Biết sử dụng và khai thác các nguồn tài liệu tham khảo
Việc dạy môn Hóa học bằng tiếng Anh cũng như tiếng Việt rất cần các nguồn tài liệu khác nhau. Việc sử dụng các nguồn tài liệu giúp giáo viên học tập được văn phong tiếng Anh sử dụng trong lĩnh vực hóa học cũng như các “thuật ngữ" chuyên ngành sử dụng trong hóa học.
Biết một số qui tắc cơ bản, biết sử dụng phương tiện kĩ thuật hỗ trợ giảng dạy
Phát âm tiếng Anh nói chung và các thuật ngữ hóa học nói riêng là rất cần thiết. Việc phát âm đúng giúp ngay chính giáo viên và học sinh có khả năng nghe tốt và hiểu khi nghe các bài giảng mà do người nước ngoài thực hiện.
Trong quá trình giảng dạy, khi vốn từ vựng của giáo viên và học sinh còn hạn chế thì việc sử dụng các phương tiện kĩ thuật cũng như một số đồ dùng dạy học là một cách hiệu quả nâng cao chất lượng của bài giảng.
- Người dạy, người học thấy được việc dạy học bằng tiếng Anh thật sự cần thiết và phải có vốn tiếng Anh nhất định, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành Hóa học.
- Giáo viên phải có cách thức tổ chức dạy học phù hợp, có bài giảng hợp lí kích thích tính sáng tạo, khả năng tìm tòi của học sinh.
Đánh giá đúng khả năng tiếng Anh của học sinh
Việc nắm vững trình độ tiếng Anh của học sinh là rất quan trọng, để giáo viên sẽ chuẩn bị nội dung, chủ đề của bài giảng phù hợp với khả năng học sinh. Hơn nữa việc nắm vững trình độ tiếng Anh của học sinh giúp người giáo viên chuẩn bị lượng kiến thức phù hợp cho thời gian 1 tiết học trên lớp.
Hiểu rõ khả năng tiếng Anh của bản thân
Giáo viên hiểu rõ năng lực tiếng Anh của bản thân, họ sẽ làm chủ được bài giảng của mình, biết rõ cách trình bày từng phần của bài giảng (trình bày bằng lời, hay trình chiếu hoặc viết lên bảng hay lên giấy đưa cho học sinh...) chuẩn bị câu hỏi và các câu trả lời cho mình giúp cho việc đánh giá phần câu trả lời của học sinh được tốt hơn.
Không nên dạy lại y hệt các kiến thức trong SGK
Nhóm thầy cô giáo cũng lưu ý: không nên dạy lại y hệt các kiến thức đã có trong sách giáo khoa tiếng Việt dưới dạng chuyển tải sang tiếng Anh; lại càng không nên dạy học theo kiểu song ngữ là sáng dạy tiếng Việt, chiều dạy tiếng Anh với cùng nội dung kiến thức.
Điều đó sẽ gây nhàm chán, bởi phần đông học sinh không thích nghe lại những kiến thức mà mình đã biết, mất hứng thú trong việc khám phá kiến thức và học sinh không quan tâm đến bài giảng. Nếu muốn chuyển tải theo cách này, giáo viên chỉ cần cho từ vựng tiếng Anh khi dạy tiếng Việt trên lớp là được.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có chương trình giảng dạy môn chuyên môn bằng tiếng Anh thống nhất theo quy định.
Do vậy, người dạy phải tự xây dựng chương trình giảng dạy trên cơ sở tham khảo chương trình của nước ngoài, tra cứu các kiến thức trên mạng và sách giáo khoa tham khảo của các nước nhằm theo kịp khối lượng kiến thức để đáp ứng được chuẩn kiến thức về dạy học chuyên sâu môn Hóa học cho học sinh THPT chuyên của Bộ GD&ĐT, vừa phân bố hợp lý và gắn kết được với chương trình đào tạo bằng tiếng Việt của học sinh để biên soạn và giảng dạy nhằm tránh cho học sinh bị quá tải về nội dung.
Trước mắt, cần dựa trên khung chương trình/ nội dung chi tiết mà các kỳ thi Olympic quốc tế quy định cho học sinh khi tham gia phải đạt được, kết hợp với các nội dung câu hỏi và bài tập theo yêu cầu đặt ra của kỳ thi A-level vào các trường đại học của Singapore, Cambridge, thi chứng chỉ trong các kỳ thi SAT, … để biên soạn bài giảng nhằm lồng ghép có hiệu quả giữa việc dạy được tiếng Anh cho môn Hóa học, vừa ôn luyện, vừa nâng cao kiến thức cho học sinh chuyên.
Có như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức Hóa học mà các nước đặt ra cho học sinh THPT.