Bền bỉ, nhiều giải pháp
Thầy Nguyễn Đăng Bồng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk) cho biết với đặc thù trường chuyên, học sinh ngoan ngoãn, nền nếp, nhiều năm qua không xảy ra vụ bạo lực nào trong trường học hoặc liên quan tới học sinh nhà trường. Tuy nhiên, điều đó không làm cho nhà trường chủ quan hoặc xem nhẹ công tác giáo dục đạo đức, lối sống học sinh. Ngược lại đây là vấn đề được nhà trường đặc biệt quan tâm.
Trước hết, trường thông qua nâng cao chất lượng dạy học môn Giáo dục công dân để giáo dục đạo đức học sinh. Cùng đó, tích hợp các nội dung, hoạt động giáo dục đạo đức lối sống để lồng ghép dạy trong các tiết ngoại khóa, sinh hoạt trong lớp, toàn trường cũng như một số môn học phù hợp để nâng cao ý thức, lý tưởng...
“Việc không xảy ra tình trạng bạo lực học đường đối với học sinh nhà trường đã chứng tỏ các nội dung, hoạt động giáo dục đạo đức lối sống phù hợp, phát huy hiệu quả…”, thầy Bồng khẳng định.
Tuy nhiên, theo thầy Bồng do 2 năm gần đây dịch bệnh diễn ra liên tiếp, các hoạt động giáo dục đạo đức học sinh có ảnh hưởng, gián đoạn nhất định. Nhà trường chưa mời được chuyên gia giáo dục trao đổi trực tiếp; hay giáo dục thông qua hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa cũng chưa thể triển khai.
Năm học này khi học sinh trở lại trường lớp bình thường, nhà trường sẽ đẩy mạnh giáo dục đạo đức học sinh qua các hình thức để tăng cường hiệu quả, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh…”, thầy Bồng cho biết.
Tại Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) vấn đề giáo dục đạo đức lối sống học sinh đã và đang được tăng cường triển khai theo các văn bản, hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Đặc biệt, theo cô Tô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trong thời gian dịch bệnh nhà trường vẫn tổ chức được những cuộc thi online tìm hiểu các vấn đề lịch sử; thi về an toàn giao thông. Không những thế giáo viên còn tích cực lồng ghép các vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống, luật an toàn mạng… vào các môn học phù hợp để tăng cường hiệu quả giáo dục.
Với Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) giáo dục đạo đức, lối sống học sinh không chỉ dừng lại ở những buổi sinh hoạt dưới cờ mà trường còn tổ chức vào các buổi sinh hoạt truyền thống, lồng ghép trong môn học, tiết sinh hoạt; Nhiều chương trình thực tế giáo dục học sinh tình nhân ái, yêu thương con người, nói không với bạo lực học đường; Các buổi sinh hoạt, trao đổi do Đoàn thanh niên tổ chức đã giúp cho học sinh có cơ hội trao đổi quan điểm xung quanh vấn đề đạo đức, lối sống…
Mỗi nhà trường cần bền bỉ với công tác giáo dục đạo đức học trò. |
Cô Cao Thanh Nga, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) còn cho biết, nhà trường luôn quan tâm đến học trò, do đó thông điệp “Bất kỳ khi nào học sinh khúc mắc trong giao tiếp với bạn, khó dung hòa… đều có thể trao đổi với thầy cô chủ nhiệm hoặc Ban giám hiệu để tìm ra biện pháp, giải pháp hỗ trợ tốt nhất, hạn chế tối đa xung đột bạo lực...”.
Giáo dục đạo đức thường xuyên, liên tục
Theo quan điểm của cô Nguyễn Hồng Hải, giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội): ngày nay học sinh được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, điều kiện sống, sinh hoạt, cập nhật thông tin đa đạng, sẵn sàng… thì giáo dục đạo đức, lối sống cần đặt lên hàng đầu, thường xuyên liên tục với dạy học kiến thức.
“Khi học sinh biết chấp hành nội quy trường học, biết nghe lời thầy cô, hiểu và “ngấm” những bài giảng về sự nhân ái, bao dung, biết cách giải quyết vấn đề bản thân linh hoạt hợp lý… thì mới có thể tập trung học tập tốt. Giáo dục đạo đức là nền tảng quan trọng để học sinh phát triển toàn diện...”.
Cô cũng khẳng định, giáo dục đạo đức là nền tảng quan trọng giúp học sinh có nền nếp, ý thức tốt. Đặc biệt, học sinh sẽ hình thành thói quen chấp hành nội quy và không cho phép mình vi phạm pháp luật.
Nâng cao chất lượng, nội dung khi giáo dục đạo đức, lối sống học trò. |
Trao đổi về tâm lý lứa tuổi học trò, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, khoa tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) chỉ ra ngày càng nhiều học sinh hiếu thắng, cá tính, con một được nuông chiều… Vì lẽ đó các em luôn coi mình như “rốn” vũ trụ, là số 1. Đôi khi chỉ vì một lời nói trái ý, một ý kiến phản biện, ánh mắt nhìn thiếu thiện cảm… từ học sinh khác cũng làm xảy ra xung đột, mâu thuẫn.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng bày tỏ: Việc xung đột trong học sinh khó tránh khỏi tuy nhiên khi đã xảy ra thì nhà trường, thầy cô phải có ngay biện pháp can ngăn để đảm bảo an toàn cho các em. Hơn thế, học trò có lỗi tới đâu thì giáo viên cũng cần ngồi lại phân tích giúp các em biết lỗi để chủ động thay đổi. Nhà trường cần có nhiều biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp các em biết nhận lỗi và sửa lỗi chủ động...