Ngành GD-ĐT Phú Thọ chuyển biến mạnh mẽ sau NQ29

GD&TĐ - Hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã triển khai gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với khâu đột phá là:“Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Giáo dục đất Tổ nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”.

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì - Phú Thọ)
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì - Phú Thọ)

Thực hiện nhiều mô hình mới hiệu quả

Sở GD& ĐT cùng với Công đoàn Giáo dục tỉnh đã triển khai lồng ghép phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”… Đặc biệt, trong cuộc vận động “dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”, ngành đã xây dựng Quy định chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, phong cách nhà giáo.

Nhiều đơn vị đã lựa chọn một số công việc, mô hình cụ thể, thiết thực sát với việc thực hiện nhiệm vụ được giao và phù hợp với nét đặc thù riêng của cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Điển hình là mô hình: “Cán bộ, viên chức ngành GD- ĐT Lâm Thao gương mẫu, đổi mới, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ”; Trường THPT Tam Nông đi đầu trong việc “bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo”; Trường THPT Thanh Thủy “năng động, sáng tạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”; CB- GV trường THPT Vĩnh Chân đi đầu trong việc “đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá”; Trường THPT Nguyễn Tất Thành “đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nhà trường”…

Do có sự gắn kết với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, đội ngũ nhà giáo toàn tỉnh đã có chuyển biến rõ trong nhận thức và hành động, thấy rõ được trách nhiệm trong công việc hằng ngày, không chỉ ở trên lớp mà còn ở gia đình và xã hội.

Sự cảm thông, sẻ chia trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt đã góp phần làm tăng sự sáng tạo, xuất hiện những cách làm hay, đổi mới hiệu quả, tăng tình đoàn kết, thân ái trong đội ngũ giáo viên. Không chỉ giúp nhau trong công tác chuyên môn, ở nhiều trường, nhiều cơ sở đã tổ chức vận động đội ngũ giáo viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống như lúc ốm đau nhận dạy thay, giúp nhau làm kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Quan hệ thầy và trò đã được thể hiện sự tôn trọng, bao dung.

Ưu tiên phát triển toàn diện và phẩm chất người học

Qua 5 năm thực hiện, một trong những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết 29 mà Phú Thọ đã đạt được là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; tiếp đến là xác định đổi mới thi, kiểm tra là khâu đột phá là đúng hướng thể hiện qua các cuộc thi, kỳ thi quốc gia mà Phú Thọ tham gia trong những năm vừa qua.

Trong 5 năm qua, toàn ngành đã quyên góp được trên 17,3 tỷ đồng để ủng hộ giáo dục vùng núi, ủng hộ Quỹ vì người nghèo, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam…, trong đó ủng hộ các trường học miền núi, vùng sâu, vùng bị thiên tai với số tiền là trên 16 tỷ đồng và ủng hộ xây dựng mới 6 ngôi nhà, đã chuyển hỗ trợ các tỉnh bạn, đồng bào các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ trên 1,3 tỷ đồng; trên 65.000 quyển sách, 90.000 quyển vở, 48.000 dụng cụ học tập, 35.000 bộ quần áo, 19.500 đồ dùng sinh hoạt…

Hằng năm, ngành thực hiện tốt công tác phát triển Đảng, bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp đảng viên mới. Trong 5 năm (2013 - 2018) có 1.205 cán bộ, giáo viên được tham gia học tập nâng cao trình độ về lý luận chính trị.

Từ năm 2013 đến năm 2018, toàn ngành đã được nghiệm thu, công nhận và triển khai áp dụng trong công tác 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; 02 đề tài NCKH cấp Bộ; 01 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh; 82 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ngành; 2708 sáng kiến kinh nghiệm cấp Ngành, trong đó có 265 sáng kiến kinh nghiệm đạt loại xuất sắc, 1895 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại khá và 548 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại trung bình. 

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được đảm bảo ổn định cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; năm 2018, khối mầm non, phổ thông và các trung tâm được UBND tỉnh giao 22.767 chỉ tiêu, trong đó biên chế viên chức: 22.764, hợp đồng 68: 03; 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo, tỷ lệ trên chuẩn dần được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay. Tỷ lệ nhà giáo có trình độ trên chuẩn ở bậc mầm non đạt 70,3%, bậc tiểu học đạt 86,91%, bậc THCS đạt 77,41%, bậc THPT đạt 13,9% và GDTX đạt 10,16%...

Tiếp tục thực hiện cuộc phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, năm học 2018 - 2019, ngành GD-ĐT đã đưa nội dung cuộc vận động vào chiều sâu với những nội dung cụ thể, thiết thực hơn nhằm nâng cao hơn nữa việc rèn luyện, giữ gìn trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 và góp phần đưa GD-ĐT tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2017 - 2018 tỉnh luôn đứng trong tốp đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng. Trong 5 năm có 267 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (gồm: 07 giải Nhất, 60 giải Nhì, 110 giải Ba và 90 giải Khuyến khích); có 13 học sinh được dự thi vòng 2 chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế. Có 27 dự án đạt giải trong Cuộc thi KHKT cấp quốc gia (gồm: 03giải Nhất, 07 giải Nhì, 11 giải Ba và 06 giải Khuyến khích).... Đặc biệt, em Nguyễn Thuý Hằng - học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Hùng Vương đoạt Huy chương Đồng Olympic Hóa học quốc tế năm 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.