Dạy học phát triển năng lực: Chìa khóa của đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học là cần thiết và quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Dạy học phát triển năng lực giúp học sinh được trải nghiệm kiến thức trong thực tế. Ảnh tư liệu của Đức Trí
Dạy học phát triển năng lực giúp học sinh được trải nghiệm kiến thức trong thực tế. Ảnh tư liệu của Đức Trí

Đặc biệt khi triển khai CT GDPT 2018 thì vấn đề này được xem như “mắt xích” không thể thiếu để tiến tới thành công.

 Đổi mới phương pháp

Thầy Nguyễn Mạnh Tú –  giáo viên (GV) môn Vật lý Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) chia sẻ: Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá đang được GV từng bước tiệm cận và triển khai trong trường THPT.

Ví như ở môn Vật lý, việc dạy học của thầy Tú sẽ chuyển sang tăng cường thực nghiệm để học sinh (HS) giải quyết các vấn đề trong thực tế, từ đó giúp HS được củng cố kiến thức chắc chắn và sinh động.

Theo thầy Nguyễn Mạnh Tú: HS bên cạnh học lý thuyết thì cần biết vận dụng và giải quyết các bài toán thực tế. GV nếu chỉ đơn giản giải bài tập trên lớp cho HS, HS học thuộc lý thuyết, định nghĩa như trước sẽ không thể phát triển năng lực bản thân, hoặc có chỉ phát triển năng lực ở góc độc hẹp.

Chính vì vậy, trong quá trình dạy học, thầy Tú còn tăng cường, khuyến khích HS tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học để phát triển năng lực. Như vậy trong quá trình HS tham dự, có sự hỗ trợ gợi ý của GV, HS sẽ phát triển năng lực của mình ngay trong thực tế.

Cũng theo thầy Tú: Vì dạy học có sự đổi mới phương pháp theo phát triển năng lực HS nên việc kiểm tra, đánh giá cũng cần linh hoạt điều chỉnh theo hướng này. GV có thể đánh giá trên yêu cầu mục tiêu sản phẩm HS sau khi hoàn thành. Kiểm tra HS đã đạt được mục tiêu đưa ra hay chưa để điều chỉnh. Hoặc yêu cầu HS lên phương án sản phẩm ở giai đoạn nào đó rồi kiểm tra, góp ý… Việc kiểm tra không nên nặng nề về trình bày lý thuyết trên giấy và theo cách thức hàn lâm.

Cô Hoàng Thanh Huyền – GV môn Hóa Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Bảo Thắng - Lào Cai) cũng cho biết: Hiện GV đã bồi dưỡng về sử phương pháp dạy học, gíao dục và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Các thầy cô đang áp dụng vào thực tế giảng dạy tại nhà trườnh

Theo cô Huyền, dạy học phát triển năng lực giúp học sinh được trải nghiệm nhiều, vận dụng kiến thức có  được để giải quyết vấn đề của  thực tiễn.

Đặc biệt, tới đây, trường đẩy mạnh về giáo dục STEM, HS càng có thêm nhiều cơ hội để thực hành, làm việc nhóm, tự đánh giá nhau và cùng nhau phát triển năng lực.

Đổi mới trong phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học, GV chỉ là người định hướng, tư vấn chứ không như trước đây cô nói gì trò nghe và chép nấy. GV tổ chức các hoạt động học phù hợp với từng môn, tạo cơ hội cho  HS trải nghiệm, nghiên cứu.

Nhìn từ hành trình dạy học môn Tin học của mình, cô Đinh Thị Gửi - Trường PTDTBT THCS Khau Vai (Mù Cang Chải – Yên Bái) chia sẻ: Hiện tại với khối 6 đã áp dụng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực.  Cụ thể, với môn Tin học lớp 6, cô Đinh Thị Gửi cho biết, để phát triển năng lực cho HS sẽ sử dụng máy chiếu vào bài giảng, ngoài ra còn tăng cường hình ảnh minh họa kết hợp. Từ hình ảnh minh họa GV sẽ trao đổi, tổ chức cho học sinh thảo luận, GV sẽ chốt kiến thức, đúng sai...

“Tuyệt đối sẽ không “khống chế” HS trong quá trình tìm hiểu, trao đổi, phát biểu. GV chấp nhận cả những phát biểu chưa đúng, chưa chính xác. Trên cơ sở đó tiếp tục trao đổi, nhận xét và bổ sung cho HS. Như vậy, HS sẽ không bị gò ép theo hướng của GV, được tự do suy nghĩ, sáng tạo… GV chỉ là “chốt chặn” cuối cùng về kiến thức...”- cô Đinh Thị Gửi trao đổi.

Từ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực HS ở môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thúy - Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết: Với môn Ngữ văn, trước đây, chủ yếu dạy theo cách cho HS ghi nhớ nội dung tác phẩm, tác giả, hoàn cảnh ra đời…  HS chỉ biết mỗi nội dung, nghệ thuật, cái hay của tác phẩm đã học, nhưng khi chuyển sang tác phẩm khác sẽ bị động và không biết cách phân tích, cảm thụ…

Cô Nguyễn Thị Thúy cũng cho rằng, thay đổi trong phương pháp dạy học đồng nghĩa phải thay đổi kiểm tra, đánh giá. “Hiện nay, thông qua bài giảng, GV đã hình thành cho HS năng lực đọc hiểu, cảm thụ bất cứ 1 tác phẩm nào hay 1 đơn vị kiến thức nào. Như vậy, GV có thể kiểm tra những năng lực này ở HS. Tránh cho HS học vẹt, hình thành năng lực để khám phá văn bản không theo cách mình dạy.

Phát huy sự chủ động, tương tác trao đổi của học sinh trong dạy học. Ảnh tư liệu của Đức Trí
Phát huy sự chủ động, tương tác trao đổi của học sinh trong dạy học. Ảnh tư liệu của Đức Trí

 “Chìa khóa” của đổi mới giáo dục

Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học là yêu cầu cấp bách, việc cần làm ngay khi toàn ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện và triển khai Chương trình GDPT mới.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội: “năng lực” người học mà đổi mới giáo dục hướng tới là những năng lực cần có ở mỗi người để đi vào cuộc sống chứ không phải những con người chỉ có mớ kiến thức, thiếu tự tin, không dám hành động. Vì vậy, người thầy phải có sự đổi mới phương pháp dạy học để HS bộc lộ tối đa năng lực bản thân.

Hơn thế, để dạy và tạo năng lực cá nhân cho HS thông qua các bộ môn khoa học, người thầy phải biết chuyển hóa từ cách dạy chữ, từ cách chúng ta muốn HS “biết cái gì” sang cách dạy để HS có đủ năng lực phẩm chất, HS “làm được cái gì”. Muốn vậy, GV phải được huấn luyện kĩ hơn về các phương pháp đổi mới dạy học như dạy nêu vấn đề, dạy theo nhóm, theo dự án…

GV phải tiếp thu cách dạy theo cảm nhận, trải nghiệm sáng tạo của phương pháp dạy giá trị sống, kĩ năng sống. Giờ dạy các bộ môn không thể là giờ đọc chép hay “nhìn chép”, nó phải thiết thực, sôi động như chính cuộc sống. Đó là những giờ dạy thật sự “mở”.

Thầy Nguyễn Mạnh Tú –Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) nói rằng, quá trình tập huấn, bồi dưỡng sẽ giúp GV biết cách kiểm tra đánh giá HS cụ thể, ý nghĩa hơn trong thực tiễn. Kiểm tra đánh giá không chỉ dừng là kiến thức trên sách vở mà còn đòi hỏi HS biết vận dụng lý thuyết vào thực hành, việc học nâng lên một tầm cao mới, tránh học thuộc, học vẹt...

Cô Hoàng Thanh Huyền cũng khẳng định: “Cái được rõ nhất khi GV đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực  đó là giảm áp lực học tập cho HS. Tuy nhiên thực tế còn những khó khăn nhất định khi triển khai như: GV chưa hiểu đúng vấn đề nên không lượng hóa được phần đánh giá dẫn tới sự đánh giá theo cảm tính; yêu cầu đưa ra chưa sát với thực tiễn khiến HS khó hoàn thành các nội dung thầy cô giao…

Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực giúp học sinh biết dùng năng lực để giải quyết bài học, tự đánh giá được năng lực bản thân, biết mình trau dồi kiến thức nào. Thậm chí học sinh có thể tự khám phá ra điều mới mẻ vượt ngoài điều thầy cô dạy. Dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực đặc biệt cần thiết và hỗ trợ tích cực trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018. - Cô Nguyễn Thị Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ