Dạy học theo định hướng STEM: Khơi dậy khả năng sáng tạo

GD&TĐ - Đẩy mạnh mô hình GD STEM trong nhà trường là hoạt động phù hợp với xu thế của nền GD hiện đại, đặc biệt trong quá trình đổi mới GDPT. Đây là giải pháp khơi dậy khả năng sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học của HS nhằm tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thầy và trò Trường THCS &THPT Lê Quý Đôn trong giờ học STEM
Thầy và trò Trường THCS &THPT Lê Quý Đôn trong giờ học STEM

Khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo

Năm học 2018 - 2019, Trường THCS số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) là trường THCS đầu tiên của huyện Bảo Yên thực hiện thí điểm dạy học theo định hướng tiếp cận GD STEM. Chương trình đã tạo được sự hứng thú học tập, tinh thần hăng say nghiên cứu, tìm tòi của HS và bước đầu tạo hiệu ứng tích cực trong việc GD định hướng STEM.

Là người trực tiếp thực hiện tiết dạy, thầy Bùi Khánh Toàn, giáo viên Trường THCS số 1 Phố Ràng cho biết: “Ngay từ đầu năm học 2018 - 2019, Ban Giám hiệu nhà trường đã cho các tổ nhóm rà soát thực tế từng bài học để có thể lồng ghép việc GD STEM vào bài học và xây dựng các chủ đề dạy học theo định hướng STEM; hoạt động trải nghiệm STEM, giúp HS khám phá các thí nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thực tế đời sống; hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho những HS có năng lực, sở thích và hứng thú với việc tìm tòi, khám phá khoa học, kỹ thuật để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Bản thân tôi là một giáo viên dạy môn Toán. Để có một tiết học thành công và đầy hào hứng hôm nay, trước đó cả thầy và trò đã có một quá trình chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc và cực kì công phu. Các em HS đã cùng nhau nghiên cứu kiến thức về ảnh tạo bởi gương phẳng, tự nghiên cứu sáng tạo ra các sản phẩm chiếc kính tiềm vọng”.

Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu khám phá khoa học, Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng đưa chương trình STEM Robotics vào dạy học. Dưới sự hướng dẫn của thầy Lê Xuân Tân, giáo viên môn Tin học và thầy Nguyễn Đăng Long, giáo viên môn Vật lý, các em HS được sử dụng máy tính và phương pháp thực nghiệm khoa học để lập trình điều khiển robot. Với ngôn ngữ lập trình trực quan, dễ hiểu và dễ học, phù hợp với lứa tuổi, tiết học mang lại không khí vui nhộn, kích thích trí tò mò của các bạn nhỏ lớp 6.

HS Trường THCS số 1 Phố Ràng hào hứng với tiết học STEM
HS Trường THCS số 1 Phố Ràng hào hứng với tiết học STEM 

Chủ động tiếp nhận kỹ năng

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp 4.0, thời đại hòa nhập cao giữa các quốc gia có văn hóa khác nhau, nhu cầu trao đổi công việc và nhân lực cũng ngày một cao. Việc chính thức đưa GD STEM vào chương trình học đã góp phần nâng cao GD toàn diện cho HS; từng bước giúp các em HS chủ động tiếp nhận kỹ năng và kiến thức theo chuẩn toàn cầu.

Chia sẻ về hiệu quả từ GD STEM, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn nhận định: GD STEM mang lại cho HS hứng thú vì HS được trang bị kiến thức và kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học nên nó không đơn điệu, nhàm chán. Kiến thức, kỹ năng lại được tích hợp giúp HS không chỉ hiểu nguyên lý mà còn được thực hành làm ra sản phẩm từ kiến thức đã học.

Qua các tiết học STEM, các em được làm việc nhóm, tạo gắn kết giữa các cá nhân, để hợp tác làm ra sản phẩm nhanh, hiệu quả, đồng thời giúp HS phát triển tư duy sáng tạo, và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế. GD theo định hướng STEM không chỉ đòi hỏi người giáo viên thuần thục trong việc kết hợpkiến thức liên mônđể giảng dạy cho HS mà còn đề cao sản phẩm thực tiễn của quá trình học tập.

Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng GD&ĐT Bảo Yên cho biết: GD theo định hướng STEM phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản về sự tích hợp liên môn, gắn liền với thực tiễn đời sống, giúp HS có cơ hội khám phá, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức liên môn và tạo ra sản phẩm hữu ích. Vì vậy, giáo viên phải thực sự nắm chắc kiến thức các môn học, hướng dẫn và giao việc cho HS phù hợp năng lực, niềm đam mê của các em để kích thích tính sáng tạo, giúp học trò tạo ra những sản phẩm hữu ích. Những sản phẩm tuy còn non nớt đó đã phần nào chạm vào mục tiêu GD STEM, giúp các em hình thành kỹ năng và sẽ thành thục trong tương lai gần khi STEM không còn xa lạ.

Thời gian tới, khi áp dụng Chương trình GDPT mới, lãnh đạo các trường đều hy vọng Bộ GD&ĐT có thêm hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với phương pháp dạy học này để mô hình này được nhân rộng trên toàn quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ