Dạy con từ những điều nhỏ nhất

GD&TĐ - Đôi khi có những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống lại ảnh hưởng, tác động to tát đến không ngờ. Trong chuyện giáo dục con cái cũng thế. 

Dạy con từ những điều nhỏ nhất

Đừng nghĩ rằng những điều nhỏ nhặt xung quanh trẻ chẳng ảnh hưởng gì, ngược lại đây là điều kiện làm cho trẻ hình thành nên nhân cách ngay từ khi còn thơ dại.

Không biết chào hỏi

Chị Mai, chủ tiệm may Âu phục ở quận 5 (TPHCM) có hai cô con gái xinh xắn, học giỏi. Tuy nhiên, cách cư xử của hai cháu làm mọi người xung quanh phiền lòng. Do chồng chị thường xuyên vắng nhà, mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái đổ dồn lên chị, nên chị kham không xuể. Các cháu thường xuyên không chào mẹ mỗi khi đi đâu đó hoặc trở về nhà. Nói chuyện với mẹ, lúc nào hai cô bé cũng nói trống chứ không thưa dạ. Có khách lạ vào nhà, hai bé không màng chào hỏi, cũng chẳng gật đầu mà chỉ trố mắt nhìn khách rồi bỏ đi.

Nhiều người thân góp ý về cách cư xử của hai bé nhưng chị Mai chẳng lắng nghe mà chỉ cười xòa, nói: “Nên đơn giản hóa vấn đề thì hơn. Miễn sao chúng học giỏi và ngoan thì được”.

Cũng chính vì không biết “chỉnh” con cái nên càng lớn, hai cô bé càng ngỗ ngược. Mẹ nói gì cũng không nghe, nhờ vả chuyện gì cũng thoái thác. Nói chuyện với mẹ thì cứ y như là “ba chị em” đang trò chuyện, ngang hàng, không tôn trọng chị Mai chút nào. Thậm chí đối với ông bà nội, ông bà ngoại, hai bé cũng nói chuyện với cách như thế. Ông bà dạy một thì hai cô bé trả lời lại mười, thậm chí còn nhăn mặt, lầm bầm trong miệng câu gì đó rồi khinh khỉnh bỏ đi. Ông bà bất mãn nên chuyện đến thăm con cháu cũng thưa dần. Đến lúc này chị Mai mới nhận ra mình đã sai sót trong việc dạy con.

 Vợ chồng anh Trường là chủ của một cơ sở sản xuất ống nước ở huyện Bình Chánh (TPHCM), gia đình khá giả, nhà lại chỉ có một quý tử nên cả hai cưng con như trứng mỏng, muốn gì được nấy.

Trong phòng riêng của Tuấn - con anh Trường, có cả một kho đồ chơi mà toàn là hàng xịn. Tuy nhiên, cậu bé có tính mau chán, chỉ chơi được vài ngày là bỏ, rồi lại đòi ba mẹ mua cho cái mới. Như tuần trước, ba mẹ dẫn Tuấn đi siêu thị mua cho Tuấn con robot gần 300.000 đồng, nhưng về nhà chơi được hai ngày là cậu bẻ chân, tay của robot rồi quăng nó ra sau nhà.

Còn chiếc ô tô điều khiển từ xa mà anh Trường mua được nửa tháng, giá một triệu đồng, bị cậu con cưng tháo linh kiện vứt lung tung trong phòng (vì không lắp lại được) rồi cũng mang bỏ đi. Vậy mà anh Trường chỉ cười và nói: “Con phá phách quá!”.

Mẹ Tuấn mua về cho cậu một chú cún con Chihuahua rất dễ thương. Tuấn thích lắm, ngày nào cũng bế cún, cho cún ăn, nâng niu cún như đứa em của mình. Nhưng vào một ngày xấu trời, Tuấn dùng chân đá vào bụng cún chỉ vì cái tội cún không nghe lời dùng bữa mà cứ nằm im. Hóa ra cún bệnh nhưng Tuấn không hay biết. Vài ngày sau cún chết, Tuấn mang xác chú cún đáng yêu vứt ra đường một cách bình thản. Thế mà mẹ Tuấn chỉ bảo: “Thôi để mẹ mua con khác cho con nuôi”.

Tuấn càng lớn càng ngỗ ngược, tiêu xài hoang phí, vô ý thức ở những nơi công cộng. Chỉ mới 15 tuổi thôi mà cậu đã xài điện thoại cảm ứng đắt tiền, nhưng chỉ được một, hai tháng là đem bán. Thậm chí Tuấn còn nợ ở căng-tin, các hàng quán trước cổng trường một số tiền không nhỏ. Đến khi các chủ quán chạy tới nhà đòi tiền mẹ Tuấn thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. 5 triệu đồng đối với một học sinh lớp 10 quả là không nhỏ. Gia đình anh Trường thở dài hối hận vì không chịu quan tâm con mình ngay từ khi còn nhỏ.

Hãy là phụ huynh tâm lý

Để là một ông bố, bà mẹ tâm lý với con cái quả thật không dễ, nhưng cũng không khó nếu phụ huynh hiểu được con đang nghĩ gì, muốn gì, làm gì... Có như thế mới chế ngự tật xấu hoặc ủng hộ tính tốt của trẻ được. Đôi khi nhiều cha mẹ cho rằng chuyện con cái vứt rác ra ngoài đường, đối xử tệ bạc với loài vật, lãng phí đồ vật… là điều nhỏ nhặt, không đáng bận tâm nên không thèm tìm hiểu những cảm xúc, tâm lý của trẻ, bỏ mặc cho chúng thỏa mãn trong cách cư xử xấu đó.

Chính vì thế nhân cách của đứa trẻ ngày một định hình theo chiều hướng xấu và đâm ra thành thói quen. Từ chuyện nhỏ nhặt ấy, nó đi quá giới hạn và trở nên to tát, đến lúc ấy rất khó sửa đổi và điều chỉnh.

Để con cái lớn lên là một người tốt, sống có văn hóa, đạo đức thì ngay từ lúc tấm bé, cha mẹ cần phải biết quan tâm đến con mình từ những điều nhỏ nhặt. Qua đó, sàng lọc những điều tích cực thì ủng hộ, còn những chuyện có chiều hướng tiêu cực thì nên chỉnh sửa ngay để con biết đó là thói xấu mà sửa đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ