Dạy học gắn với thực tế trường lớp: Cô, trò cùng hào hứng

GD&TĐ - Được giao quyền chủ động trong quá trình dạy học theo Chương trình GDPT mới, GV đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng sáng tạo và lựa chọn nội dung giảng dạy gắn với thực tế trường lớp và HS…

Trong giờ học tại Trường TH Thăng Long (Hà Nội). Ảnh minh họa: Thế Đại
Trong giờ học tại Trường TH Thăng Long (Hà Nội). Ảnh minh họa: Thế Đại

Vận dụng thực tế

Giờ học Tiếng Việt của cô, trò Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) diễn ra rất rôm rả. Tiết học vần “au”, cô giáo đem rau vào lớp cho HS học vần và làm dụng cụ trực quan dạy học. Vần “au” còn được cô, trò phát hiện qua “cái thau” hay “cây cau” trước sân trường… Theo chia sẻ của các GV, việc chủ động trong chương trình mới khiến mỗi tiết học là một giờ vui với các em.

Sau hơn 2 tháng triển khai Chương trình GDPT mới, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học… Theo ông Lê Hoàng Duy Linh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn (TP Cần Thơ), nhà trường ngoài chủ động trong công tác chọn SGK, ngành Giáo dục thành phố đã giao quyền chủ động, linh hoạt trong công tác giảng dạy theo Chương trình GDPT mới. Hiện việc triển khai chương trình mới ở khối lớp 1 đã ổn định.

Trong giờ học Tiếng Việt tại Trường Tiểu học An Thới 1, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).
Trong giờ học Tiếng Việt tại Trường Tiểu học An Thới 1, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ). 

Khi được giao quyền chủ động, các GV đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng sự sáng tạo và lựa chọn nội dung giảng dạy gắn với thực tế phù hợp với HS trong mỗi bài giảng. Cô Trần Thị Cẩm Nhung, GV Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận Ô Môn) chia sẻ: Trong quá trình dạy học, GV sẽ để HS được luyện nói tự do, không bó buộc bởi SGK. Để các em phát huy được sự sáng tạo và tính tích cực của mình, GV là người sẽ là điều chỉnh lại. Qua đó, HS sẽ nhận biết được từ mình đang học và giúp ghi nhớ lâu hơn.

Trong quá trình dạy và học, lãnh đạo nhà trường kết hợp với GV xây dựng và điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp với đặc điểm của HS. Thông thường, cứ sau 2 tuần học, GV sẽ họp sinh hoạt tổ chuyên môn 1 lần, nếu có sự việc đột xuất thì sẽ tiến hành họp gấp. “Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, GV bộ môn tập trung xem xét nội dung nào là trọng tâm, rồi lựa chọn các ngữ liệu để giảng dạy.

Bên cạnh đó, thầy cô cũng họp thống nhất và chủ động đưa ra hướng nghiên cứu bài học, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngữ liệu, gần gũi với HS. Sau đó sẽ dạy một tiết mẫu có dự giờ, đồng thời đóng góp ý kiến rút kinh nghiệm”, cô Trần Thị Cẩm Nhung cho biết thêm.

Theo cô Lâm Thị Thanh Nguyên, GV lớp 1 Trường Tiểu học An Nghiệp, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), tùy vào đặc điểm tâm lý, tư duy, khả năng hợp tác, sáng tạo, mức độ mạnh dạn, kỹ năng, ngôn từ… của HS và những điều kiện cụ thể khác của lớp học, GV sẽ quyết định hình thức tổ chức hoạt động phù hợp.

HS có thể làm việc nhóm nhỏ hay nhóm lớn, dùng phiếu bài tập hay phần mềm dạy học, tổ chức trò chơi hay thảo luận nhóm… Giáo viên nắm bắt từng HS, biết rõ em nào viết được, chưa viết được, em nào đọc nhớ bài nhanh, chậm. Sau đó, sẽ xếp các em vào từng nhóm riêng để ôn luyện.

“Em nào viết chưa được, GV cầm tay giúp em viết từ từ. Với HS đọc chưa rõ, các cô luyện đọc. Những em đọc được, viết được, các cô cho làm bài tập. Như vậy các em hoàn thành hết bài trong ngày mà không cần giao bài về nhà”, cô Lâm Thị Thanh Nguyên cho biết.

Phát huy khả năng sáng tạo

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học An Thới 1 tự tin thể hiện năng lực.
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học An Thới 1 tự tin thể hiện năng lực. 

Theo cô Hà Thị Việt Phương, GV Trường Tiểu học An Thới 1 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), sau khi được trao quyền chủ động trong việc soạn giảng giáo án và nội dung, tôi cảm thấy rất thoải mái trong việc linh động và sáng tạo các phương pháp giảng dạy.

Bên cạnh đó, các GV trong trường còn được cho phép điều chỉnh một số nội dung, ngữ liệu để phù hợp với từng HS của lớp. Sau hơn 2 tháng triển khai, HS phát huy được phẩm chất, năng lực qua từng tiết học. Các em năng động hơn, có thể trao đổi trực tiếp với GV, thậm chí có thể đứng lên nhận xét bạn.

Cô Lê Trần Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đánh giá: “Chúng tôi nhận thấy HS tiếp thu bài tốt. Các em hoạt bát và có sự sáng tạo sau mỗi chủ đề bài học; vui vẻ, phấn khởi học tập. Quá trình dạy học linh hoạt và có tính “mở”, GV căn cứ vào đặc điểm của HS, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng lớp, trường để chủ động lựa chọn hay tiến hành điều chỉnh hoặc bổ sung cụ thể về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy...”.

Ngành đã giao quyền cho GV chủ động thực hiện nội dung chương trình; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; Khuyến khích GV đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các nội dung trong SGK theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS. Hiện, việc triển khai Chương trình GDPT mới lớp 1 trên địa bàn TP Cần Thơ thuận lợi; việc dạy và học theo Chương trình GDPT mới đi vào nền nếp, ổn định. Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.