics)  khoa học máy tính; Phát triển văn học đọc và các năng khiếu khác cho học sinh thông qua Văn Tuổi thơ, Làm bánh, Múa hát…

Thích thú khi đã tham gia lớp làm bánh do trường tổ chức, em Phan Hoài Bảo Ngọc, hiện là học sinh khối 4 của trường chia sẻ: “Còn rất thích môn nấu ăn. Trước đó còn chưa biết nấu, nhưng khi học con đã biết nấu món rau câu và bánh inh. Nếu như có môn nấu ăn nữa thì con sẽ đăng ký”.

Theo lãnh đạo nhà trường, trường cũng đã thường xuyên tuyên truyền đến phụ huynh học sinh để triển khai kế hoạch, phát phiếu cho phụ huynh và học sinh đăng ký theo năng lực, sở trường (mỗi học sinh không đăng ký quá 3 nội dung học), tổng hợp lập danh sách chia lớp theo 9 nội dung, lập thời khóa biểu. Đồng thời, các giáo viên đăng ký nội dung năng khiếu của bản thân, lập kế hoạch, dự trù kinh phí theo môn, từ đó nhà trường căn cứ vào năng lực từng giáo viên và phân công thực hiện giảng dạy.

Là một trong những giáo viên tích cực tham gia chương trình điển hình đổi mới của trường, cô Nguyễn Thị Lệ, khối trưởng khối 3 tâm sự: “Lúc đầu rất áp lực vì chưa có hình mẫu nào, nên nhiều khi không biết sẽ thực hiện ra sao. Chúng tôi vừa làm, vừa thay đổi, đồng thời được Sở, Phòng và Ban giám hiệu rất quan tâm, đưa ra kế hoạch cụ thể, Tôi thấy rất vui khi học sinh thích học.

Về thời gian biểu, trường áp dụng chương trình điển hình đổi mới với 8 tiết học trong tuần, song song với việc tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Tuy còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, khi việc tiếp cận và chia sẻ của phụ huynh học sinh chưa thật sự tốt nhất theo mong muốn; không gian lớp học chưa phù hợp cho việc tổ chức các trò chơi hoạt động; số lượng học sinh trên 1 lớp đông nên việc thực hành giao tiếp ngoại ngữ mất nhiều thời gian…, nhưng qua thời gian thực hiện giai đoạn I, kết quả có 391/436 học sinh khối 3 đăng ký học các nội dung. Bên cạnh đó, học sinh tích cực, tự tin, mạnh dạn tham gia các hoạt động, phong trào. Có gần 95% học sinh được khen thưởng từ cấp trường trở lên.

Cô Đinh Thị Thảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết: "Giai đoạn I rất áp lực. Vì thực hiện chương trình điển hình đổi mới phải áp dụng song song với chương trình giáo dục phổ thông. Phải làm sao hoàn thành 2 nhiệm vụ cùng lúc. Sau khi được lãnh đạo của Sở, Phòng rút kinh nghiệm, thì nhà trường cũng đỡ băn khoăn hơn. Kết quả đó cũng chấp nhận được trong sự hỗ trợ nhiệt tình của cha mẹ học sinh và tâm huyết của giáo viên. Các giáo viên cũng test đầu ra, các em tự tin rõ nét".

Được biết, bên cạnh những thiết bị phục vụ dạy học có sẵn, bước sang giai đoạn II dự kiến từ tháng 9 đến 12/2017, nhà trường còn được hỗ trợ trang bị thêm 150 bộ bàn ghế rời cho học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; trang thiết bị giáo dục pháp luật và môi trường 49 bộ; trang bị 1 hệ thống âm thanh ngoài trời…, đồng thời áp dụng chương trình đổi mới thêm ở tất cả các khối lớp.

Ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ cho biết, định hướng đến năm 2020, Cần Thơ sẽ thực hiện trường điển hình đổi mới cho 10 trường tiểu học trong tổng số 53 trường của toàn thành phố; đồng thời các trường học khác cùng nhân rộng những ưu điểm của trường điển hình đổi mới, áp dụng các họat động giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng trường, mang lại hiệu quả thiết thực.

 Bên cạnh đó, kiến nghị với lãnh đạo thành phố tiếp tục tạo cơ chế mở cho các đơn vị chủ động thực hiện công tác xã hội hóa nhằm huy động tối đa các nguồn lực tham gia vào hoạt động giáo dục của nhà trường, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tiểu học nói riêng, đổi mới giáo dục và đào tạo thành phố nói chung, tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Lê Thanh Long cho biết thêm: “Sở đã tham mưu với Lãnh đạo thành phố phối hợp với Sở Tài chính đăng ký công văn liên tịch trong năm nay để hướng dẫn nhà trường thu các hoạt động giáo dục thỏa thuận giữa nhà trường, các tổ chức xã hội và phụ huynh học sinh. Có sự đồng thuận, tự nguyện đăng ký cho học sinh, đóng học phí. Như vậy sẽ tạo nên cơ chế mở hơn cho các trường thực hiện. Chắc chắn trong thời gian tới, những hoạt động của các trường sẽ phong phú và đáp ứng được năng lực, sở trường, đặc biệt là tâm sinh lý của học sinh”.

Có thể nói, chương trình điển hình đổi mới này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường Tiểu học Ngô Quyền nói riêng cũng như ở một số trường học trên địa bàn TP. Cần Thơ. Bởi mục tiêu chính của chương trình hướng đến là đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực, định hướng giáo dục về giá trị gia đình, quê hương, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của học sinh.

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.