Cần nhận thức đúng về GD STEM
Cũng theo kết quả khảo sát của Sở GD&ĐT TPHCM, có tới 62,3% giáo viên cho biết phải tự tìm hiểu, nghiên cứu qua sách, báo, tạp chí,
Internet, hoặc học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp liên quan đến GD STEM; 34,9% giáo viên gặp khó khăn với cơ sở vật chất, trang thiết bị ở trường học trong tổ chức dạy học theo định hướng STEM…
Từ thực tế đó, một số chuyên gia cho rằng, nhiều giáo viên vẫn chưa hiểu đúng, trúng về GD STEM, thậm chí có người nghĩ đó là phương pháp dạy học liên môn, tích hợp.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học - Bộ GD&ĐT, chia sẻ, không nên hiểu STEM là sự kết hợp đơn thuần giữa các môn học. Trong đó, giáo viên khi soạn giáo án cố gắng lồng ghép, đưa đầy đủ kiến thức ở các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học vào cùng một bài giảng là sai lầm. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, nhiều thầy cô đặt ra chỉ tiêu 100% HS tham gia phát biểu ý kiến, tranh luận, là tạo áp lực cho mình và cả HS.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, “STEM không phải là hoạt động GD thêm vào chương trình mà phải là một phương thức GD để chuyển tải chương trình GD, làm sao cho HS chiếm lĩnh tri thức. Nhưng quan trọng hơn làm sao HS biết vận dụng kiến thức đó vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. STEM trong các nhà trường phải là phương thức GD chuyển tải chương trình phổ thông quốc gia một cách tích cực hiệu quả nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của HS”.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM đánh giá, phương thức GD STEM có tác dụng truyền cảm hứng học tập cho HS, giúp các em thấy được mối liên hệ giữa các kiến thức, nhất là kiến thức khoa học và toán. Nhận thức được tầm quan trọng của các kiến thức ảnh hưởng đến thế giới và sự phát triển của xã hội trong tương lai. Ngoài ra, các kỹ năng thực hành khoa học và kỹ thuật cũng góp phần quan trọng vào việc vận dụng kiến thức đã học nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn, thiết kế và chế tạo sản phẩm.
Ngoài ra, ông Phạm Ngọc Tiến cho rằng, GD tích hợp STEM không phải đào tạo HS theo chuyên ngành hẹp mà là hướng đến yêu cầu chất lượng nhận thức và hiểu biết trong lĩnh vực STEM theo xu thế phát triển của xã hội. Hình thức này cũng trang bị cho HS những kỹ năng phù hợp để phát triển như tư duy phản biện và sáng tạo, kỹ năng diễn đạt và thuyết minh, kỹ năng trao đổi và cộng tác, kỹ năng giải quyết vấn đề.
|
Linh hoạt khi triển khai trong dạy - học
Tại TPHCM, nhiều trường học đã chủ động triển khai GD theo định hướng STEM vào hoạt động dạy học của mình và bước đầu đạt những kết quả đáng khích lệ. Đơn cử như Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), Trường THCS Minh Đức (quận 1), Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp), Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (quận 7), Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa Trường THPT Phú Nhuận…
Nhiều giáo viên đã sáng tạo triển khai GD STEM với một số đề tài, chủ đề của các môn khoa học xã hội chứ không chỉ riêng đối với toán và khoa học.
Cụ thể như, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) đã thực hiện dự án dạy học theo định hướng STEM với chủ đề “Chứng tích da cam” có sự kết hợp của 5 bộ môn Lịch sử, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học và Sinh học. Dự án với sự tham gia của 400 HS của trường và nhận được sự hỗ trợ lớn của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TPHCM.
Tại Trường THPT Phú Nhuận, vào tháng 11 vừa qua, cô giáo Trịnh Thị Minh Hương cùng HS lớp 12A9 của trường đã có chuyên đề dạy học theo phương pháp này với nội dung: “Cảm hứng đất nước trong thơ ca 1945 - 1975”.
Nói về lý do chọn việc dạy học bộ môn Ngữ văn theo định hướng GD STEM, cô giáo Trịnh Thị Minh Hương, giáo viên phụ trách chuyên đề cho rằng, xu hướng GD hiện đại hướng đến việc học từ trải nghiệm thực tế, mang đến cơ hội để HS thể hiện bản thân, dễ dàng tiếp thu kiến thức. Trong tiết học văn giờ đây không chỉ có kiến thức văn học mà còn cả âm nhạc, trò chơi, hội họa, toán học, kĩ thuật, công nghệ thông tin…