Dạy con chọn “người khổng lồ” phù hợp: Để sách dẫn dắt trẻ vào đời

GD&TĐ - Trong thời đại bùng nổ thông tin, sách, báo rất phong phú, đa dạng. Càng ngày, khối lượng sách càng lớn trong khi khả năng tiếp thu của trẻ là có hạn. Vì vậy, cha mẹ cần đóng vai trò là người chọn sách giúp con.

Trẻ có thể đọc sách từ khi còn trong bụng mẹ. Ảnh minh họa.
Trẻ có thể đọc sách từ khi còn trong bụng mẹ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần giúp con phân biệt đâu là những cuốn sách dễ, vừa và khó. Việc chọn sách phù hợp sẽ giúp trẻ nâng cao kỹ năng. Trái lại, những cuốn sách quá khó sẽ khiến trẻ sợ đọc sách.

Không để sách thành con dao hai lưỡi

Đối với người lớn, sách bổ sung lượng kiến thức cần có để hoàn thiện tri thức. Trong khi đó, sách sẽ mở rộng thế giới quan và tích lũy vốn kinh nghiệm phong phú cho trẻ.

Theo các chuyên gia, đối với thiếu nhi, nhận thức của các em còn non nớt, khả năng phân biệt tốt - xấu ở mức độ thấp. Vào độ tuổi này, sách với trẻ như con dao hai lưỡi. Sách có thể xây dựng tư tưởng, đạo đức, giáo dục những phẩm chất tốt. Song, chúng cũng có thể khiến các em có những nhận thức, hoặc đánh giá sai lệch về nhiều vấn đề.

Chính vì lẽ đó, đối với trẻ em, việc đọc sách được cho là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, ở lứa tuổi này, phạm vi hoạt động của trẻ còn hẹp. Trẻ chưa có sự tiếp xúc xã hội nhiều. Do đó, sách được coi là cầu nối giúp các bé hoàn thiện hơn.

Từ khi phụ nữ mang thai ở tháng thứ sáu, cha mẹ được khuyến khích đọc sách và trò chuyện cùng trẻ để tăng vốn ngôn ngữ cho con. Ở giai đoạn này, nội dung của những cuốn sách không quan trọng. Điều cần thiết hơn cả là việc cha mẹ đều đặn dành cho con những khoảng thời gian nhất định trong ngày. Nhờ đó, có thể cùng con đọc sách, giúp trẻ hình thành thói quen này từ sớm.

Các chuyên gia cho rằng, khi con đã lớn hơn, cha mẹ có thể chọn những cuốn sách đơn giản, nhiều màu sắc bước đầu để thu hút tình yêu sách ở trẻ. Đặc biệt, nên chọn những cuốn sách chất lượng, giữ được lâu để con có thể vừa đọc vừa chơi trong thời gian dài.

Theo chị Hoàng Hồng - một phụ huynh tại TPHCM, bé Kun nhà chị được gia đình cho làm quen với sách từ nhỏ. Từ 3 - 9 tháng tuổi là giai đoạn trẻ khám phá. Do đó, phụ huynh có thể để con làm quen với thơ. Cần lưu ý, sách nên có bìa cứng để trẻ không thể làm rách.

Khi con bước vào giai đoạn lắng nghe và tò mò (10 - 18 tháng tuổi), chị Hồng chú trọng chọn những cuốn sách về động vật và có màu sắc bắt mắt. Ngoài ra, những quyển sách kỹ năng cũng là một lựa chọn hay cho các phụ huynh. Nhờ đó, giúp trẻ có thể học hỏi những kỹ năng cần thiết.

Kể từ khi trẻ 19 tháng tuổi, chị Hồng gợi ý, các cha mẹ có thể chọn sách có chủ đề đa dạng. Ở giai đoạn này, trẻ đang hoàn thiện khả năng ngôn ngữ. Do đó, sách sẽ trở thành “công cụ” giúp con tăng vốn từ.

Chia sẻ về việc dạy con đọc sách, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nhấn mạnh, phụ huynh có thể lựa chọn sách có chủ đề về xã hội, con người, lòng biết ơn, sẻ chia... Phụ huynh nên “ưu tiên” những cuốn sách nói về tình cảm, yêu thương.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng lưu ý rằng, giờ đọc sách hằng ngày vô cùng quan trọng. Nếu con chưa biết chữ, cha mẹ có thể đọc sách cho trẻ nghe. Nếu con biết chữ, các thành viên trong gia đình có thể thay phiên nhau đọc. Điều quan trọng là cần tóm tắt nội dung theo ý hiểu của mình sau khi đọc sách.

“Bắt buộc phải đặt ra câu hỏi cho nhau và thảo luận các vấn đề tích cực, đào thải vấn đề tiêu cực, ứng dụng cho bản thân thế nào. Biến giờ đọc sách thành giờ nuôi dưỡng tâm hồn. Trong trường hợp con bận học quá, không thể đọc trong tuần, cha mẹ hãy cố gắng để tối thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật trở thành thời gian ngồi đọc sách, thảo luận với con”, chuyên gia Phạm Hiền cho biết.

Một yếu tố quan trọng khác là cha mẹ cần thường xuyên tâm sự với trẻ. Bà Phạm Hiền chia sẻ, nhiều phụ huynh “than phiền” rằng, con không trả lời những câu hỏi của cha mẹ. Song, đây có thể là do phụ huynh hạn chế hỏi chuyện con.

Do đó, cha mẹ cần làm bạn với con, chủ động kể về câu chuyện trong ngày của bản thân. Khi cha mẹ chủ động chia sẻ, tâm sự, cùng con thảo luận, gợi mở, trẻ sẽ phát triển khả năng suy nghĩ và sẵn sàng tâm sự với cha mẹ. 

Đừng “ngại” thử thách

Bà Chrismae Laolao - giáo viên Ngữ văn Anh của Trung tâm Anh ngữ quốc tế Everest Education chia sẻ, phụ huynh có thể áp dụng chiến thuật “Goldilocks” để giúp con chọn sách. Cụ thể, chiến lược này có 3 cấp độ: Quá khó, quá dễ và vừa phải. Khi đọc một cuốn sách, cha mẹ có thể hỏi con một vài câu để phân loại cuốn sách nằm trong cấp độ nào. Cấp độ nào nhận lại hầu hết câu trả lời của con là “Có”, nghĩa là khả năng cao, cuốn sách sẽ rơi vào cấp độ đó.

“Những quyển sách “Quá dễ” là những cuốn trẻ có thể dễ dàng đọc thật trôi chảy, cha mẹ có thể thay phiên đọc cùng con hoặc để con tự đọc hoàn toàn. Những cuốn sách “Quá dễ” cho phép trẻ tập trung vào ý nghĩa của câu chuyện và suy nghĩ kỹ hơn về tình tiết và các nhân vật trong cuốn sách. Tuy nhiên, sách “quá dễ” không giúp ích nhiều trong việc cải thiện kỹ năng đọc của trẻ”, bà Laolao cho biết.

Nữ giáo viên gợi ý một số câu hỏi cho thấy đây là cuốn sách “Quá dễ”: Con từng đọc cuốn sách này bao giờ chưa? Con có hiểu rõ câu chuyện trong sách không? Con có hiểu tất cả các từ có trong sách không? Con có thể tự đọc nó dễ dàng và thật trôi chảy không?

Trái lại, trẻ thường mất nhiều thời gian hơn khi đọc những cuốn sách “Quá khó”. Nếu gặp khó khăn với từ vựng, con cũng sẽ khó nắm bắt được ý nghĩa hay nội dụng câu chuyện.

Để nhận biết con đang cảm thấy cuốn sách quá khó, phụ huynh có thể sử dụng một số câu hỏi như: Con có hứng thú với cuốn sách này không? Con có thấy nội dung cuốn sách khó hiểu không? Câu chuyện vẫn hơi khó hiểu, mặc dù con đã đọc lại đúng không? Con có muốn bố mẹ giúp con đọc cuốn sách này không?

Bà Laolao cảnh báo, việc để trẻ đọc nhiều sách “Quá khó” sẽ có hại nhiều hơn là lợi. Nhiều trẻ em không thích đọc sách, bởi đó là việc quá khó và dễ gây chán nản.

“Những cuốn sách “Vừa phải” – không quá khó cũng không quá dễ, sẽ giúp trẻ học được nhiều điều nhất. Bởi, con có thể hiểu được hầu như mọi từ vựng cũng như nội dung của cuốn sách. Những cuốn sách này cũng có thể hơi phức tạp một chút để con có thể thử áp dụng các kỹ năng đọc sách mà mình đã học, như đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh, phân loại sách và dự đoán cốt truyện”, nữ giáo viên chia sẻ.

Cha mẹ có thể hỏi một số câu để biết con cảm thấy vừa khi đọc một cuốn sách. Phụ huynh có thể hỏi: Cuốn sách này có mới với con không? Con có hiểu được ý chính của câu chuyện không? Chỉ có một vài từ là con không biết thôi đúng chứ? Khi con đọc, có một vài chỗ dễ đọc và một vài chỗ hơi khó đọc đúng không? Bằng cách đọc những cuốn sách “Vừa phải”, trẻ sẽ phát triển được kỹ năng đọc và học cách tư duy độc lập hơn.

Bên cạnh đó, nữ giáo viên này cũng gợi ý quy tắc “Năm ngón tay”. Theo đó, cha mẹ có thể đưa con đi mua sách và giúp trẻ tìm được cuốn con thấy hứng thú. Sau đó, hãy để con đọc một trang bất kỳ. Mỗi lần có một từ không hiểu, con sẽ giơ 1 ngón tay. Khi con đọc hết trang sách, cần xem con đã giơ bao nhiêu ngón tay.

Nếu trẻ giơ một ngón tay, con hoàn toàn có thể tự đọc cuốn sách này mà không cần ai trợ giúp. Trong khi đó, con vẫn ổn nếu chỉ có 2 từ con không biết trên một trang sách khi trẻ giơ hai ngón tay. Với trường hợp con giơ ba ngón tay, trẻ có thể sẽ cần ai đó hỗ trợ đọc cuốn sách này. Nếu con giơ trên bốn ngón tay, cuốn sách có thể quá khó với trẻ. Khi đó, cha mẹ có thể giúp con đọc hoặc gợi ý đổi sang cuốn khác.

“Đôi khi, chúng ta vẫn có thể cho phép trẻ đọc những cuốn sách khó hơn trình độ của con nếu trẻ thực sự hứng thú với nội dung của cuốn sách đó. Để đọc sách tốt, trước tiên cần có sự hứng thú. Do vậy, nếu trẻ khăng khăng muốn đọc bất kỳ cuốn sách nào dù nó “quá khó” hay “quá dễ”, hãy để con đọc. Động lực và kiến thức nền tảng đóng vai trò rất quan trọng đối với việc đọc sách. Có thể cho phép con đọc một cuốn sách, dẫu con giơ đến 6 ngón tay”, bà Laolao cho biết.

Nếu con không hiểu hết các ý có trong sách nhưng vẫn nắm được nội dung chính, phụ huynh có thể khuyến khích trẻ đọc lại. Sau đó, giúp con giải thích những phần chưa rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ