Động lực từ những điều giản dị
Đó tâm sự của cô Bùi Thuý Quỳnh – giáo viên chủ nhiệm lớp 1 A3, Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Cô bộc bạch: Nếu có sự lựa chọn ngành nghề khác mà thu nhập cao gấp nhiều lần so với nghề dạy học, cô vẫn chọn nghề “gõ đầu trẻ con” để được làm bạn với “phấn trắng, bảng đen” và hàng ngày được nhìn thấy nụ cười, ánh mắt trong veo của trẻ thơ. Bởi với cô, nghề dạy học không chỉ đơn thuần là cơ duyên mà đã trở thành một phần máu thịt của mình. Cô Bùi Thuý Quỳnh chia sẻ: Nghề dạy học cho cô nhiều trải nghiệm thú vị và học được nhiều điều từ chính các em học sinh của mình. Đó là sự vô tư, trong sáng.
“Các em đã cho tôi bài học về sự bình tĩnh, lắng nghe và trên hết là cách ứng xử với con trẻ ngay cả trên lớp học cũng như ngoài xã hội” - cô Bùi Thuý Quỳnh chia sẻ, đồng thời dẫn giải: Trẻ con thường có những xung đột không đáng có và các em thường sẽ mách cô để đứng ra phân xử. Nếu giáo viên không bình tĩnh, lắng nghe và tìm hiểu thì rất dễ mất lòng học sinh.
Chẳng hạn, một bạn mất đồ dùng, có thể chỉ là chiếc bút hoặc cục tẩy và đổ thừa cho bạn ngồi bên cạnh lấy của mình nhưng thực tế không phải bạn đó lấy. “Lúc này nếu giáo viên không bình tĩnh tìm hiểu thì rất dễ làm tổn thương bạn ngồi bên cạnh. Cách tốt nhất là cùng với học sinh lục tìm đồ bị mất và trò chuyện với các em như những người bạn để tìm ra nguyên nhân và kết quả. Trẻ con mà, khi mình tỉ tê thì các em sẽ sẵn sàng bộc bạch” - cô Bùi Thuý Quỳnh bật mí.
Kết hợp nhuần nhuyễn: Dạy và dỗ
Cũng theo cô Bùi Thuý Quỳnh, dạy lớp 1 luôn là một thử thách đầy khó khăn đối với giáo viên, nhất là với một giáo viên trẻ như cô. Vì thế khi được Ban giám hiệu phân công chủ nhiệm lớp 1, cô vô cùng lo lắng. “Tôi phải cố gắng bằng năm, bằng mười người khác để làm tròn trách nhiệm của một giáo viên “vỡ lòng”. Tôi luôn học hỏi kinh nghiệm của những đồng nghiệp trong khối, tích cực trau dồi kiến thức và bổ túc cho mình về nghiệp vụ sư phạm. Đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu về tâm sinh lí của trẻ lớp 1 để có thể giảng dạy tốt nhất cho các em. Tâm niệm lớn nhất của tôi là các em được phát triển toàn diện về cả trí tuệ và tâm hồn. Nếu ai hỏi, hạnh phúc nhất của người giáo viên là gì, tôi sẽ trả lời ngay rằng, đó là được thấy các em phát triển, khôn lớn từng ngày” - cô Bùi Thuý Quỳnh chia sẻ.
Theo cô Bùi Thuý Quỳnh, lớp 1 chưa quá nặng nề về kiến thức nhưng phải rèn được cho con ý thức học tập để làm hành trang và tạo đà cho các năm học tiếp theo. Giáo viên lớp 1 là người đặt nền móng cho sự phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ. Vì thế câu nói “cô giáo như mẹ hiền” càng phù hợp với giáo viên lớp 1 hơn bao giờ hết. Bởi dạy lớp 1 không chỉ đơn thuần là giỏi chuyên môn, vững về nghiệp vụ sư phạm, mà phải thực sự yêu nghề, mến trẻ. Ở lứa tuổi các em phải kết hợp nhuần nhuyễn cả hai yếu tố đó là: Dạy và dỗ. Vì thế, giáo viên lớp 1 thường phải đảm nhiệm nhiều vai: từ dạy chữ, dạy người cho đến làm bảo mẫu, thậm chí còn phải trong vai nhà tư vấn tâm lý… Theo đó, giáo viên phải hiểu được tính cách của từng em học sinh để có phương pháp dạy – dỗ phù hợp.
“Tôi đã từng dạy học sinh tự kỉ và thiểu năng về trí tuệ. Với những học sinh này nếu không tỉ mỉ, kiên nhẫn dạy thì rất khó thành công. Vì thế, tôi nghiên cứu kỹ đặc điểm tâm lý và tính cách của các em học sinh này, thậm chí phải chấp nhận tốn rất nhiều thời gian và công sức để dạy các em như: Cầm tay cho các em viết, phụ đạo thêm cho các em trong từng buổi học… chỉ mong các em hòa nhập được với các bạn và ít nhiều tôi cũng đã thành công” - cô Bùi Thuý Quỳnh trao đổi.