Đầu năm 2023 nên xin chữ Hán hay chữ Quốc ngữ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xin chữ đầu năm là nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam nhưng xin chữ thế nào không phải ai cũng biết.

Đầu năm 2023 nên xin chữ Hán hay chữ Quốc ngữ?

Trước khi đi xin chữ cần làm gì?

Từ xa xưa, khi muốn xin chữ đầu năm mới thì người đi xin chữ phải chuẩn bị một cái lễ nhỏ nhỏ bao gồm: Trầu cau, chè thuốc,... để đến nhà thầy đồ xin chữ. Đặc biệt thầy đồ phải là những người hay chữ trong vùng, nho sĩ hoặc đỗ tú tài do nhà vua ban.

Vào ngày nay, chúng ta không cần phải cầu kỳ đến tận nhà các thầy đồ nữa mà chỉ cần đến các khu phố ông Đồ, chọn một trong những ông Đồ tại đây để xin chữ. Không chỉ có những ông đồ dày dặn kinh nghiệm mà bây giờ còn có những ông đồ trẻ với những nét chữ hiện đại hơn.

Xin chữ hợp với nguyện vọng, mong ước

Đã gọi là đi xin chữ thì ta phải gặp người “hay chữ” để xin, sau khi trình bày nguyện vọng, mong ước trong năm nay như thi cử hay kết hôn, làm nhà hay du học… người cho chữ sẽ viết tặng bạn những chữ phù hợp.

Tùy vào cá tính, nghề nghiệp, lứa tuổi mà người ta thường xin những chữ khác nhau. Người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Đăng khoa... Người buôn bán, kinh doanh xin chữ Lộc, Tín, Phát... Người cầu thành công xin chữ Thành, Đạt... người muốn rèn khả năng chịu đựng xin chữ Nhẫn...

Xin chữ đầu năm tặng người già, người ta xin chữ Thọ; xin chữ tặng gia đình, người ta xin chữ Phúc, Tâm, An; xin chữ cho con cái, người ta xin chữ Trí; xin chữ cho cha mẹ, người ta xin chữ Hiếu.

Xin chữ Hán hay chữ Quốc ngữ?

Nói đến xin chữ đầu năm, từ trước đến nay người ta đều xin chữ Hán ở dạng thư pháp, nhưng thời nay, bạn hoàn toàn có thể thay bằng chữ Quốc ngữ nhưng viết theo dạng thư pháp cũng được.

Sau khi đã xin được chữ, thầy đồ sẽ giảng giải ý nghĩa của từng nét chữ mà họ xin để người xin hiểu hết được những ý nghĩa sâu sắc trong đó. Từ đó, những người xin chữ sẽ hiểu thêm được một nét đẹp văn hóa dân tộc có từ xa xưa.

Xin chữ là nét đẹp truyền thống chứ không chỉ là một thông lệ hàng năm. Người đi xin chữ cần phải tìm hiểu kỹ, đầu tiên là tâm tư nguyện vọng của mình rồi tìm cách bộc bạch làm sao cho thật chân thành. Từ đó thì người các thầy đồ mới chọn được chữ phù hợp để cho.

Chơi chữ là một phong tục bình dị nhưng ẩn chứa trong đó bề sâu văn hóa, không phải thứ xô bồ, cẩu thả. Chữ nghĩa, nhất là chữ Hán, những điều ta chưa hiểu kỹ, chưa nắm bắt thấu đáo được nội dung của chúng, tốt nhất là nên thận trọng khi xin.

Chọn màu giấy để xin chữ

Chữ sẽ được viết trên nền giấy đỏ hoặc vàng bởi quan niệm phong thủy phương Đông cho rằng màu đỏ, màu vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng, phú quý, sẽ mang lại nhiều tài lộc, may mắn, bình an trong năm mới.

Chữ xin về đặt ở đâu?

Chữ xin về nên treo ở nơi học tập hay làm việc của người xin chữ là thích hợp nhất. Bởi đây là những nơi có sự hài hòa năng lượng, đầy đủ ánh sáng tự nhiên, cũng là không gian trang nghiêm và thể hiện ý chí của người xin chữ.

Tránh mê tín dị đoan

Xin chữ vốn là phong tục tốt đẹp thể hiện giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, nhưng trải qua thời gian, tục này không còn thuần túy mang giá trị văn hóa.

Ngày càng có không ít thầy đồ đem cả yếu tố phong thủy vào màu giấy để thu hút khách hàng. Điều đó hoàn toàn không còn là bản chất của thư pháp, đó là một dạng biến tướng.

Bên cạnh sự lệch lạc từ phía người cho chữ, người xin chữ ngày nay cũng 'thực tế' hơn. Nếu như trước đây, người đến xin chữ sẽ dựa vào giá trị tự thân của chữ thì ngày nay người xin chữ tìm đến thầy đồ như một sự cầu tìm giá trị cụ thể trong xã hội vật chất, bằng cấp. Thậm chí xin chữ cũng là giải pháp cho mọi sự bế tắc khi họ kinh doanh thua lỗ, hay cặp vợ chồng trẻ hiếm muộn con cái cũng đến xin chữ…

Trong hoàn cảnh đó, người xin chữ là người ra đề, còn người cho chữ lại trở thành người giải đề. Quan niệm đó đã vô hình biến tục xin chữ đầu năm thành mê tín dị đoan.

Dù vậy, vẫn có những người đến xin chữ một cách thuần tuý, ông Đồ cho chữ nào, nhận chữ đó. Điều này gián tiếp đẩy người cho chữ lên một vị trí cao, người cho chữ được quay về giá trị nguyên thủy vốn có.

* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ