Dạy học nội dung giáo dục địa phương: Kết quả khả quan dù trong điều kiện dịch bệnh

GD&TĐ - Lần đầu tiên, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc được triển khai từ năm học 2021-2022 với lớp 6. Sau 1 học kì đã ghi nhận kết quả khá khả quan trong triển khai nội dung này, dù điều kiện dịch bệnh khó khăn.

Học sinh Bắc Giang trong giờ học về nội dung giáo dục địa phương.
Học sinh Bắc Giang trong giờ học về nội dung giáo dục địa phương.

Học sinh hào hứng

Trước khi được giao triển khai dạy học nội dung giáo dục địa phương, cô Trần Thị Nguyên, giáo viên Trường THCS Trường Chinh, Phú Thiện, Gia Lai cho biết đã được tập huấn và nghiên cứu trước tài liệu để dạy được tốt hơn. Lần đầu tiên triển khai nội dung giáo dục địa phương theo chương trình mới, thuận lợi là chương trình giáo dục địa phương nội dung rất hay và bổ ích, kênh chữ và kênh hình rõ ràng.

“Dạy học hiệu quả nội dung giáo dục địa phương, giáo viên cần sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu quả dạy học. Do dịch bệnh nên học sinh không thể đi tham quan các làng nghề, danh lam thắng cảnh của tỉnh Gia Lai… Nhưng với hình ảnh và tranh vẽ sinh động, nội dung dạy hay, dễ hiểu, gần gũi, học sinh hầu như rất thích môn giáo dục địa phương. Các em háo hức tìm hiểu về nơi mình đang sống; từ đó ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, con người Jrai tăng lên đáng kể” – cô Trần Thị Nguyên chia sẻ.

Nhận định của cô Trần Thị Nguyên, nội dung giáo dục địa phương đem lại kiến thức cơ bản cho học sinh về danh lam thắng cảnh của tỉnh Gia Lai; những truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Jarai như lễ hội cồng chiêng, các loại nhà sàn, nhà rông và nhà mồ của người Bahnar, Jrai; từ đó giúp học sinh có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nội dung giáo dục địa phương của Gia Lai còn dạy học sinh văn hóa ứng xử trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội; giúp học sinh biết ứng xử linh hoạt trong cuộc sống, biết đối nhân xử thế, hình thành nhân cách con người mới. Các em còn hiểu biết về khí hậu và địa hình, thổ nhưỡng của Gia Lai, để thêm yêu nơi mình đang sống, biết bảo vệ và giữ gìn tài nguyên tại quê hương.

Chương trình giáo dục địa phương của Hà Nội chủ yếu giới thiệu về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các làng nghề và phong tục tập quán địa phương. Cô Ngô Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội cho biết: Tại nhà trường, dạy học nội dung này được triển khai theo lớp, hình thức học online. Khó khăn nhất khi triển khai là dịch bệnh khiến việc giảng dạy môn học không thực hiện được theo đặc trưng bộ môn – đó là học sinh phải được trải nghiệm thực tế kết hợp với học lý thuyết. Trong tình huống này, để học sinh hứng thú với môn học, giáo viên sưu tầm hình ảnh, video và những tư liệu giúp việc học không nặng nề, học sinh hào hứng hơn khi tiếp thu kiến thức.

Học sinh Bắc Giang trong giờ học về nội dung giáo dục địa phương.
Học sinh Bắc Giang trong giờ học về nội dung giáo dục địa phương.

Lựa chọn giáo viên phù hợp để giảng dạy

Thông tin từ bà Đào Thị Minh Hải, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang: Ngày 6/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2780/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 trong cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh Bắc Giang. Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang sau đó ban hành công văn 1133/SGDĐT-GDTrH&GDTX ngày 8/9/2021 về việc tập huấn hướng dẫn sử dụng Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 năm học 2021-2022.

Tại công văn 1115/SGDĐT-GDTX ngày 3/9/2021 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo mỗi cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục trực tiếp giảng dạy tối thiểu 50% số giờ quy định đối với lớp 6 để tháo gỡ khó khăn vướng mắc với giáo viên; kịp thời phát hiện ngữ liệu chưa phù hợp, tham mưu, chỉ đạo thay thế đảm bảo chương trình môn học. Đồng thời, yêu cầu phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo các trường lựa chọn giáo viên có chuyên môn dạy theo chủ đề phù hợp; phối hợp với đơn vị cung ứng có đủ điều kiện để cung cấp đủ tải liệu Giáo dục địa phương cho học sinh lớp 6.

Ngày 17/1/2022, Bắc Giang đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh về việc tổ chức thực hiện giảng dạy nội dung giáo dục địa phương tại Trường Trung học cơ sở Thị trấn Đồi Ngô 1 để rút kinh nghiệm trong toàn tỉnh về việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực khi tổ chức hoạt động giáo dục.

Bà Đào Thị Minh Hải cho biết: Nội dung Giáo dục địa phương với 35 tiết dạy; trong đó, phân môn Ngữ văn có 10 tiết; Lịch sử 9 tiết; Địa lí 2 tiết; Âm nhạc 4 tiết, Hướng nghiệp: 6 tiết, 4 tiết kiểm tra đánh giá. Kiến thức trong các chủ đề phù hợp và tương đồng với đặc trưng bộ môn liên quan ở lớp 6. Toàn bộ giáo viên dạy nội dung Giáo dục địa phương được tập huấn trực tiếp kết hợp trực tuyến từ sở Giáo dục và Đào tạo; tiến độ Chương trình đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, nội dung Giáo dục địa phương có nhiều giáo viên bộ môn liên quan các chủ đề tham gia giảng dạy, cùng phối hợp đánh giá, ra đề, hoàn thiện hồ sơ cho học sinh.

Việc bố trí giáo viên dạy theo chủ đề nên thường xuyên phải thay đổi phân công chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu khi kết thúc một chủ đề để chuyển sang chủ đề tiếp theo; đặc biết đối với những trường định mức biên chế chỉ đủ.

Các nội dung hỗ trợ liên quan như: trải nghiệm thực tế các nội dung đã học, các hoạt động ngoại khóa… bị hạn chế trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Một giờ học về nội dung giáo dục địa phương theo hình thức trực tuyến.
Một giờ học về nội dung giáo dục địa phương theo hình thức trực tuyến.

“Mặc dù vậy, ghi nhận kết quả dạy học nội dung này trong học kỳ đầu tiên, nội dung giáo dục địa phương đã gắn với đánh giá yêu cầu đạt được về phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu đề ra. Giáo viên đã từng bước làm quen với nội dung và phương pháp dạy học tích cực, phát triển phẩm chất và năng lực người học. 100% các trường đánh giá học sinh đạt yêu cầu khi thực hiện nội dung trong tài liệu giáo dục địa phương lớp 6” - bà Đào Thị Minh Hải chia sẻ.

Để dạy học hiệu quả nội dung giáo dục địa phương trong thời gian tới, bà Đào Thị Minh Hải cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu mỗi cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy tối thiểu 50% số giờ quy định đối với lớp 6; ưu tiên lựa chọn nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông mới như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương.

Đồng thời, chỉ đạo các trường yêu cầu giáo viên dạy nội dung Giáo dục địa phương tham gia tập huấn đầy đủ, nghiêm túc; kết hợp với việc giáo viên tự bồi dưỡng. Tiếp tục tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đối với dạy học nội dung Giáo dục địa phương cụm trường, cấp huyện/thành phố trên cơ sở sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh.

Bắc Giang bố trí đội ngũ và phân công chuyên môn phù hợp chuyên môn giảng dạy, ra đề, kiểm tra, đánh giá với những tiêu chí và thời gian cụ thể. Hướng dẫn cân đối kiến thức trong bài đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ theo tỷ lệ số tiết của chủ đề. Cùng với đó, khuyến khích học sinh tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm những tranh ảnh, clip có liên quan trước mỗi nội dung bài học; giáo viên chia sẻ tài liệu, kế hoạch bài dạy giữa các giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.