Đầu tư cho con người

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cần tiếp tục kiên định mục tiêu cải cách tiền lương vì đầu tư tiền lương là đầu tư cho con người và đầu tư cho phát triển.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023 - 2025 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023 nhưng tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng tán thành với mức tăng lương cơ sở và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình bởi do tác động của dịch bệnh tới thu ngân sách Nhà nước nên lương cơ sở chưa được điều chỉnh từ năm 2020 trở lại đây. Nếu tiếp tục giữ ở mức 1.490.000 đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực Nhà nước...

Thực tế, lần tăng lương cơ sở gần đây nhất là ngày 1//7/2019 - từ đó đến nay, do nhiều nguyên nhân, nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên. Đương nhiên, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc, thậm chí dẫn đến tình trạng bỏ việc diễn ra thời gian qua.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, có hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức thôi việc, trong đó tỷ lệ nghỉ ở Trung ương là 18% và địa phương 82%. Trung bình, số người thôi việc mỗi năm 15.800 người, chiếm 0,8% tổng biên chế, tập trung nhiều nhất là giáo dục và y tế.

Lý do dẫn đến tình trạng này theo ông Thăng, đầu tiên là do bối cảnh kinh tế thị trường, trong đó thị trường lao động có sự liên thông giữa khu vực công và tư. Khi các đơn vị sự nghiệp tự chủ, viên chức được ký hợp đồng làm việc đã tạo ra sự dịch chuyển ra - vào thường xuyên ở các đơn vị sự nghiệp công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính là dù đã có nhiều chính sách cải cách tiền lương nhưng vấn đề này còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống...

Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế khiến khối lượng công việc tăng thêm, tạo thêm áp lực cho những người làm khu vực công; môi trường, điều kiện làm việc ở một số nơi chưa thực sự giúp cán bộ, công chức phát huy được năng lực; nhiều người rời bỏ khu vực công vì lý do cá nhân như muốn thay đổi công việc, muốn thử sức ở khu vực tư nhân...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, việc trì hoãn tăng lương là hợp lý. Tuy nhiên, khi dịch đã được khống chế, kinh tế đang trên đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh mẽ thì việc nghiên cứu tăng lương ngay từ đầu năm 2023 là đề xuất đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn bởi việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ năm 2023 sẽ giúp cải thiện phần nào thu nhập thực tế cũng như đời sống của người lao động ở khu vực công.

Hơn nữa, cần nhấn mạnh rằng, Trung ương đã có Nghị quyết 27 định hướng về cải cách tiền lương từ năm 2021 nhưng do những yếu tố khách quan nên lộ trình thực hiện phải tạm dừng. Và đến thời điểm này, việc điều chỉnh lương với cán bộ, công chức, viên chức đã là vấn đề cấp thiết - dù mức tăng lương cơ sở như đề xuất thực chất vẫn chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và khu vực tư, lương khu vực Nhà nước và lương ngoài thị trường.

Cho nên, bên cạnh việc tăng mức lương cơ sở, điều quan trọng nữa cần tiếp tục kiên định mục tiêu cải cách tiền lương vì đầu tư tiền lương là đầu tư cho con người và đầu tư cho phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ