Đầu tư cho điện ảnh: Trăn trở với “bà đỡ” vốn ngân sách

GD&TĐ - Sau một kỳ vắng bóng, phim truyện điện ảnh có nguồn vốn ngân sách đã “tái xuất” trong dịp liên hoan thứ 21. Cuộc so tài giữa phim truyện điện ảnh Nhà nước và tư nhân ít nhiều mang lại niềm vui. Nhưng còn đó những trăn trở về bất cập của “bà đỡ” vốn ngân sách. 

Trong số 4 bộ phim được sản xuất từ vốn ngân sách thì mới chỉ có phim “Thạch Thảo” có doanh thu phòng vé.
Trong số 4 bộ phim được sản xuất từ vốn ngân sách thì mới chỉ có phim “Thạch Thảo” có doanh thu phòng vé.

Ngày càng… xịt

Theo kỳ cuộc, cứ 3 năm một lần, đến nay, Liên hoan Phim Việt Nam đã là lần 21. Năm nay, liên hoan được tổ chức ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong 5 ngày (từ 23 - 27/11).

Với giới điện ảnh, đây là dịp để các diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất... hẹn hò gặp gỡ. Với những ekip sáng tạo có phim tham gia liên hoan, đặc biệt là có phim tranh giải ở hạng mục phim truyện thì lại càng tranh thủ thời gian để xuất hiện trên thảm đỏ và giới thiệu phim của mình đến công chúng.

Theo đạo diễn Nguyễn Phương Điền, sân chơi 3 năm mới có một lần nên phim tham gia liên hoan là một sự hãnh diện. Liên hoan phim đã tạo ra những cơ hội gặp gỡ giữa các đồng nghiệp, bạn bè trong Nam ngoài Bắc.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng, trong tâm lý của hầu hết người làm nghề, liên hoan là ngày hội theo đúng kiểu: Có thì vui không có cũng không ảnh hưởng gì đến nghề nghiệp. Tất nhiên, ở đây phải trừ những trường hợp ai đó cần giải thưởng để đủ tiêu chuẩn xét tặng... các danh hiệu. Vì thế, liên hoan ngành nghề là rất cần cho người làm nghề, bởi nó là nơi người ta có thể cùng giao lưu gặp nhau, học hỏi.

Tuy nhiên, dường như các kỳ cuộc liên hoan ngày càng thiếu hấp dẫn, giảm hứng thú cũng như sự nhiệt thành của người trong nghề. Vì sao ư? Vì các kỳ liên hoan luôn đặt ra những tiêu chí phục vụ rất nhiều nhiệm vụ trong khi nghệ thuật luôn có sự tự do.

Và, nhìn lại tổng thể thì các liên hoan gần đây luôn đi sau đời sống điện ảnh một bước, tức là có gì trao giải đó. Lẽ ra, liên hoan phải là nơi kích thích sự sáng tạo, là nơi các nghệ sĩ được “khoe” nghề cùng nhau.

Thêm nữa, trước câu chuyện kiểm duyệt, nhiều người cho rằng, không khí tự do sáng tạo có lẽ chỉ đạt được một nửa. Điều này thể hiện qua việc các bộ phim trước khi công chiếu đến công chúng đã luôn bị kiểm duyệt đến... “nát tan”.

Và khi đó, hội đồng giám khảo các liên hoan cũng chỉ đi chấm cái đã duyệt – cuộc chơi có bị luẩn quẩn không? Vì thế, cần tách ra một cách độc lập giữa hội đồng duyệt phim và giám khảo liên hoan, hai ban tổ chức này phải thật sự độc lập.

“Bằng tư cách người làm nghề và theo dõi các kỳ liên hoan, tôi thấy rất rõ dường như các liên hoan ngày càng “xì hơi”. Cũng bởi chất lượng tác phẩm đầu vào khi xét giải và công bố, chúng ta không thấy được sự trầm trồ, hay được “bơm thổi” theo hướng nó là tác phẩm đại diện cho quốc gia, chất Việt, sự bứt phá hoặc có những sáng tạo đặc sắc. Cuộc chơi có phần luẩn quẩn, có gì chấm đó, muốn có hơn cũng không được!”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trăn trở.

Phim ngân sách làm cúng cụ, cho có

16 phim truyện điện ảnh tham gia đua tài hạng mục phim truyện dự thi ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21 năm nay có cả phim được sản xuất từ nguồn vốn ngân sách.

Đó là 4 bộ phim: “Truyền thuyết về Quán Tiên” – một bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn “Huyền thoại quán tiến” của nhà văn Xuân Trình (Hãng HongNgat Film) “Nơi ta không thuộc về” (Điện ảnh Quân đội nhân dân); “Hợp đồng bán mình” (Công ty Cổ phần phim Giải phóng sản xuất) và “Thạch Thảo” (Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy sản xuất) – phim có 70% vốn ngân sách, 30% từ nguồn xã hội hóa.

Trong đó, hai bộ phim “Nơi ta không thuộc về” và “Thạch Thảo” được hoàn thành và khởi chiếu năm 2018, còn hai bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” và “Hợp đồng bán mình” thì vừa mới được công chiếu đến khán giả vào đầu tháng 11 này. Trong số đó, chỉ phim “Thạch Thảo” có doanh thu từ phòng vé.

Theo quan sát của đạo diễn Nguyễn Phương Điền, phim được sản xuất bởi các đơn vị tư nhân – hay còn gọi là dòng phim thị trường càng ngày càng tốt hơn, phim Nhà nước không phát triển.

Nhà nước cũng có đặt hàng sản xuất nhưng đề tài đặt hàng cũ. Cùng với đó, kinh phí đầu tư đến được đoàn làm phim cũng èo uột – từ hơn chục tỉ xuống đến đoàn làm phim chỉ còn vài tỉ. Vì thế, nhiều khi các đơn vị được đặt hàng làm phim là để cho có tiếng nói của Nhà nước trong đó chứ thực sự ra không phải là sự đầu tư đúng mức cho điện ảnh.

Đạo diễn Phương Điền cho rằng, cách đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh hiện quá dở. Nhiều khi, việc đầu tư được thực hiện theo mùa, theo năm, kinh phí cấp cho một số đơn vị sản xuất rồi cứ thế mà làm phim cúng cụ, làm cho có lệ.

Thường thì những nhà sản xuất phim có vốn ngân sách không trăn trở về việc hồi vốn, tính lãi nên không đầu tư về đề tài kịch bản, gương mặt phòng vé, quảng bá truyền thông...

“Tư nhân bỏ vốn ra, họ xót nguồn vốn đó, họ phải đầu tư cho kịch bản, đầu tư về diễn viên để bán vé còn bên Nhà nước không cần chuyện đó, họ cứ ôi thôi kệ nó, có phim làm là được rồi. Đến mùa đến năm, đến dịp thì hết người này làm, đến năm sau thì đến người khác. Đó là cái dở nhất trong việc đầu tư của nhà nước cho điện ảnh nước nhà” - đạo diễn Phương Điền trăn trở.

“Nếu người đứng đầu coi vốn của Nhà nước như vốn tư nhân thì mới có thể giúp dòng phim Nhà nước phát triển. Khi rót tiền vài chục tỉ, Nhà nước cần quan tâm đến việc khoán đơn vị sản xuất phim bảo lưu được số vốn đó, thậm chí phải sinh được lời. Các đơn vị Nhà nước nên đi tham khảo thị trường xung quanh.

Ví dụ, vì sao phim “Hai Phượng” – một bộ phim tư nhân sản xuất lại là phim đại phá phòng vé trong khi nhiều phim Nhà nước chưa làm được chuyện đó. Công chiếu mới đây như phim “Hợp đồng bán mình” – một bộ phim có kịch bản tốt với đề tài hướng đến phòng vé. Song có lẽ, những gương mặt diễn viên chính chưa phải là gương mặt hút khán giả đến rạp”.

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.