Khu di tích Cửa Đạt cách Thành phố Thanh Hóa 60 km về hướng Tây thuộc xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) nổi tiếng với hai ngôi đền thiêng thờ phụng người anh hùng Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn.
Hàng năm, mỗi dịp đầu xuân mới, khách thập phương lại nô nức kéo về dâng hương tại đây, cầu mong một năm bình an, may mắn và thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên đẹp nên thơ nhưng đầy kì vĩ của công trình thủy điện Cửa Đạt.
Theo lịch sử, Cầm Bá Thước là người dân tộc Thái, sinh ra ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân. Ông là một trong những thủ lĩnh người dân tộc Thái hưởng ứng phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa vào cuối thế kỉ 19. Ông hi sinh khi mới 37 tuổi. Còn truyền thuyết về Bà Chúa Thượng Ngàn được sinh ra vào thời nhà Trần và có công cứu nạn dân chúng nên được phong thánh cai quản một vùng. Bà là một trong 3 vị mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu của người Việt.
Để tưởng nhớ công ơn của Danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, nhân dân trong vùng đã lập nên hai ngôi đền bên cạnh nhau để dân chúng trong vùng có thể thường xuyên hương khói, chính là Đền Cửa Đạt ngày nay.
Hai ngôi đền tọa lạc trên một khu đất cao ráo nằm cạnh dòng sông Chu hiền hòa.
Không chỉ nổi tiếng với hai ngôi đền thiêng thờ phụng người anh hùng Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, hồ Cửa Đạt còn là một vùng thắng cảnh đẹp mê hồn với những cánh rừng xanh mượt và hồ Cửa Đạt như một đại dương khổng lồ trong lòng núi như một bức tranh thủy mặc.
Kết thúc dâng hương tại Đền Cửa Đạt, theo chân du khách tiếp tục hành trình về Đền Phủ Na còn gọi là (Na Sơn Động Phủ) nằm trên địa bàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh. Đền Phủ Na ra đời vào năm 1909, được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn và đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá và thắng cảnh ngày 28/01/1993.
Nơi đây không chỉ linh thiêng trong tín ngưỡng mà còn có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình với hệ thống núi non và hệ thống đền, miếu quy tụ ở một vùng thung lũng tạo nên một quần thể di tích độc đáo mang tính nguyên sơ.
Na Sơn nằm trên đỉnh cao nhất trong dãy núi Nưa, điều đặc biệt là từ trên đỉnh núi cao có một mạch nước ngầm trong vắt, mát rượi chảy xuống núi từ phía sau đền Thượng. Du khách đến dâng hương và thưởng ngoạn cảnh chùa thường lấy nước về nhà xem đây là nước lộc.
Kết thúc hành trình lên rừng, xuôi về Đền Độc Cước ngụ ngay trên đỉnh núi Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ bên cạnh bãi biển Sầm Sơn thơ mộng.
Tên đền Độc Cước được bắt nguồn từ sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xé đôi người để vừa đánh quỷ dữ ngoài khơi xa, vừa dẹp giặc ngoại xâm ở đất liền để có thể cứu dân làng. Để tưởng nhớ công ơn của chàng, người dân Sầm Sơn đã lập miếu thờ ngay trên tảng đá có vết lõm dấu chân khổng lồ, tương truyền là bàn chân của chàng và sau này được gọi là Đền Độc Cước.
Bà Nguyễn Thị Mão (68 tuổi) - huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) - cho biết: Hàng năm, sau khi ăn tết Nguyên Đán, bà cùng nhiều người dân trong xã thường gác hết công việc đồng áng, buôn bán của gia đình lại để tổ chức đi vãn chùa đầu năm mới. Quan niệm đầu năm đi lễ chùa phải lên rừng rồi mới xuống biển, bà cùng người dân trong xã thường tổ chức hành trình về Đền Cửa Đạt, Phủ Na rồi xuống Đền Độc Cước để cầu bình an, may mắn cho gia đình trong cả năm.