Để theo học các chương trình này ngoài điểm xét tuyển, thí sinh phải đạt chuẩn tiếng Anh đầu vào. Tuy nhiên, trong thực tế học tập và giảng dạy, không ít sinh viên và giảng viên không thể tìm được tiếng nói chung vì… yếu kỹ năng nghe.
Chuẩn đầu vào cao chưa đủ
Ngoài chương trình đại trà, các trường ĐH đều tuyển sinh thêm chương trình chất lượng cao, song ngữ hoặc giảng dạy 100% bằng tiếng Anh. Tùy vào định hướng và chiến lược phát triển của từng trường, tỉ lệ tuyển sinh các chương trình trên chiếm từ 5 - 10 % tổng chỉ tiêu, thậm chí có trường dành tới 20% tổng chỉ tiêu.
Đa số trường có tuyển sinh và đào tạo chương trình song ngữ, giảng dạy 100% bằng tiếng Anh hoặc hệ chất lượng cao, yêu cầu chuẩn đầu vào tiếng Anh với sinh viên là tương đối cao. Đơn cử, Trường ĐH Bách khoa TPHCM quy định sinh viên trúng tuyển vào học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh phải có chứng chỉ IELTS 6.0 hoặc chứng chỉ khác quy đổi tương đương.
Tại Trường ĐH Hoa Sen, với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, nhà trường yêu cầu chuẩn đầu vào của sinh viên IELTS từ 5.5 trở lên. Đặc biệt, chương trình Hoa Sen Elite dạy 100% tiếng Anh, các thí sinh phải trải qua vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh để được xét tuyển.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) tùy theo chương trình đào tạo song ngữ hay cử nhân Anh quốc mà yêu cầu chuẩn đầu vào tiếng Anh với sinh viên phải có IELTS từ 6.0 trở lên.
Với các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh với ngưỡng chuẩn đầu vào trình độ ngoại ngữ yêu cầu tối thiểu sinh viên phải có như các trường trên thì không đáng bàn. Bởi thực tế khi sinh viên xác định theo học các chương trình này (phần lớn nhập khẩu quốc tế) đã tự lượng được sức học. Tuy nhiên, với sinh viên các chương trình chất lượng cao có thời lượng học bằng tiếng Anh chiếm từ 20 - 50% tổng thời gian đào tạo, khả năng nghe nói và giao tiếp không phải ai cũng tốt.
Cán bộ tuyển sinh một trường đại học nhìn nhận một số trường vì bài toán kinh tế, nhiều trường đã “nở nồi” hệ chất lượng cao nhằm gia tăng nguồn thu học phí (gắn mác tăng cường tiếng Anh, chất lượng dịch vụ) nhưng lại thiếu quan tâm đến chất lượng đội ngũ, nguồn tuyển. Hệ lụy nhiều sinh viên bị đuối vì không thể theo kịp trình độ ngoại ngữ, nhất là các học phần, tín chỉ học với giáo viên nước ngoài.
Nguyễn Th. T - sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết: Năm 2019 em chọn xét vào hệ chất lượng cao hoàn toàn bằng tiếng Anh của nhà trường vì tự tin mình có IELTS 5.5 điểm. Tuy nhiên, khi vào học thực tế chuyên ngành với giáo viên bản ngữ, lại khó tiếp thu và không hiểu hết bài giảng. “Thời gian qua em phải luyện thêm kỹ năng nghe, nói tại một trung tâm ở ngoài”, T nói.
Theo GS Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên chủ yếu xuất phát từ lỗ hổng và nền tảng kỹ năng nghe nói tiếng Anh của sinh viên. Với giáo viên, rất hiếm trường hợp phát âm không chuẩn, trình độ không đạt để giảng dạy các chương trình song ngữ, hoàn toàn bằng tiếng Anh mà được các trường chấp nhận, tuyển dụng.
Chất lượng phải đến từ sự song hành
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Saigontourist Group nhìn nhận sinh viên Việt Nam rất giỏi nhưng có nhược điểm lớn là yếu ngoại ngữ. Nguyên nhân theo ông Thọ do cách học tiếng Anh không đúng phương pháp.
“Nhiều sinh viên giỏi chuyên môn, kỹ năng tốt, có chứng chỉ IELTS trên 6.0. Tuy nhiên, khi công việc cần phải trao đổi sâu về chuyên môn với đối tác nước ngoài, không ít em lại tỏ ra yếu trong giao tiếp, đối thoại và hiểu.
Để nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho sinh viên, các trường ĐH ngoài tuyển đội ngũ giảng viên bản ngữ giàu chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cần phải có kỹ năng thấu hiểu những đặc tính, văn hóa của người Việt. Từ đó, việc dạy và giúp sinh viên giỏi ngoại ngữ mới hiệu quả. Bên cạnh đó, sinh viên cũng phải tự học, trau dồi và thường xuyên rèn luyện khả năng nghe, nói, đàm thoại”, ông Nguyễn Hữu Thọ lưu ý.
Thời gian qua, các trường đại học đã rất cố gắng và quyết tâm trong việc nâng cao khả năng ngoại ngữ cho sinh viên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngôn ngữ, để đạt hiệu quả đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ hai phía, nhà trường và bản thân người học.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), theo ThS Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Truyền thông UEF, thí sinh trúng tuyển chương trình song ngữ sẽ được kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào bằng hình thức trắc nghiệm và phỏng vấn trực tiếp với giảng viên dạy tiếng Anh. Sinh viên đạt yêu cầu kiểm tra đầu vào sẽ học 7 cấp độ tiếng Anh chuẩn của trường trong các học kỳ đầu. Thời gian này sinh viên được đào tạo kiến thức tiếng Anh nghe - nói - đọc - viết và hiểu các vấn đề về ngành đào tạo. Sinh viên chưa đạt, được bố trí học các lớp tiếng Anh dự bị miễn phí. Sinh viên hoàn tất chương trình tiếng Anh chuẩn sẽ vào học tiếng Anh cơ sở ngành và chuyên ngành trong các năm tiếp theo.
Theo bà Phan Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Truyền thông Marketing, Trường ĐH Hoa Sen, yêu cầu tuyển dụng giảng viên cho các chương trình dạy bằng tiếng Anh của nhà trường rất gắt gao. Ngoài tra soát hồ sơ ứng viên, phỏng vấn trực tiếp qua Hội đồng sư phạm trường, khoa, ứng viên dự tuyển phải có chứng chỉ IELTS từ 6.0 điểm trở lên, có kinh nghiệm giảng dạy 3 năm trở lên, tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng và ưu tiên giảng viên là người bản xứ.