Đau lòng vì Ly thân

GD&TĐ - Hiện nay, có những người vợ đã lựa chọn hình thức ly thân mà không ly hôn với chồng vì cho rằng muốn giữ gia đình và vì con cái… Tuy nhiên, liệu những đứa con của họ có thực sự cần điều đó?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Câu chuyện đau lòng

Chị Nguyễn Thị S. ở Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) kết hôn được gần 20 năm. Chị kết hôn không bởi tình yêu mà do bố chị ép gả. Anh chồng làm nghề xe ôm, còn chị đi làm phụ bếp và buôn bán vặt.

Sau khi kết hôn, chị S. lần lượt sinh 2 người con, một gái một trai… Cuộc sống hôn nhân khi ấy tuy không có tình cảm mặn nồng nhưng cũng không đến mức tồi tệ. Tuy nhiên, cách đây hơn 10 năm, “sóng gió” đã đổ xuống cuộc đời chị sau cái chết bất thường của mẹ chồng.

Chị S. không hiểu vì lý do gì mà chồng luôn đổ lỗi rằng mẹ chồng chết là do chị rồi thường hành hạ, đánh đập, chửi bới vợ mà không có nguyên nhân. Hầu như tuần nào chị cũng bị chồng đánh ít nhất 1 lần. Có những đêm, chị phải mang bộ mặt sưng tấy vừa bế con, vừa chạy bộ 4km từ nhà chồng ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) về nhà bố mẹ đẻ ở Cổ Nhuế để lánh nạn.

Sau đó, để tránh những trận đòn của chồng, chị S. quyết định chuyển về ở hẳn bên nhà mẹ đẻ. Nhưng người chồng không chịu, anh ta lại tìm đến, ép được ở cùng.

Tại đây, anh ta vẫn tiếp tục giở thói vũ phu với cả chị và 2 con. Ngoài đánh, có lần anh ta còn pha sẵn thuốc trừ sâu vào cốc và dọa bắt 2 con phải uống… Chị S. sợ quá, đã muốn làm đơn gửi chính quyền nhờ can thiệp ly hôn. Nhưng người chồng không chịu, mang giấu hết giấy tờ tùy thân của chị đi và dọa sẽ không để 2 con yên thân nếu chị ly hôn.

Kể từ đó, chị S. không nghĩ đến việc chia tay chồng nữa. Chị chọn sống ly thân và chấp nhận sự hành hạ từ chồng. Theo chị S. “Mình khổ sở vậy là vì muốn giữ bố cho 2 con và hy vọng sẽ có ngày chồng thay đổi”. Chị cho rằng dù sao chồng cũng đang đóng góp tiền để nuôi con và đặc biệt là anh ta vũ phu, hay dọa dẫm nên lời nói của anh ta có uy và điều đó sẽ dạy con tốt hơn...

Theo chuyên gia Tâm lý TS Huỳnh Văn Sơn (Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh):  “Thực tế cho thấy, việc ly thân có những ý nghĩa của nó. Đó là giai đoạn tạm thời đình chiến, đó là lúc mỗi người nhìn lại chính mình, đó là thời gian mỗi người tự điều chỉnh, sửa sai hay thậm chí là cơ hội để hai người thực sự nhìn lại xem có thực sự cần nhau hay không để xem xét và đưa ra quyết định... Tuy nhiên, ly thân không thể là “màn kịch” trong một thời gian quá dài. Việc cha mẹ ly thân và gia đình không tình cảm, không hòa thuận trước mặt con cái sẽ đem lại những cảm xúc tiêu cực cho con dẫn đến sự mất niềm tin về cha mẹ, mất niềm tin về tình yêu, sự an toàn… Vì thế cha mẹ cần thực sự bình tĩnh nhưng thẳng thắn và cân nhắc trước khi quyết định”.

Tương tự, với chị Vũ Thị Đ. ở Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đã phải sống trong cảnh khổ sở suốt từ năm 2015 đến nay. Chị bảo: “Mình đi làm quần quật suốt cả ngày từ 5 giờ sáng đến tối để kiếm tiền nuôi con, thời gian để nghỉ trưa 1 chút cũng không hề có vậy mà cứ phải mang tiếng với những đồn thổi liên quan đến chuyện tình cảm.

Vợ có đưa ra đủ chứng cứ để thanh minh, giải thích, chứng minh về sự vô tội của mình thế nào thì chồng vẫn không chịu, cứ luôn nghi ngờ, ghen tuông. Ban đầu, người chồng bạo hành tinh thần chị bằng đủ kiểu nhiếc móc, chửi bới. Sau thì anh ta sống ly thân và 2 lần đuổi vợ ra khỏi nhà rồi có hành vi bạo hành với người con gái lớn (14 tuổi)…

Lần đầu bị chồng đuổi, chị Đ. đã phải về nhà mẹ đẻ ở nhờ trong hai tháng. Lần hai bị chồng đuổi, chị Đ. phải tìm thuê nhà ở một mình. Trong thời gian này, chị Đ. vừa tìm kiếm công việc làm thuê để kiếm tiền, vừa đồng thời làm đơn gửi các ngành chức năng nhờ giải quyết…

Mới đây, tại UBND xã Ngọc Hồi đã diễn ra cuộc hòa giải về bạo lực gia đình của gia đình chị. Trong diễn biến của buổi hòa giải, khi được hỏi về mong muốn của mình, chị Đ. đã cho biết “Chỉ muốn chính quyền hỗ trợ để giải quyết mâu thuẫn gia đình, để chồng hiểu vợ và hiện tại chị muốn vẫn sống ly thân chứ chưa muốn ly hôn vì vẫn nghĩ cho con cái”…

Thà bố mẹ bỏ nhau vẫn còn tốt hơn...

Với những người mẹ, lý do họ chọn ly thân mà không ly hôn là thế, tuy nhiên, khi hỏi cháu Nguyễn A. L, 14 tuổi, con gái chị Nguyễn Thị S. cho biết: “Nhiều lần thấy bố đánh mẹ, đánh 2 chị em, cháu rất sợ, giận bố. Cháu chỉ muốn bảo mẹ bỏ bố ngay đi nhưng mẹ cháu vẫn quyết định sống chung. Thậm chí, có lúc mẹ còn cố gắng tỏ ra bình thường và đang có tình cảm với bố.

Mẹ cứ nghĩ làm thế là để muốn con không bị xáo trộn, tập trung học hành, muốn giữ tính mạng cho chúng cháu. Nhưng, mẹ không hiểu là chúng cháu rất buồn. Cháu sợ mỗi khi về nhà. Em trai cháu thì càng ngày càng bướng bỉnh, nhiều lúc còn đánh cả chị do bắt chước bố. Cháu nghĩ thà họ bỏ nhau hẳn được thì sẽ tốt hơn là chung sống như thế này”.

Còn với cô con gái 14 tuổi của chị Vũ Thị Đ, khi được hỏi “Cháu muốn mẹ nên làm gì ở hoàn cảnh này?”, cháu cũng đã thẳng thắn: “Cháu muốn mẹ bỏ bố chứ đừng ly thân. Năm nay cháu đang học cuối cấp, đang phải thi, nhưng hoàn cảnh gia đình cứ thường xuyên lục đục thế này, cháu không chịu nổi. Bố cháu cứ nhìn thấy mặt cháu ở đâu là chửi mắng thì cũng sẽ có ngày cháu không kìm chế được, sẽ lại hư hỗn và cãi lại bố thôi”.

Theo chuyên gia Tâm lý TS Huỳnh Văn Sơn (Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh): “Thực tế cho thấy, việc ly thân có những ý nghĩa của nó. Đó là giai đoạn tạm thời đình chiến, đó là lúc mỗi người nhìn lại chính mình, đó là thời gian mỗi người tự điều chỉnh, sửa sai hay thậm chí là cơ hội để hai người thực sự nhìn lại xem có thực sự cần nhau hay không để xem xét và đưa ra quyết định...

Tuy nhiên, ly thân không thể là “màn kịch” trong một thời gian quá dài. Việc cha mẹ ly thân và gia đình không tình cảm, không hòa thuận trước mặt con cái sẽ đem lại những cảm xúc tiêu cực cho con dẫn đến sự mất niềm tin về cha mẹ, mất niềm tin về tình yêu, sự an toàn… Vì thế cha mẹ cần thực sự bình tĩnh nhưng thẳng thắn và cân nhắc trước khi quyết định”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ