Sắp xếp “vali kiến thức”
PGS Nguyễn Xuân Thành phân tích: Trong chương trình hiện hành, dường như kiến thức vẫn là mục tiêu, chính vì vậy mọi hoạt động kiểm tra đánh giá vẫn dựa vào kiến thức, vào sách giáo khoa. Kiến thức HS có thể ghi nhớ được, nhưng khi vận dụng còn rất hạn chế, chưa được như mong muốn.
Trên thực tế, đích đến của việc học phải là áp dụng được kiến thức vào thực tiễn, phục vụ cho cuộc sống. Như vậy sẽ có năng lực, phẩm chất. Vì vậy, cần thay đổi trong từng bài học: Mục tiêu của bài học sẽ không phải là khối lượng kiến thức nào đó trong SGK, mà SGK sẽ trở thành phương tiện để HS vận dụng vào thực tế, từ đó hình thành năng lực.
Một số người hiểu nhầm rằng, khi chuyển sang GD phát triển năng lực, kiến thức không còn quan trọng nữa. Hay đây đó có nhận xét chương trình hiện hành nặng. Vị chuyên gia Bộ GD&ĐT khẳng định trong thực tế, kiến thức vẫn là “nguyên liệu” để có thể hình thành năng lực. Nếu so sánh với chương trình giáo dục phổ thông của nhiều nước, Chương trình phổ thông của ta không hẳn nặng vì nhiều kiến thức, mà do cách sắp xếp, do sự tôn trọng logic cao độ trong kiến thức các môn học khiến kiến thức nhiều phần bị lặp lại.
Ảnh minh họa |
Gỡ nút thắt cho GV chủ động, sáng tạo
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, một điểm nữa có thể gây “nặng nề” cho HS, đó là phương pháp chuyển tải. Trong một giai đoạn dài, GV dạy học theo phân phối chương trình được áp từ trên xuống: Mỗi tiết học đúng 45 phút, GV phải ghi sổ đầu bài và sổ báo giảng.
Do thiết kế dạy học như vậy, sách giáo khoa cũng được chia thành các bài học theo thời lượng 45 phút, đôi khi có bài 2 tiết. Như vậy, GV phụ thuộc sách giáo khoa, chỉ nói lại những gì sách giáo khoa đã viết ra. Ngoài ra, với cách chuyển tải như vậy, một chủ đề trong Chương trình đã được viết thành một số tiết học, khi triển khai dạy học, GV chỉ chăm chăm tránh “cháy giáo án”, khiến việc dạy bị lệ thuộc thời gian.
Về phương pháp dạy học, GV cũng đã được đào tạo phương pháp dạy học tích cực từ rất lâu, như phương pháp “bàn tay nặn bột”... Tuy nhiên, các phương pháp dạy học tích cực này chưa được áp dụng triệt để; nhiều trường chỉ tổ chức trong các hội giảng... Có thể thấy, không ít trường đổi mới phương pháp dạy học còn mang tính hình thức, cần phải thay đổi.
Hình thức dạy học hiện nay vẫn cơ bản là học trên lớp, thỉnh thoảng mới cho HS đi dã ngoại, học ngoài giờ lên lớp. Nếu chúng ta cứ giữ mãi cách này như hiện nay, thì GV khi vào lớp, đến trường, mọi thứ đã vào khuôn phép theo thời gian biểu, nội dung sách giáo khoa cũng cố định, viết sao dạy vậy, cấp trên bảo gì làm nấy. Góp phần khắc phục những hạn chế như vậy, GV cần phải sáng tạo hơn, tự chủ hơn.
Vấn đề đặt ra là cần tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao đã được học các phương pháp dạy học tích cực, nhưng thực tế nhiều thầy cô không áp dụng? Theo ông Nguyễn Xuân Thành, có thể lý giải một phần, đó là nếu GV muốn áp dụng phương pháp dạy học tích cực thì phải tổ chức các hoạt động học.
Một bài học phải có ít nhất 4 - 5 hoạt động học, với khoảng thời gian 45 phút như hiện nay, GV buộc phải ép thời gian, thực hiện các hoạt động không triệt để. Thậm chí có những sự lãng phí lớn: Thầy cô dạy môn Vật lý, Hóa học, Sinh học phải chuẩn bị rất công phu để làm thí nghiệm, nhưng quy định 1 tiết học chỉ đủ để “cưỡi ngựa xem hoa”, HS không đủ thời gian để thực hành, quan sát...
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo: “Tăng cường hướng dẫn HS tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận, vận dụng kiến thức, dành nhiều thời giờ trên lớp để HS trình bày, báo cáo, trao đổi, thảo luận”, thực tế một số GV cho HS đọc tài liệu, nhưng đọc xong lại không thực hành gì.