'Dạy chay' giáo dục địa phương, giáo viên chủ động linh hoạt

GD&TĐ - Môn học Giáo dục địa phương chưa có tài liệu chính thức hoặc giáo viên giảng dạy bằng file PDF khiến nhiều địa phương gặp khó khăn.

Học sinh Trường THCS Gò Xoài tìm hiểu kiến thức về địa phương tại thư viện trường.
Học sinh Trường THCS Gò Xoài tìm hiểu kiến thức về địa phương tại thư viện trường.

Để khắc phục khó khăn trên, một số trường ưu tiên chuyên đề, hoạt động giáo dục trong học kỳ I.

Gần nửa học kỳ “học chay”

Giáo dục địa phương là môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Môn học này cung cấp cho học sinh kiến thức hữu ích về nơi sinh sống; bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần xây dựng đất nước.

Ở cấp tiểu học, nội dung Giáo dục địa phương (GDĐP) được tích hợp với hoạt động trải nghiệm của học sinh. Còn cấp THCS và THPT nội dung này có thời lượng 35 tiết/năm học. Mặc dù là môn bắt buộc, nhưng từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay, khối lớp 3, 7 và 10 tại Kon Tum vẫn chưa có tài liệu GDĐP chính thức để giáo viên dạy và học sinh học.

“Tài liệu GDĐP lớp 3, lớp 7, Sở GD&ĐT Kon Tum biên soạn, được UBND tỉnh phê duyệt và Bộ GD&ĐT thẩm định nên sẽ sớm triển khai chính thức đến các trường. Để đảm bảo chương trình và kiến thức cho học sinh, đơn vị chỉ đạo các trường phân công giáo viên môn Lịch sử, Địa lý… nắm bắt tình hình địa phương, giáo dục các em thông qua hoạt động trải nghiệm, tiết ngoài giờ lên lớp. Khi bộ tài liệu được triển khai về các trường thì nội dung dạy sẽ chi tiết và cụ thể hơn”, ông Hoà nói.

Ông Thái Khắc Hoà, Trưởng phòng GD&ĐT TP Kon Tum cho biết, tài liệu GDĐP lớp 1, 2, 6, các trường trên địa bàn thành phố có sách và tài liệu chính thức ngay từ đầu năm học nên đã triển khai giảng dạy cho học sinh. Riêng lớp 3 và 7, do chưa có sách cũng như file PDF nên giáo viên linh hoạt, chủ động tìm hiểu về văn hoá, lịch sử địa phương để truyền tải đến học sinh.

Tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum), do chưa có tài liệu GDĐP chính thức nên giáo viên của nhà trường chủ động tìm tòi trên mạng Internet và liên hệ thực tế để giảng dạy cho học sinh.

Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chương trình GDPT 2018 đã áp dụng năm thứ 3. Do đó, giáo viên đã được tập huấn về tài liệu GDĐP khi thực hiện chương trình mới đối với lớp 1 và 2. Chính vì vậy, thầy cô dựa trên tài liệu có sẵn, cùng với việc tìm hiểu thêm ở địa phương để vận dụng giảng dạy khối lớp 3.

Từ đầu năm học đến nay, mỗi tháng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện đều lồng ghép, tổ chức hoạt động tập thể gắn với giáo dục địa phương. Bên cạnh đó, mỗi tuần có 1 tiết hoạt động địa phương để học sinh tìm hiểu văn hoá, phong tục tập quán và lịch sử nơi mình sinh sống.

“Những năm trước, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với giáo dục địa phương, như múa xoang, làm rượu ghè… Đây là nét văn hoá truyền thống cũng như bản sắc dân tộc nên học sinh và phụ huynh rất thích thú, nhiệt tình hưởng ứng. Do đó, nhà trường cũng mong tài liệu chính thức sớm được triển khai để giáo viên và học sinh chủ động học tập”, cô Tuyết Mai bộc bạch.

Tương tự, tại TPHCM, tất cả khối lớp đều chưa có sách, tài liệu chính thức về môn học này để giáo viên dạy, học sinh học. Đặc biệt ở 2 khối lớp 7 và 10, hiện nhiều trường chưa thể tổ chức dạy Giáo dục địa phương, trong khi năm học 2022 - 2023 đã qua gần hết nửa học kỳ.

Cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) cho biết, trường mới tổ chức dạy môn Giáo dục địa phương ở khối lớp 6. Căn cứ vào nội dung các chủ đề có trong tài liệu do Sở GD&ĐT TPHCM hướng dẫn, giáo viên phụ trách sẽ soạn chương trình và tổ chức các hoạt động giảng dạy. Nhà trường phân công giáo viên môn Giáo dục công dân và môn Công nghệ thực hiện tiết dạy môn Giáo dục địa phương với thời lượng 1 tiết/tuần.

Tương tự, tại Trường THCS Gò Xoài (huyện Bình Chánh), thầy Phan Minh Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, để chuẩn bị thực hiện chương trình mới, nhà trường đã bố trí giáo viên Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân tham gia tập huấn nội dung chương trình Giáo dục địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, những giáo viên trên mới tham gia giảng dạy ở khối lớp 6, còn khối lớp 7 vẫn chờ. Theo thầy Trung, việc sắp xếp giáo viên các môn học khác kiêm nhiệm là do có sự gần gũi, phù hợp về chuyên môn và sau đó là đảm bảo số tiết nghĩa vụ của giáo viên thực hiện trong tuần theo quy định.

Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp) cũng chia sẻ: “Đội ngũ giáo viên hiện chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý), các môn và hoạt động giáo dục mới (Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương) gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm những môn mới chưa được đào tạo chính quy”.

Giáo viên Kon Tum chủ động, linh hoạt giảng dạy môn Giáo dục địa phương.

Giáo viên Kon Tum chủ động, linh hoạt giảng dạy môn Giáo dục địa phương.

Chờ phê duyệt

Cuối tháng 9/2022, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa GDPT giai đoạn 2020 - 2022, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đối với tài liệu môn Giáo dục địa phương, từ năm 2020, đơn vị đã tổ chức biên soạn, lấy ý kiến các sở, ngành để hoàn thiện cấu trúc nội dung cho từng cấp học theo yêu cầu của chương trình mới, đồng thời gắn với lịch sử phát triển của TP.

“Các khối lớp 1, 2, 3, 6, tài liệu Giáo dục địa phương đã được phê duyệt, nhưng sở không có chức năng in ấn, phát hành nên đã có văn bản đề xuất Bộ GD&ĐT hướng dẫn phương án thực hiện. Sở đã kiến nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn pháp lý cụ thể và chặt chẽ để các địa phương chủ động in ấn và phát hành tài liệu Giáo dục địa phương. Hiện tài liệu cho lớp 7, 10 đã hoàn thành biên soạn trình hội đồng thẩm định, phê duyệt. Sau khi được UBND TP phê duyệt, sở sẽ báo cáo về Bộ GD&ĐT”, ông Quốc cho hay.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum chia sẻ, tài liệu GDĐP lớp 3, 7 và 10 của Kon Tum đang được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt. Theo bà Trung, địa phương đã gửi tài liệu GDĐP từ tháng 6. Tháng 9, Bộ GD&ĐT phản hồi và yêu cầu Kon Tum bổ sung, điều chỉnh một số nội dung trong tài liệu. Địa phương đã bổ sung đang đợi ý kiến từ Bộ GD&ĐT.

“Nếu trong tháng 10, Bộ GD&ĐT phê duyệt thì tháng 11 đơn vị sẽ triển khai để các trường giảng dạy. Hiện Bộ chưa thông qua nên sở không thể triển khai cho các trường giảng dạy bằng file PDF”, bà Trung nói.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, dù chưa có tài liệu GDĐP đến các cơ sở giáo dục cũng không ảnh hưởng nhiều. Bởi Sở đã triển khai, hướng dẫn đến các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục về kế hoạch dạy học ưu tiên chuyên đề, hoạt động giáo dục trong học kỳ I. Kế hoạch dạy học rất linh hoạt nên các trường có thể chủ động triển khai. Sau khi có tài liệu GDĐP chính thức, Sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn chi tiết và không làm ảnh hưởng tới chương trình khung.

Tại Gia Lai, thầy Lê Xuân Chương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trung Trực (huyện Phú Thiện, Gia Lai) cho hay, đối với lớp 7 vẫn chưa có tài liệu GDĐP chính thức. Giáo viên nhà trường giảng dạy, truyền tải kiến thức đến học sinh thông qua file PDF. Theo thầy Chương, mặc dù giáo viên giảng dạy môn GDĐP đã được tập huấn kỹ lưỡng, tuy nhiên khi giảng dạy bằng tệp PDF cũng gặp một số khó khăn. Bởi, giáo viên và học sinh không chủ động nghiên cứu trước bài học. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô phải căn cứ vào tình hình thực tế để nghiên cứu dạy học, truyền tải đến học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ