Đầu tư bất động sản: Không còn ăn may

GD&TĐ -Thị trường bất động sản (BĐS) luôn có sức hút rất lớn. Không chỉ các đại gia tìm vốn, dồn vốn vào những phi vụ khủng, mà không ít người thu nhập bình thường cũng muốn dự phần với hình thức đánh quả, lướt sóng. Nhưng đó là câu chuyện không hề đơn giản.  

Một thời gian việc mua bán đất ở Phú Quốc (Kiên Giang) hết sức nhộn nhịp
Một thời gian việc mua bán đất ở Phú Quốc (Kiên Giang) hết sức nhộn nhịp

Hết nóng lại lạnh

Kể từ cuối 2017 cho tới hết tháng 6/2018, thị trường BĐS nhộn nhịp. Tỷ lệ số vụ giao dịch thành công đã tạo ra sức hút lớn.

Rõ nhất là đất tại Vân Đồn, Phú Quốc và một số khu vực vùng ven đô thị, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh...

Sau Tết Nguyên đán, thị trường BĐS tại Phú Quốc (Kiên Giang) hết sức sôi động. Người ta bày cả bàn ra bên đường “tư vấn” cho người mua đất. Người mua giành nhau từng ô đất khiến giá cả leo thang chóng mặt. Người dân thấy giá cao cũng đua nhau bán. Có người bán cả vườn, cả nhà đang ở. Lại có người bán cả đất rừng trước đó nhận giao khoán chăm sóc. Ngay cả những khu đất đã trong quy hoạch thì người dân cũng... bán.

Tới nay, đất tại Phú Quốc đã chững lại, thưa thớt giao dịch. Người Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không còn quá sốt ruột với đầu tư BĐS ở đây. Cùng với sự can thiệp của chính quyền thì một lý do quan trọng là cơn sốt đã hạ nhiệt, trở về với giá trị thực. Những giá trị ảo, “bong bóng” BĐS rồi cũng qua đi, rút nhanh như những con sóng khi thủy triều xuống.

Tại Vân Đồn (Quảng Ninh), cùng thời gian đó người ta cũng hồ hởi với việc mua bán, sang nhượng BĐS. Trong khi chờ Quốc hội thông qua luật Đặc khu, tỉnh Quảng Ninh quyết định tạm dừng mọi giao dịch về đất đai trong nhân dân. Tất cả dự án cũng tạm dừng giao dịch, đất rừng cũng phải tạm dừng giao dịch để chờ luật và quy hoạch mới...

Tại vùng ven đô thị, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh... sau những đợt sốt nóng thì nay giá BĐS cũng đã lắng xuống.

Động thái mới: Dòng vốn ngoại tăng tốc

Trong khi Ngân hàng Nhà nước siết lại tín dụng BĐS thì ở chiều ngược lại, nhiều chỉ dấu cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài, thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước.

Ngày 22-6 vừa qua, Tập đoàn Hinokiya (Nhật Bản) cùng Tập đoàn Thế giới Kỹ thuật (TWG) của Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược để cùng phát triển các dự án ở Việt Nam, trong đó có bất động sản (BĐS).

Dự án BĐS đầu tiên liên doanh này dự định triển khai với tỷ lệ góp vốn 50:50, trên diện tích đất 9,7 ha tại TP Hồ Chí Minh, trong đó giai đoạn 1 thực hiện khoảng 2,7 héc ta.

Cũng còn phải kể tới việc Tập đoàn Amata Việt Nam đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới (tháng 3) để phát triển dự án thành phố công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh với quy mô lên đến 714 héc ta.

Một nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã có giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Lotte Mall Hà Nội xây khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày, với vốn đầu tư 600 triệu USD.

Người Nhật cũng đã có kế hoạch với dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội), với tổng vốn đầu tư cam kết lên đến 4 tỉ USD.

Như vậy có thể thấy, năm 2018 sẽ là năm sôi động thị trường BĐS ở những dự án lớn, với dòng vốn ngoại tăng mạnh, cùng với việc liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Giới chuyên gia cho rằng, những động thái lướt sóng, đầu tư nhỏ lẻ không còn là xu thế của năm nay cũng như sẽ nối sang 2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.