Chương trình giáo dục địa phương: Học sinh hiểu và thêm yêu quê hương

GD&TĐ - Chuẩn bị triển khai nội dung giáo dục địa phương trong chương trình mới, ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực hoàn tất những khâu cuối để có tài liệu, đưa vào sử dụng dạy học trong năm học mới.

Học sinh trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên) hào hứng với tiết dạy thể nghiệm trong quá trình xây dựng nội dung chương trình giáo dục địa phương.
Học sinh trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên) hào hứng với tiết dạy thể nghiệm trong quá trình xây dựng nội dung chương trình giáo dục địa phương.

Ngay từ khi chuẩn bị xây dựng nội dung chương trình giáo dục địa phương, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã chú trọng mục tiêu gắn giáo dục trong nhà trường với cộng đồng địa phương, gắn kiến thức đã học với các vấn đề của Thái Nguyên và cộng đồng nơi học sinh sinh sống. Trên cơ sở đó, chương trình sẽ giúp học sinh nâng cao hiểu biết về văn hóa xã hội, kinh tế, lịch sử, địa lí, môi trường, định hướng hướng nghiệp của địa phương.

Một mục tiêu quan trọng nữa của chương trình là hình thành, nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào gắn bó với quê hương.  Qua đây, học sinh sẽ được nhận thức về trách nhiệm của bản thân, trang bị khả năng vận dụng kiến thức kĩ năng đã học để góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra của địa phương.

Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 của Thái Nguyên
Tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 của Thái Nguyên

Hội đồng biên soạn chương trình gồm các chuyên gia, nhà khoa học, chuyên viên phụ trách môn học, cùng đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Sau quá trình biên soạn tài liệu, tổ chức dạy thể nghiệm, lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia và cán bộ giáo viên, đến nay chương trình giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6 của tỉnh Thái Nguyên đã được xây dựng hoàn thiện để trình phê duyệt.

Đối với lớp 1 và lớp 2, nội dung được cụ thể hóa thành các hoạt động trải nghiệm lồng ghép gắn với đặc thù của địa phương, như: Lịch sử ATK Định Hóa; Múa rối cạn của người Tày; Làng nghề mộc mỹ nghệ ở Phú Bình; Lễ hội xuống đồng; Thăm quan cảnh đẹp quê hương...

“Tùy theo khả năng học tập, nhận thức của học sinh theo lứa tuổi, địa phương có thể linh hoạt đưa một số chủ đề vào giảng dạy” - ông Nguyễn Hà Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết.

Đối với chương trình lớp 6, nội dung giáo dục địa phương được xây dựng thành các chủ đề bám sát thực tế tỉnh Thái Nguyên, gồm: Văn học dân gian; Một số loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu; Nét ẩm thực; Trang phục các dân tộc; Vùng đất Thái Nguyên từ thời nguyên thủy đến thế kỉ X; Vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ; Nghề truyền thống; Biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

Là giáo viên được trực tiếp thực hiện tiết dạy thể nghiệm về chủ đề địa lý địa phương, cô giáo Trần Thị Vân (Trường THCS Tân Thành, TP Thái Nguyên) chia sẻ: “Điều mong muốn nhất khi dạy học chương trình giáo dục địa phương là giúp các em học sinh hiểu biết về thực tế vùng đất mình sinh sống nhiều hơn, yêu quê hương của mình hơn, từ đó ấp ủ những dự định, khát vọng phát triển bản thân trên chính quê hương mình”.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và GDTX, Sở GD&ĐT Thái Nguyên trao đổi: “Chương trình sẽ được kết hợp giữa học tập trên lớp với hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường. Việc thực hành, tham quan thực tế, sưu tầm tư liệu, thực hiện dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng… sẽ gắn dạy học với thực tiễn, tạo hứng thú học tập, nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử, kinh tế xã hội của địa phương cho học sinh”.

Là lần đầu tiên triển khai, cho nên việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương không tránh khỏi khó khăn nhất định, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của những người biên soạn, thẩm định. Đặc biệt, việc thống nhất được nguồn ngữ liệu khi đưa vào chương trình đòi hỏi sự công phu, kĩ lưỡng, phối hợp nhịp nhàng của tập thể hội đồng.

Bên cạnh đó, câu chuyện về đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục địa phương cũng là vấn đề đáng quan tâm. Theo kế hoạch, trước mắt, Sở GD&ĐT Thái Nguyên sẽ triển khai rà soát để đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng, từ đó chuẩn bị nguồn giáo viên cho việc giảng dạy chương trình giáo dục địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.