Dạy con đúng cách thật khó

GD&TĐ - Khi xã hội phát triển, các gia đình có điều kiện hơn về vật chất nhưng số lượng trẻ trong một gia đình lại ít đi. Điều đó cũng đồng nghĩa sự ưu tiên dành cho con cái trong cuộc sống của bố mẹ ngày càng lớn hơn. 

Dạy con đúng cách thật khó

Tuy nhiên vì hiếm con cái mà nhiều gia đình đang chiều chuộng trẻ một cách vô điều kiện, thái quá... khiến trẻ trở nên thụ động, ỷ lại, thiếu kĩ năng sống và không toàn vẹn về nhân cách.

Chiều chuộng – Yêu hay hại con?

Ở nhiều gia đình hiện nay, sự cưng chiều con trẻ đã thể hiện thái quá từ khi bé lọt lòng. Tại gia đình anh Bình (Ba Đình– Hà Nội), bé Đức ra đời là tâm điểm chú ý, sự hân hoan của hai bên nội ngoại bởi bé là cháu “đích tôn”. Bé như cục vàng được cả ông bà, bố mẹ chăm từng li từng tí. Từ việc uống loại sữa đắt tiền nhất, đến đồ chơi, áo quần cũng phải xịn nhất.

Lớn lên chút ít, mọi đòi hỏi của Đức đều trở thành mệnh lệnh với gia đình. Mỗi khi bé la khóc hay vấp ngã thì cả gia đình cuống cuồng chạy lại kẻ xoa người nịnh. Mới lên 5 tuổi nhưng Đức đã cãi người lớn, ương ngạnh không sợ và không chịu nghe lời. Đáng lo ngại, mọi hành động, biểu hiện đó đều được bỏ qua.

Mỗi buổi sang ngủ dậy để tới lớp đối với gia đình Đức như một cuộc vận động của những người lớn chạy xung quanh bé. Người gọi, nâng dậy, người lau mặt, chuẩn bị đồ ăn, nước uống ngay tại bàn… bé chỉ việc thực hiện như một cái máy. Ăn xong, bố mẹ lại thay quần áo, xỏ dép vào tận chân để bé bước ra khỏi nhà tới trường.

Với bé Mai Hương con chị Hiền ở Cầu Giấy – Hà Nội cũng là trường hợp chịu tác động của sự chiều chuộng. Hương quấn mẹ vô cùng bởi việc gì cũng có mẹ làm giúp, từ việc vệ sinh cá nhân tới mọi việc trong gia đình, học tập. Chính vì vậy, mỗi khi mẹ bước chân ra khỏi nhà bé nhằng nhẵng đòi đi theo.

Hương không thích chơi cùng các bạn trong khu tập thể, đi đâu cũng muốn được bố mẹ bế bồng, lên 4 tuổi gia đình mới quyết tâm cho bé theo học trường mầm non. Thế nhưng, mỗi ngày đi học như một sự thử thách tinh thần với cha mẹ Hương khi bé luôn miệng khóc và nói: Con không đi học, con ở nhà với mẹ; Mẹ ở nhà với con, con sợ đến lớp.

Diễn bài đó không thành công, sau một tuần bé lại điệp khúc con đau bụng, buồn nôn trước khi tới lớp. Cho đi khám, xét nghiệm thì bác sĩ không tìm ra bệnh. Đến khi cho con đi kiểm tra tâm lý, gia đình chị Hiền mới ngã ngửa người vì con mắc hội chứng bám mẹ.

Với nhiều cậu ấm, cô chiêu trong gia đình có điều kiện, được bố mẹ cho tiền tiêu từ khi nhỏ đến khi sớm có thói quen mọi chuyện bằng tiền. Nhiều em đã dùng tiền để thuê bạn làm bài tập, bạn sách cặp, chép bài trong giờ; hoặc với học sinh ở lớp lớn hơn dùng tiền để thuê người đến họp phụ huynh, gặp mặt nhà trường khi gây ra lỗi lầm.

Nhiều học sinh mới học cấp THPT nhưng đã được bố mẹ tặng xe máy xịn SH, Spacy… để đi tới trường, cùng đó là điện thoại di động Iphone, Ipat. Và hệ lụy tất yếu của sự chiều chuộng vô điều kiện đã biến các em trở trở thành người ỷ lại, hỗn hào, không tự chăm lo được cho bản thân mình, các kĩ năng sống bị thiếu hụt trầm trọng.

Để con nên người

Theo phân tích từ các nhà tâm lý, khi xã hội càng phát triển cùng việc mỗi gia đình chỉ có ít con nên cha mẹ đang chiều chuộng, nâng niu một cách thái quá và thậm chí mù quáng. Chính vì vậy, trong gia đình và nhà trường đang xuất hiện nhiều hội chứng từ con trẻ do việc nuông chiều như: Cục vàng; Ông trời; hoặc tính nết Chí phèo…

Xu hướng chiều con của phụ huynh cũng xuất phát từ quan niệm, suy nghĩ đời mình không được sướng thì phải bù đắp cho trẻ khỏi thiếu thốn. Mặt khác, cũng có phụ huynh cho rằng, đáp ứng được mọi đòi hỏi từ vật chất đến tinh thần sẽ đem lại hạnh phúc, sự tự tin… cho trẻ.

Thế nhưng các bậc phụ huynh đâu biết rằng chiều con trẻ một cách vô tội vạ là có lỗi, có tội với trẻ. Bởi quá trình được chiều sẽ biến trẻ thành những ông tướng con trong nhà. Trẻ sẽ hình thành lối sống đòi hỏi, bỏ qua những suy nghĩ, cảm xúc của người khác mà không biết sẻ chia, nhường nhịn ai cho dù đó là bố mẹ mình. Cũng vì được cưng chiều quá mức nên với bạn bè trẻ luôn thích tỏ ra chơi trội, hiếu thắng và ăn vạ từ đó tạo cảm giác khó chịu, khó gần đối với người xung quanh.

Khi nhỏ là như vậy, còn khi trẻ lớn lên khó tránh khỏi sự hình thành ý nghĩ nhu cầu, ước vọng và ý kiến của chúng phải là quan tâm hàng đầu của mọi người và dần trở nên ích kỷ.

Các nhà xã hội học đã và đang cảnh báo về mô hình một đứa con với bố mẹ và 4 ông bà nội ngoại đang trở thành phổ biến trong xã hội hiện đại. Nhưng sự quan tâm, nuông chiều một cách thái quá đã khiến những đứa trẻ này không thể lớn lên, hình thành nhân cách và luôn luôn trong vòng tay mẹ. Và không phải người lớn nào cũng ý thức được rằng, mình đang làm hại con chứ không phải thương con.

Không hiếm những gia đình, khi sinh ra được một cậu con trai, đã dành gần như toàn bộ thời gian và sức lực để chăm chút cho cục cưng bé bỏng ấy, để rồi đến khi trưởng thành, phải quyết định những ngã rẽ của cuộc đời, đứa trẻ ấy không biết mình phải lựa chọn con đường nào.

Quan tâm đến con, lo lắng cho con trong từng chặng đường đi là tình cảm của người làm cha làm mẹ. Nhưng để con tự tin vững vàng bước vào cuộc sống, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn và là chỗ dựa cho gia đình thì rất cần sự uốn nắn, tạo cho con thói quen tự lập hơn là cứ nâng niu chúng như những viên ngọc

Chỉ có sự mài rũa, nuôi dạy đúng cách từ phía gia đình, cha mẹ mới giúp hình thành nên một đứa trẻ ngoan, một con người trưởng thành trong xã hội. Càng ấp ôm, chiều chuộng thì đứa trẻ khó hình thành được nhân cách, trở thành người bình thường ở tương lai sau này.

Chiều chuộng thái quá đồng nghĩa bố mẹ đã đẩy con bước vào đời với một nhân cách không toàn vẹn. Đứa trẻ hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng chây ì, lười biếng, hư hỏng, thiếu tự chủ hoặc trở thành gà công nghiệp không biết lo cho cả bản thân mình. Khi lớn lên, trước những thất bại đứa trẻ sẽ quay sang oán trách bố mẹ.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ