Mô hình giáo dục khá cởi mở ở đầu vào, chặt chẽ đầu ra này ngày càng khẳng định vị thế khi sản sinh những lứa sinh viên “chất lượng ngoại, giá nội”, được thị trường lao động săn đón.
Được học bổng Mỹ vẫn chọn du học Việt Nam
Xu hướng quốc tế hóa, nhiều trường đại học chuẩn quốc tế, các chương trình liên kết giữa trường đại học công lập của Việt Nam và nước ngoài được hình thành. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu khiến các vị phụ huynh chuyển hướng tìm kiếm những lựa chọn chất lượng khác thay thế việc cho con xuất ngoại du học.
Sau khủng hoảng dịch bệnh, một lượng lớn du học sinh Việt Nam đã trở về nước và theo học tại các trường đại học tại quê nhà thay vì quyết tâm bám trụ lại nước ngoài.
Nguyễn Đức (quận Hồng Bàng, Hải Phòng), cựu du học sinh tại Mỹ chia sẻ lý do về nước và học tại trường quốc tế RMIT dù đã tốt nghiệp cấp 3 tại Mỹ và nhận được giấy nhập học từ nhiều trường đại học.
“Em và gia đình cân nhắc rất nhiều trong việc từ chối các lời mời nhập học tại Mỹ để trở về Việt Nam. Bên cạnh vấn đề dịch bệnh, lý do chính để trở về có lẽ vì điều kiện học tập tại (các trường quốc tế) Việt Nam hiện nay không quá khác biệt với nước ngoài. Thậm chí, em sẽ có nhiều lợi thế hơn trong công việc về sau. Em thích ngành sales và khả năng giao tiếp tốt nhưng em cũng hiểu những ngành này tại Mỹ rất cạnh tranh,rất khó kiếm được công việc thực sự tốt sau khi tốt nghiệp. Tại Việt Nam, cơ hội phát triển của em nhanh hơn và thuận lợi hơn. Với các chương trình thực tập thực tế do trường kết hợp với các doanh nghiệp, em có thể đi làm cho các tập đoàn lớn ở Việt Nam ngay khi còn đang học đại học”.
Còn Phạm Hà Thanh (quận Ba Đình, Hà Nội) nhận học bổng trực tiếp từ nhiều trường đại học ở Australia và quyết định theo học Thạc sỹ Luật tại Trường University of Queensland. Tuy nhiên, do Australia đang đóng cửa biên giới với du học sinh do dịch, nên Hà Thanh đã lựa chọn học online một kỳ tại Việt Nam trước khi có thể sang Australia. Đây không phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng Thanh tự tin với quyết định này.
Hà Thanh tâm sự: “Nhiều người nghĩ du học là phải ra nước ngoài. Khi nhận được học bổng, em cũng rất háo hức được xuất ngoại. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên em dành thời gian du học tại chỗ. Ngoài việc học online với giáo sư bên Úc, em nhận thêm những công việc liên quan đến lĩnh vực của mình, kết nối với đồng nghiệp trong ngành và tham gia các dự án do đồng nghiệp hay thầy cô giới thiệu. Trong giai đoạn “du học” tại Việt Nam, em có thêm nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè và du lịch để khám phá những điều chưa biết”.
“Em nghĩ, không quan trọng là du học nước ngoài hay trong nước mà điều quan trọng nằm ở chính du học sinh. Nếu biết tận dụng các cơ hội, chúng ta có thể học được nhiều điều và phát triển bản thân ở ngay chính đất nước mình”, Hà Thanh cho hay.
“Điểm cộng” cho sự… “thiệt thòi”
Mục đích chính của du học không chỉ nằm ở “bằng cấp quốc tế”. Quan trọng hơn là giúp các bạn trẻ có thêm góc nhìn và kinh nghiệm sống ở các nước khác nhau để mở mang đầu óc, biết đến những giá trị, kiến thức tiến bộ của quốc tế.
Tiến sĩ - Luật sư Victor Trần (nhà sáng lập Diễn đàn Giáo dục và Sự nghiệp pháp lý Việt Nam), người có nhiều năm học tập và làm việc ở các trường đại học nước ngoài chia sẻ, du học tại chỗ là một lựa chọn rất đáng cân nhắc khi giáo dục Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua.
Theo Tiến sĩ - Luật sư Victor Trần: “Trước đây, ở thế hệ của tôi (8X), Việt Nam vẫn chưa có các trường quốc tế và gần như không có thế hệ giảng viên/giáo sư chuyên ngành được đào tạo ở các nước Âu - Mỹ. Vì vậy, đi du học là cách duy nhất để tiếp cận với những kiến thức cao cấp của phương Tây và trải nghiệm môi trường, văn hóa, cuộc sống ở các nước phát triển.
Hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta đã khác trước rất nhiều. Thế hệ trẻ được tiếp xúc với công nghệ, Internet, và mọi khái niệm thuộc thế giới “phương Tây” mà trước đây thế hệ chúng tôi chỉ biết qua phim ảnh, sách báo. Nhận thức và hiểu biết về cuộc sống của người trẻ Việt không còn nhiều chênh lệch so với các nước giàu và phát triển hơn chúng ta. Du lịch hay các chương trình trao đổi ở đại học cũng là cách các bạn gia tăng trải nghiệm về văn hóa và cuộc sống ở nước khác”.
Với các phụ huynh hoặc các bạn trẻ do điều kiện gia đình không cho phép hoặc không phù hợp đi nước ngoài trong một thời gian dài thì có thể cân nhắc lựa chọn hình thức du học tại chỗ.
Có hai hình thức du học tại chỗ. Một là, các bạn học tại các trường đại học quốc tế tại Việt Nam hoặc tham gia các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài (của các trường công lập). Hai là, các bạn chấp nhận học online các chương trình ở đại học nước ngoài một thời gian cho đến khi hết dịch bệnh để chuyển tiếp sang nước ngoài.
Mặc dù về trải nghiệm các bạn sẽ thiệt thòi hơn khi du học ở nước ngoài, du học tại chỗ vẫn có khá nhiều những lợi thế và điểm cộng.
Về cuộc sống, các bạn vẫn nhận được sự hỗ trợ của phụ huynh, không phải xa gia đình và bạn bè, nhất là khi cuộc sống của du học sinh ở nước ngoài (châu Âu hay Mỹ) trong điều kiện dịch bệnh hiện nay là hết sức khó khăn.
Về chi phí, các bạn tiết kiệm được một khoản đáng kể cho gia đình và chính bản thân khi không sinh sống ở nước ngoài.
Về đầu ra, các bạn vẫn có bằng quốc tế và quan trọng hơn, các bạn có nhiều cơ hội thực tập và xây dựng các mối quan hệ trong công việc trước và ngay sau khi tốt nghiệp ở đất nước của mình.
Với những lợi thế như vậy, hiện du học tại chỗ đãtrở thành lựa chọn đáng cân nhắc đối với các bậc phụ huynh và các bạn trẻ.