Giáo dục địa phương: Muốn phát huy hiệu quả cần tăng thời lượng, chất lượng

GD&TĐ - Nội dung giáo dục địa phương triển khai trong Chương trình Gíao dục phổ thông mới sẽ trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Tiết học âm nhạc lớp 6 của chương trình giáo dục địa phương Trường Trung hoc cơ sở Hoàng Đông (Hà Nam). Ảnh: NTCC
Tiết học âm nhạc lớp 6 của chương trình giáo dục địa phương Trường Trung hoc cơ sở Hoàng Đông (Hà Nam). Ảnh: NTCC

Đa dạng chương trình

Những tiết học giới thiệu về lịch sử mảnh đất Ba Đình được giáo viên Trường Trung hoc cơ sở Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội) lồng ghép với nhiều đổi mới thú vị. Đặc biệt, trong các tiết học thư viện, các em vừa đọc sách, có thể nâng cao hiểu biết về một Ba Đình giàu truyền thống qua những clip hấp dẫn và ý nghĩa.

Cô Đặng Thị Ngọc Hường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học lịch sử địa phương qua những clip do thầy và trò nhà trường cùng xây dựng và sáng tạo không chỉ giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử của quận Ba Đình mà còn vun đắp tình yêu quê hương, rèn luyện đạo đức và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trong những năm học tới, Trường Trung hoc cơ sở Ba Đình sẽ tiếp tục đổi mới trong công tác giảng dạy, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực.

Tại Trường Tiểu học Sông Đà (Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), việc triển khai giảng dạy chương trình giáo dục địa phương khá thuận lợi. Bên cạnh giờ dạy trên lớp, nhà trường còn tổ chức cho học sinh đi thăm quan Tượng đài Bác Hồ, thủy điện Hòa Bình, Bảo tàng tỉnh...

Em Bùi Minh Trang, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Sông Đà kể: Được thầy cô đưa đi thăm nhà máy thủy điện Hòa Bình, tượng đài Bác Hồ, chúng em hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử gian khổ, hy sinh nhưng đầy hào hùng xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.

Trong giờ học giáo dục địa phương của Trường Trung hoc cơ sở Phạm Hồng Thái (Thành phố Pleiku, Gia Lai), học sinh đều thích thú bởi bài học sinh động, gần gũi với đời sống. Phần nội dung tìm hiểu đời sống vật chất của các cư dân địa phương, học sinh được tìm hiểu tư liệu trước giờ học, sưu tầm, thuyết trình về một số mẫu thổ cẩm. Các em hứng thú khi tìm hiểu những thông tin về quê hương mình, hăng hái tham gia xây dựng bài, khiến giờ học trở nên sôi nổi.

Cô Thái Thị Bích - giáo viên Trường Trung hoc cơ sở Phạm Hồng Thái chia sẻ: Chương trình giáo dục địa phương cung cấp cho học sinh hiểu biết về những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh, truyền thống lịch sử cũng như điều kiện tự nhiên của Gia Lai. Qua  đó, các em có thêm  kiến thức, biết tự hào về sự phong phú, đa dạng của lịch sử, văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục địa phương sẽ giúp cho học sinh những trải nghiệm cần thiết và bổ ích nhất. Chẳng hạn, đối với môn Lịch sử khi học về vùng đất, con người, những nhân vật lịch sử ở địa phương, thầy và trò có thể đến tận nơi để trải nghiệm. Hay khi học về tác phẩm văn học địa phương, học sinh sẽ yêu hơn mảnh đất quê mình, tự hào hơn về vùng quê của mình đã có những nhà văn, nhà thơ như thế.

Giờ học giáo dục địa phương của học sinh Trường Trung hoc cơ sở Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Lan Anh
Giờ học giáo dục địa phương của học sinh Trường Trung hoc cơ sở Ba Đình (Hà Nội).
Ảnh: Lan Anh
 

Nâng cao hoạt động trải nghiệm

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ngoài nội dung thống nhất 80% trong cả nước sẽ có 20% giáo dục địa phương để học sinh tìm hiểu về vùng đất nơi mình đang sinh sống. Giáo dục địa phương sẽ trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, từ đó tạo hứng thú và tăng tính kết nối cho học sinh từ sách vở đến thực tiễn.

Cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường Trung hoc cơ sở Hoàng Đông (thị xã Duy Tiên, Hà Nam) cho biết: Bên cạnh học lý thuyết trên lớp, học sinh còn được tham gia các buổi ngoại khóa, tận mắt nhìn thấy những di tích lịch sử của địa phương mình. Sự kết hợp này không chỉ giúp học sinh nắm được lịch sử dân tộc mà còn bồi đắp lòng tự hào để từ đó thêm yêu quê hương, đất nước mình hơn.

Theo cô Vũ Thị Bảo Yến - giáo viên Trường Trung học phổ thông Hòn Gai (Quảng Ninh), tài liệu giáo dục địa phương là tư liệu quý báu, giúp học sinh hiểu hơn về quê hương mình. Mỗi chủ đề được thiết kế theo từng bài học cụ thể với những thông tin bảo đảm  tính chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh cảm nhận và hiểu rõ hơn những vấn đề của địa phương quê hương.

Cô Yến cho rằng: Để chương trình giáo dục địa phương được đưa vào các trường học hiệu quả, cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Tài liệu giáo dục địa phương cần có tính mở để giáo viên áp dụng phù hợp, tăng tính kết nối tại mỗi địa phương trong tỉnh. Dựa vào tài liệu, giáo viên có thể linh hoạt vận dụng, thay đổi để triển khai hoạt động phù hợp với địa phương.

Nội dung giáo dục địa phương muốn phát huy hiệu quả thì phải tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tham quan thực tế. Nhưng hiện tại, các trường đều vướng về kinh phí, thời gian, con người, cách thức tổ chức. - Cô Huỳnh Thị Thanh Tâm (Hiệu trưởng Trường Trung hoc cơ sở Võ Nguyên Giáp, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ