Dạy con đúng cách

GD&TĐ - Nuôi dạy con cần có sự bình tĩnh và tỉnh táo, đó là lời khuyên của các nhà khoa học giáo dục. Những cha mẹ nào để cảm xúc dẫn dắt quá trình nuôi dạy con sẽ thiếu sự bình tĩnh, sáng suốt. Nếu không vận dụng lý trí, bạn sẽ không đủ kiên nhẫn để hành xử thấu tình đạt lý, không biết lắng nghe sự thật để xử lý và giải quyết vấn đề…

Dạy con đúng cách

Nguy hiểm khôn lường khi sai cách

Con trai chị Hồng Hà (ngõ 44 - phố Hào Nam - Hà Nội) cả tháng nay vật mình vật mẩy với mẹ vì chiếc xe máy. Chị Hà bắt ép, quát mắng rồi ngọt ngào tỉ tê thuyết phục mãi cũng chẳng ăn thua. Lúc mẹ mắng thì thằng bé 17 tuổi vùng vằng, cãi lại nhiều khi rất hỗn láo.

Thấy mẹ ngọt ngào nín nhịn thì nó đưa ra yêu sách, nói rằng chỉ đi học khi có xe máy. Phải nhượng bộ con dù nhà rất gần trường, thâm tâm chị chỉ mong con kiếm được mảnh bằng phổ cập THPT rồi sau này tính tiếp, chị buồn tủi vừa tâm sự với em gái chồng vừa khóc.

Cô em chồng đã chứng kiến nhiều lần chị dâu “đầu hàng” thằng cháu trai của mình rồi nên chỉ biết thở dài, kết luận: Chị quá chiều con, không cứng rắn nên con mới hư thế này.

Trước đây, con còn bé, mỗi lần con ngã, va vào đâu đau mà khóc là chị dỗ con nín bằng cách đánh vào cái chỗ đó và nói nó hư, nó làm ngã.

Khi cho con ăn cơm thì phải bế đi rong khắp ngõ, vào cả nhà hàng xóm dỗ dành mới hết được bát cơm. Con hờn giận quăng đồ chơi đi thì mẹ lại tích cực nhặt lên cho con ném tiếp, cho con cười…

Thằng cu được mẹ nuông quá, đâm ra khó bảo, ương ngạnh. Lên 4 tuổi đi mẫu giáo thì cả tuần chị nghe cô phàn nàn con toàn giành đồ chơi với bạn, không được bạn nhường cái gì là cấu véo hoặc lăn ra khóc ăn vạ giữa lớp.

Từ học lực khá tiều học, rồi trung bình THCS… nhưng lên THPT thì cậu con trai làm cho mẹ khóc rất nhiều. Tháng nào chị Hà cũng bị cô giáo gọi đến trường trao đổi vì tội của con, hết bỏ bê bài tập, nói chuyện xúi giục bạn bè mâu thuẫn, rồi đánh nhau… 2 lần con vô kỷ luật suýt bị đuổi học, chị Hà bạc tóc từng đêm. Anh Nghĩa chồng chị có thị uy, quát mắng thì thằng bé lại cãi chày cái bửa…

Đồng hành dẫn dắt, làm gương cho con

Theo các chuyên gia giáo dục, các bậc phụ huynh cần xác định mục đích cao nhất và cuối cùng trong việc nuôi dạy con cái là tạo nền tảng cho con có thể đương đầu với những thử thách và thích nghi với hoàn cảnh của cuộc sống.

Ai cũng có cuộc đời của mình và con cái được phát triển đúng tiềm năng sở trường, có khả năng tự chủ, độc lập thì tức là đã nuôi dạy thành công. Tư duy đúng của bố mẹ: Đồng hành và dẫn dắt, làm gương cho con, nếu bố mẹ sai thì nghiêm túc xin lỗi, giữ lời hứa với con.

Nếu không hiểu con thì cũng khó có thể lái con hoặc nắn chỉnh con theo hướng đúng đắn. Con cái học hỏi để lớn khôn, trưởng thành trong sự biến động không ngừng nghỉ của cuộc sống thì cha mẹ cũng phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu áp dụng những kiến thức mới và phù hợp vào trong lĩnh vực giáo dưỡng con cái.

Theo thạc sĩ Lã Thị Linh Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - GD phân tích thì các bố mẹ thường có một phản ứng khá giống nhau trước những hành vi khó ưa của con như: La hét, bướng bỉnh, không nghe lời, đó là quát mắng con để tạo ra uy quyền, sử dụng đòn roi để con chặn đứng những hành vi khó ưa. Thậm chí thỏa hiệp với con, hứa hẹn những thứ con muốn hoặc lảng tránh, lờ đi như không biết.

Những phản ứng trên chứng tỏ bố mẹ không thể kiểm soát được cảm xúc của chính mình và bất lực trước hành vi của con.

Lời khuyên mà chuyên gia tư vấn Linh Nga dành cho các bậc phụ huynh thường xuyên phải đau đầu trước những rắc rối khó chịu, những hành vi bướng bỉnh của con: Đừng nổi điên khi con không nghe lời, cho đến khi bạn bắt đầu dừng lại những hành động của mình và đếm 1-2-3. Đếm 1-2-3 để trấn tĩnh, làm chủ “chiến sự”, cố gắng hiểu được suy nghĩ của con, lý giải tại sao chúng lại có hành động như vậy. Đó là chiến lược đơn giản nhưng đem lại hiệu quả to lớn cho các bậc phụ huynh có con từ 2 - 12 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ