Học trực tiếp kết hợp trực tuyến
HS THPT, học viên hệ GDTX của An Giang đã đi học trở lại được 2 tuần. Tuy nhiên, ngày 17/3, Sở GD&ĐT đã quyết định cho các đối tượng này tiếp tục tạm nghỉ học từ 18/3 - 22/3. Sĩ số đến trường trong 2 tuần học qua theo dõi hằng ngày cao nhất đạt hơn 97%, thấp nhất là hơn 94%. Nguyên nhân do một bộ phận HS, cha mẹ HS chưa yên tâm trước dịch bệnh, đặc biệt ở một số địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao như biên giới, nơi có đông người nước ngoài tới địa phương.
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Những ngày này, nhà trường triển khai dạy học chương trình nội khóa theo kế hoạch thời gian được điều chỉnh, dừng tất cả hoạt động ngoài giờ chính khóa khi chưa cần thiết, không sinh hoạt chào cờ tập trung; Chuyển mạnh sang hình thức dạy học qua Internet đối với hoạt động dạy học khác (ôn tập, luyện tập phục vụ Kỳ thi THPT quốc gia với HS lớp 12), nhằm hạn chế số buổi đến trường của HS trong tuần.
“Các trường học, cơ sở giáo dục chủ động hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học bằng cách tổ chức biên soạn lại kế hoạch, chương trình các môn học, hoạt động giáo dục ở học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 theo hướng điều chỉnh, tinh giản nội dung dạy học. Có thể xây dựng kế hoạch dạy học theo nhóm chủ đề, tăng thời lượng ôn tập và luyện tập. Tuy nhiên, phải bám sát mục tiêu môn học, không cắt xén nội dung tùy tiện, thiếu khoa học, đảm bảo yêu cầu cần đạt của chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình các cấp học hiện hành.
Đối với bậc THCS, do thời gian HS nghỉ nhiều hơn và chưa biết ngày chính thức trở lại trường, sở chỉ đạo Hội đồng bộ môn cấp tỉnh biên soạn lại chương trình, kế hoạch dạy học theo hướng điều chỉnh, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2020 để các trường THCS tham khảo, có thể áp dụng nếu thấy phù hợp” – ông Trần Tuấn Khanh thông tin.
Tại Phú Thọ, HS THPT đã đi học trở lại từ ngày 2/3/2020. Thông tin từ ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, do chuẩn bị các điều kiện đón HS trở lại trường và chỉ đạo tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện phòng chống dịch bệnh, đến nay hoạt động dạy học ở các trường THPT diễn ra bình thường, tâm lý cán bộ, giáo viên, HS, phụ huynh yên tâm.
“Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường bám sát Công văn 4612 /BGD ĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 và Công văn số 793/BGDĐT-GDTrH ngày 12/3/2020 của Bộ GD&ĐT để rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo hướng: Loại bỏ những nội dung bị trùng lặp giữa các lớp, các môn học/hoạt động giáo dục (chỉ dạy ở 1 lớp, 1 môn/hoạt động giáo dục). Tinh giản, không dạy những nội dung khó, vượt quá yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình. Tăng cường xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp liên môn để tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học. Cắt giảm các hoạt động giáo dục không bắt buộc, không cần thiết và không phù hợp trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19...” - ông Phùng Quốc Lập cho hay.
Chủ động thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học
Liên quan đến việc thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học, ngoài việc theo dõi thực hiện kịp thời các chỉ đạo mới của Bộ, Sở GD&ĐT An Giang thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác để có hướng dẫn kịp thời trong những trường hợp phát sinh. Chia sẻ điều này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh đồng thời cho biết: Tùy theo từng cấp học, thời gian nghỉ học, Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chương trình.
Trước mắt, điều chỉnh theo hướng tinh giản nội dung nhưng phải bảo đảm chất lượng nếu quỹ thời gian của biên chế năm học theo quy định của Bộ GD&ĐT còn đủ để thực hiện. Trường hợp phát sinh khác, quỹ thời gian ít, sở sẽ tham mưu tỉnh cho chủ trương dạy học trên truyền hình để hoàn thành chương trình. Sau khi HS trở lại trường, nhà trường sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá. Dĩ nhiên, mức độ đánh giá phải phù hợp với tình hình thực tế.
Tại Thái Bình, HS lớp 12 sẽ học trên lớp vào buổi sáng theo chương trình chính khóa, buổi chiều học trên truyền hình theo các chuyên đề ôn tập thi THPT quốc gia. Sở GD&ĐT căn cứ vào tình hình thực tế sẽ điều chỉnh thời gian của mỗi buổi học, tiết học, triển khai dạy kiến thức mới, gia tăng số môn học và thời lượng phát sóng trên truyền hình. Nội dung kiến thức đã được học trên truyền hình sẽ được nghiên cứu, kế thừa theo hướng tinh giản, rút gọn kiến thức trong nội dung chương trình môn học, bảo đảm HS không học lại, ôn lại kiến thức đã học trên truyền hình khi trở lại trường học (đối với lớp 9), học chính khóa trên lớp (đối với lớp 12).
Liên quan đến thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục nhà trường, Sở GD&ĐT Phú Thọ chỉ đạo: Thực hiện nghiêm túc kế hoạch giáo dục nhà trường đã được điều chỉnh cho phù hợp để bảo đảm chất lượng. Không tổ chức dạy thêm học thêm (trừ các lớp ôn thi THPT quốc gia). Sở GD&ĐT đang tích cực xây dựng các bài giảng điện tử để phát trên các phương tiện truyền thông hỗ trợ HS lớp 9 ôn thi vào lớp 10 THPT và HS lớp 12 ôn thi THPT quốc gia.