Dạy bơi trong trường học: Vì sao trẻ biết bơi vẫn đuối nước?

GD&TĐ - Nhiều tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra trong vài năm gần đây lại rơi vào những trẻ biết bơi. Điều này cho thấy, bên cạnh việc dạy bơi hiệu quả, việc đào tạo kỹ năng cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu cho HS hết sức quan trọng.

Diễn tập cứu hộ, sơ cấp cứu và phòng chống tai nạn đuối nước.
Diễn tập cứu hộ, sơ cấp cứu và phòng chống tai nạn đuối nước.

Chủ quan, thiếu kỹ năng

Thực tế rất nhiều HS biết bơi nhưng không có kỹ năng cứu thoát, tự cứu, đặc biệt là kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ đuối nước, dẫn đến chủ quan. Ví dụ, ở Hòa Bình 21/3 đi tắm sông 8 HS chết đuối đều biết bơi.

Tại sao trẻ biết bơi mà vẫn bị đuối nước? Theo các giảng viên môn bơi và tập huấn viên Lê Đức Long (Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh), Nguyễn Văn Lưu (Đà Nẵng), trước hết, do sự chủ quan của trẻ trong môi trường nước. Không có kỹ năng tự cứu và cứu thoát, hoặc hiểu biết không đầy đủ, khi bị đuối nước, nhiều trẻ bấu víu vào nhau, lao xuống cứu bạn nhưng không biết cách và cùng ngạt thở vì nước.

Trên thực tế, đuối nước ở trẻ em có quá nhiều nguy cơ. Nguy cơ mất an toàn không chỉ đến từ ao, hồ, sông, suối, biển… mà còn từ những hố đào tại các công trình xây dựng bị ngập nước. Hố, ao nhân tạo ngập nước, nhưng không có cảnh báo, rào chắn, vô tình trẻ em trượt vào và đuối nước. Thực tế này cần được nhà trường và gia đình chủ động cảnh báo nguy cơ cho trẻ em.

Theo thông tin Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT), một thực tế hiện nay là tai nạn đuối nước xảy ra nhiều đối với trẻ em, học sinh đã biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Nguyên nhân là các em không có kỹ năng an toàn khi bơi, đây là một “khoảng trống” cần được quan tâm và có giải pháp khắc phục.

Học bơi để biết bơi là rất cần thiết, vì bơi lội là môn thể thao rất tốt cho sự phát triển toàn diện về thể chất, thể lực của học sinh. Cùng với việc học bơi, các em phải được trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và cứu đuối an toàn thì việc giảm thiểu tai nạn mới thực sự hiệu quả.

Còn nếu mới chỉ biết bơi thì nguy cơ đuối nước vẫn có thể xảy ra, nên việc giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng thật sự là cần thiết đối với cả trẻ em, học sinh chưa biết bơi và đã biết bơi.

Các em phải nhận thức được tác hại nguy hiểm của đuối nước khi xảy ra đối với bản thân; nếu không biết bơi thì tuyệt đối không được tự ý xuống nước, đi bơi khi không có sự đồng ý, giám sát của người lớn; còn khi đã biết bơi phải biết các kỹ năng nơi nào bơi an toàn.

Cần nâng cao ý thức cho học sinh

Học sinh không chỉ cần được học kiến thức về phòng, chống tai nạn đuối nước, mà còn cần được học cứu hộ, cứu nạn đuối nước đúng cách
Học sinh không chỉ cần được học kiến thức về phòng, chống tai nạn đuối nước, mà còn cần được học cứu hộ, cứu nạn đuối nước đúng cách 

Bên cạnh việc dạy bơi hiệu quả, GV và nhà trường còn phải hướng dẫn HS các kỹ năng sống sót, dùng phương tiện, dụng cụ để cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt sơ cứu đúng phương pháp. Ví dụ, trong môi trường nước gặp tình huống bị xoáy, hay bị cuốn, nhiều trẻ cùng đuối nước hoảng loạn… sẽ phải làm gì?

Theo chuyên gia Lê Đức Long, Nguyễn Văn Lưu, việc cho HS làm quen với môi trường nước, tập thở dưới nước và an toàn dưới nước rất quan trọng trong phòng, chống tai nạn đuối nước (PCTNĐN).

Trong phấn đấu xây dựng trường học an toàn, cộng đồng an toàn, nội dung PCTNĐN rất được chú trọng. Hiện nay, nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đang tập trung vào hỗ trợ trẻ em Việt Nam trong PCTNĐN.

Một trong những giải pháp cụ thể và hiệu quả là lập các điểm cảnh báo, rào chắn ở những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước. Có nhiều biện pháp phòng ngừa đã được triển khai ở nhiều địa phương, như sử dụng cảm biến cảnh báo những khu vực nước sâu, nước xoáy, rào chắn và tích cực tuyên truyền cho HS.

Đồng thời với việc dạy bơi trong nhà trường, vấn đề được chú trọng là đào tạo kỹ năng cho huấn luyện viên, GV dạy bơi, hướng dẫn chương trình dạy bơi cho trẻ em, trong đó có lồng ghép dạy về sơ cấp cứu trong PCĐN cho GV dạy bơi. GV ngoài việc chính là dạy bơi, còn phải biết và hướng dẫn lại cho HS kiến thức cứu hộ, cứu nạn và sơ cứu cho người bị đuối nước.

Đồng thời với việc dạy bơi trong nhà trường, vấn đề được chú trọng là đào tạo kỹ năng cho huấn luyện viên, GV dạy bơi, hướng dẫn chương trình dạy bơi cho trẻ em, trong đó có lồng ghép dạy về sơ cấp cứu trong PCĐN cho GV dạy bơi. GV dạy bơi ngoài việc chính là dạy bơi, còn phải biết và hướng dẫn lại cho HS kiến thức cứu hộ, cứu nạn và sơ cứu cho người bị đuối nước.

Vụ Giáo dục Thể chất cho rằng: “Ở góc độ gia đình, phụ huynh luôn mong muốn con em mình phải được học bơi khi đang ngồi trên ghế nhà trường, mong muốn đó là vô cùng chính đáng.

Tuy nhiên, xét ở góc độ chủ quan, cha mẹ chỉ cần con cái mình biết bơi là có thể tránh được tai nạn đuối nước, đây là một nhận thức sai lầm. Thực tế người biết bơi, thậm chí bơi giỏi vẫn có thể bị đuối nước nếu không có kỹ năng tự biết cách phòng, tránh”.

“Hiện nay, để công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh được hiệu quả, cần có sự vào cuộc, trách nhiệm của toàn xã hội. Thay đổi nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể… về tai nạn đuối nước.

Nếu chỉ dạy HS biết bơi là chưa đủ, HS phải được GD về thay đổi nhận thức, hành vi, giáo dục kỹ năng nhận biết và kỹ năng biết chủ động phòng, tránh đuối nước. Có như vậy, trẻ em không biết bơi và đã biết bơi đều có thể biết cách tự phòng, tránh khi tham gia các hoạt động trong đời sống hằng ngày” - Vụ Giáo dục Thể chất nêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.