“Đầu vào” sư phạm: Đừng chỉ nhìn theo điểm số

GD&TĐ - Xung quanh việc tuyển sinh đầu vào của các trường sư phạm hiện nay, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý GD và nhất là một số nhà khoa học GD, cho rằng: Nên hiểu “đầu vào” theo nghĩa rộng hơn, không phải chỉ là kiến thức mà còn cả kỹ năng, thái độ, tinh thần học tập, lòng yêu mến nghề nghiệp, yêu cầu và khả năng đáp ứng ở vùng miền cụ thể... chứ không phải chỉ là câu chuyện điểm số tuyển sinh.

Nhà giáo tương lai cần hội tụ nhiều yếu tố để đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục toàn diện và căn bản
Nhà giáo tương lai cần hội tụ nhiều yếu tố để đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục toàn diện và căn bản

Đầu vào không phải là yếu tố duy nhất

“Nhiều năm làm GD, bản thân tôi chứng kiến nhiều HS của mình dù học lực chỉ tương đối ở phổ thông, nhưng khi vào làm nghề đã trở thành những giáo viên giỏi, được HS và phụ huynh yêu mến, được ngành, xã hội công nhận”, đó là câu chuyện của TS Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - xung quanh chất lượng tuyển sinh sư phạm - nội dung được trao đổi nhiều gần đây.

TS Nguyễn Văn Huấn cho biết, đào tạo sư phạm trên địa bàn tỉnh Bến Tre có Trường CĐ Bến Tre. Đây là trường đa ngành, trong đó có đào tạo sư phạm, nhưng chỉ đào tạo ngành học GD mầm non. Do đó, giáo viên các bậc học khác như tiểu học, THCS, THPT, nguồn giáo viên của tỉnh chủ yếu lấy từ các trường: ĐH SP TPHCM, ĐHSP Cần Thơ; ngoài ra còn có Trường ĐHSP Đồng Tháp, ĐH Trà Vinh... nhưng với số lượng ít hơn.

“Qua tuyển dụng và quá trình giảng dạy của giáo viên, có thể thấy các trường nói trên, đặc biệt 2 trường sư phạm lớn là Trường ĐHSP TPHCM và ĐHSP Cần Thơ cung cấp các giáo viên chất lượng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu” - TS Nguyễn Văn Huấn cho hay.

Liên quan đến vấn đề điểm đầu vào sư phạm, không phủ nhận đây cũng là một yếu tố tác động đến chất lượng các giáo viên tương lai, nhưng theo TS Nguyễn Văn Huấn, đó không phải là yếu tố quan trọng, mang tính chất quyết định. Thậm chí ngay cả điểm đầu ra cũng chưa phải là yếu tố quan trọng nhất.

“Với mỗi giáo viên, tình yêu nghề, gắn bó với nghề là vô cùng quan trọng; cùng với đó là sự chịu khó tiếp tục rèn luyện, không ngừng học tập và phấn đấu, tích lũy kinh nghiệm. Thực tế ở Bến Tre, có thời điểm vì thiếu giáo viên tiếng Anh nên nhiều giáo viên môn Tiếng Anh chỉ đào tạo CĐSP. Nhưng sau đó, các thầy cô tiếp tục phấn đấu giảng dạy, học tập lên ĐH, thạc sĩ và trở thành các giáo viên dạy giỏi, giáo viên cốt cán của tỉnh” - TS Nguyễn Văn Huấn chia sẻ.

Không phủ nhận có một sự thật là sức hấp dẫn của các trường sư phạm với HS không còn như trước. Với thực tế này, theo TS Nguyễn Văn Huấn, nguyên nhân quan trọng là do khó khăn tìm việc làm sau khi ra trường. “Ở Bến Tre, chỉ tiêu giáo viên chủ yếu ở bậc học mầm non; các bậc học khác như tiểu học THCS, THPT nhu cầu giáo viên rất ít. Do lo lắng ra trường không có việc làm nên ít HS vào sư phạm” - TS Nguyễn Văn Huấn cho hay.

Để khắc phục tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho rằng, điều quan trọng là phải quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm; cần khớp giữa đào tạo và sử dụng; có chế độ, chính sách quan tâm hơn đến đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, đây là việc không thể làm trong ngày một ngày hai và chỉ mình ngành GD cũng không thể giải quyết được việc này.

Nên hiểu theo nghĩa rộng hơn

Đầu vào là một trong nhiều yếu tố tạo nên chất lượng đào tạo sư phạm. Các yếu tố khác, theo PGS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội - đó là chương trình đào tạo; đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; cơ chế chính sách cho đào tạo sư phạm.

“Trong các yếu tố này, mọi người đều khẳng định, đội ngũ giảng dạy là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng đầu ra. Chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định chất lượng” - PGS Nghiêm Đình Vỳ nêu rõ.

Minh chứng cho điều này, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội kể câu chuyện về lớp học trò khoa Lịch sử K43: Khi đó, khoa Lịch sử lấy 2 lớp, trong đó có 1 lớp chính thống có điểm trúng tuyển cao hơn và một lớp hệ B điểm đầu vào thấp hơn.

Khoá này tập trung đào tạo chuyên môn, quản lí chặt chẽ, sinh viên quyết tâm học tập nên kết quả học tập tốt. Mới đây, khóa này kỷ niệm 20 năm ngày ra trường; phần lớn các em tốt nghiệp ở cả 2 lớp đều theo nghề sư phạm và khá thành công, trở thành những giáo viên có uy tín hoặc các cán bộ quản lý GD. Như vậy, có thể thấy, yếu tố đầu vào có quan trọng, nhưng không phải là quyết định.

Trao đổi về việc giảm sức hút của các trường sư phạm, PGS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do khó xin việc sau khi ra trường và khi làm việc thì chế độ đãi ngộ chưa cao. Nếu sinh viên sư phạm ra trường được bố trí việc làm như các trường khối công an, quân đội, chắc chắn điểm đầu vào của trường sư phạm sẽ tăng cao.

Tháo gỡ khó khăn hiện nay, theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, điều quan trọng đầu tiên là phải tái cấu trúc lại hệ thống các trường sư phạm. Theo đó, tập trung đầu tư cho những trường trọng điểm; những trường không đảm bảo chất lượng có thể tìm cách hợp nhất, hoặc làm thành trường vệ tinh, trường thực hành của các trường trọng điểm.

Cùng với đó, cũng rất cần nâng cao vị thế nhà giáo; quan tâm hơn nữa tới cơ chế chính sách để các nhà giáo yên tâm cống hiến.

“Thực tế cho thấy, những giờ hội giảng, dự giờ, khi có sự chuẩn bị chu đáo cho bài giảng, các giáo viên đều làm rất tốt. Như vậy, khi các thầy cô giáo có thời gian đầu tư cho bài giảng của mình; thu nhập đủ để tập trung cho việc giảng dạy thì chất lượng dạy học sẽ được nâng lên” - PGS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh.

Cần nhìn nhận công bằng và chính xác

“Chỉ nhìn vào một số trường tuyển sinh với số điểm đầu vào thấp mà đánh giá chất lượng ngành sư phạm tụt dốc là không công bằng đối với GD. Theo tôi, quan điểm của một số người cho rằng điểm đầu vào sư phạm tụt dốc thảm hại là không hoàn toàn chính xác” - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, bà Trần Hồng Thắm, nêu quan điểm.

Theo nhà quản lý GD này, chỉ nhìn vào một số trường tuyển sinh với số điểm đầu vào thấp mà đánh giá chất lượng ngành sư phạm tụt dốc là không công bằng đối với GD. Điểm đầu vào và kể cả đầu ra không hoàn toàn quyết định chất lượng GD. Đối với ngành sư phạm điểm đầu vào không phải là thứ duy nhất, giáo viên không chỉ cần kiến thức mà còn cần tài năng, kỹ năng, phẩm chất mà các thí sinh điểm đầu vào điểm cao chưa chắc đã có.

“Qua thực tế cho thấy khi sinh viên tốt nghiệp ra trường muốn đi dạy phải thi tuyển, có quá trình tập sự và điều quan trọng hơn được tập thể nhà trường, phụ huynh và HS thẩm định chất lượng nghề nghiệp… Nếu không có năng lực, lòng yêu nghề thì hai năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xã hội đào thải. Rõ ràng, không chỉ dựa vào điểm đầu vào là có thể khẳng định chất lượng GD, nó còn là cả một quá trình tự học tự bồi dưỡng, là trách nhiệm của toàn xã hội đối với ngành GD” - Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ nhấn mạnh.

Bà Trần Hồng Thắm cũng chỉ ra rằng, tại một số nước tiến bộ trên thế giới, ví dụ như ở Mỹ trong nhiều trường hợp, bạn có thể bắt đầu khóa học sư phạm khi ghi danh vào một cơ sở ĐH. Ở Australia điểm trúng tuyển ngành sư phạm ở các trường không giống nhau. Mỗi trường ĐH có điểm trúng tuyển chuyên ngành chênh lệch, phụ thuộc mức độ cạnh tranh.

Hoạt động GD là một hoạt động nghề nghiệp đặc biệt vì đối tượng lao động của người thầy chính là con người. Công cụ lao động cơ bản của người thầy chính là nhân cách của bản thân. Bằng nhân cách của mình, người thầy có sức ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển nhân cách của HS. Sự phát triển nhân cách người thầy không chỉ diễn ra trong trường sư phạm, mà còn trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.

“Cũng phải nhìn nhận một thực tế các trường CĐSP có mức tuyển đầu vào thấp đã “dấy lên” sự lo lắng, quan tâm của xã hội về tương lai GD đào tạo nước nhà. Ngành sư phạm không tuyển được những HS giỏi (ngoại trừ những HS thực sự yêu thích nghề giáo) không phải là vấn đề mới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Trước vấn đề xã hội đang quan tâm thay vì làm “anh hùng bàn phím”, mỗi người hãy cùng nhau tìm giải pháp, đề xuất việc mà ngành cần phải làm để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay. Theo tôi, tuyển được HS có điểm đầu vào cao là mong muốn của tất cả các trường, nhưng điểm đầu vào cũng không phản ánh được các tố chất cơ bản của HS ấy có phù hợp với nghề nghiệp mà các em lựa chọn hay không”. Bà Trần Hồng Thắm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...