TP.HCM đi đầu trong đổi mới sáng tạo dạy học tiếng Anh

GD&TĐ - Là địa phương có điểm trung bình tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước trong 3 năm liên tục (năm 2017 5.92 điểm, năm 2018 5.06 điểm, năm 2019 5.79 điểm), TP.HCM được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong đổi mới sáng tạo dạy học bộ môn này với nhiều chủ trương đúng đắn, kịp thời. 

Học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) trong Ngày hội giao tiếp tiếng Anh
Học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) trong Ngày hội giao tiếp tiếng Anh

Tự chọn chương trình học

Theo đó, tại TP.HCM, học sinh công lập có thể lựa chọn một trong các chương trình học tiếng Anh như: chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đề án, chương trình giảng dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh...

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, bên cạnh chương trình đề án tiếng Anh của Bộ GD&ĐT, triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3, TP.HCM đã xin phép Bộ để thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường từ 20 năm nay.

Với chương trình này, các em được học tiếng Anh trong trường công lập ngay từ lớp 1 với thời lượng 8 tiết/tuần. Đến nay, thành phố đã có 94,5% học sinh lớp 1 được học tiếng Anh ngay trong trường tiểu học. 

Đặc biệt để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong nhà trường, TP.HCM đã đưa chương trình “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” (gọi tắt tiếng Anh tích hợp) vào giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, với chương trình tiếng Anh tích hợp, học sinh được học 8 tiết/tuần các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh do 100% giáo viên bản ngữ giảng dạy. Hiện nay, chương trình được triển khai tại bậc tiểu học, THCS, THPT. Đây được đánh giá là một bước đột phá trong dạy học ngoại ngữ của TP.HCM trong xu thế hội nhập.

Học sinh TP.HCM được tạo điều kiện học tiếng Anh và các môn khoa học với giáo viên nước ngoài
Học sinh TP.HCM được tạo điều kiện học tiếng Anh và các môn khoa học với giáo viên nước ngoài 

Để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường phổ thông, TP.HCM có chính sách riêng về đào tạo đội ngũ giáo viên. Theo khảo sát chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế của TP vào năm 2012 cho thấy chỉ có khoảng 5% giáo viên đạt yêu cầu. Thời gian qua, TP đã sử dụng ngân sách nhà nước để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế, đến nay có 70% giáo viên đạt chuẩn. 

Đẩy mạnh xã hội hóa GD trong dạy tiếng Anh

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần quan trọng cho chất lượng dạy học tiếng Anh tại TP.HCM được nâng cao đó chính là “nhờ” vào chủ trương xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, các trung tâm ngoại ngữ phát triển. Từ đó, phụ huynh có nhiều lựa chọn và đầu tư cho con học tiếng Anh trong môi trường học ngoại ngữ chuẩn, tăng cường thực hành, giao tiếp với người nước ngoài. 

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, hiện nay thành phố có hơn 700 trung tâm tiếng Anh. Ngoài được tạo điều kiện học tiếng Anh trong trường công lập với nhiều chương trình tiếng Anh đa dạng, tiên tiến, học sinh TP.HCM còn được phụ huynh đầu tư học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ.

Với chương trình tiếng Anh tự chọn, Sở GD-ĐT TP.HCM đã cho phép giáo viên bản ngữ vào giảng dạy, tăng thực hành, giao tiếp tiếng Anh chuẩn cho học sinh. Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh rằng nhu cầu giáo viên bản ngữ của thành phố hiện rất lớn và Sở GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ, có chính sách đưa giáo viên bản ngữ vào dạy ở các trường phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.