Dấu hiệu trẻ ngộ độc thực phẩm cần nhập viện

GD&TĐ - Các dấu hiệu và triệu chứng trẻ ngộ độc thực phẩm có thể bắt đầu biểu hiện trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, thậm chí vài tuần sau đó.

Trẻ ngộ độc thực phẩm cần được bổ sung điện giải. Ảnh minh họa.
Trẻ ngộ độc thực phẩm cần được bổ sung điện giải. Ảnh minh họa.

Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế khi ói mửa nhiều, không thể ăn hay uống, chất nôn hoặc phân có máu. Trong trường hợp trẻ tiêu chảy hơn ba ngày, đau quặn bụng dữ dội, sốt hơn 38 độ C, cũng cần được đưa vào bệnh viện.

Biến chứng do ngộ độc thực phẩm

Thời gian qua, nhiều trường hợp trẻ ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu đã khiến không ít phụ huynh lo lắng. Theo ThS.BS Châu Tố Uyên - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), ngộ độc thực phẩm là do ăn đồ bị ô nhiễm.

Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc độc tố của chúng là những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Bệnh thường nhẹ, tự khỏi không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải đến bệnh viện.

Dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp bao gồm: Ói mửa, buồn nôn, tiêu chảy ra nước hoặc có máu; đau bụng; sốt. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bắt đầu biểu hiện trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, thậm chí vài tuần sau đó.

Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế khi ói mửa nhiều, không thể ăn hay uống bất cứ thứ gì, chất nôn hoặc phân có máu. Trong trường hợp trẻ tiêu chảy hơn ba ngày, đau quặn bụng dữ dội, sốt hơn 38 độ C, cũng cần được đưa vào bệnh viện.

Ngoài ra, các dấu hiệu khác bao gồm khi trẻ mất nước, khát quá mức, khô miệng, ít hoặc không đi tiểu, suy nhược nghiêm trọng, chóng mặt hoặc choáng váng, có triệu chứng thần kinh như nhìn mờ, yếu cơ và ngứa ran ở cánh tay.

Theo ThS.BS Tố Uyên, biến chứng nghiêm trọng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là mất nước. Trong đó, bao gồm mất nước nghiêm trọng và các muối, khoáng chất cần thiết.

Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh mãn tính có thể bị mất nước nghiêm trọng, thậm chí dẫn tử vong. Trong trường hợp đó, bệnh nhân phải nhập viện truyền dịch.

Một số ngộ độc thực phẩm có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, nhiễm khuẩn Listeria gây hậu quả nghiêm trọng nhất là đối với thai nhi. Trong thời gian mang thai, mẹ nhiễm khuẩn

Listeria có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc nhiễm trùng gây tử vong cho em bé sau khi sinh. Trẻ sau sinh có thể bị tổn thương thần kinh lâu dài và chậm phát triển.

Ngoài ra, một số chủng E.coli gây ra biến chứng nghiêm trọng gọi là hội chứng urê huyết tán huyết. Hội chứng này làm tổn thương mạch máu nhỏ trong thận, đôi khi dẫn đến suy thận. Người lớn tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc biến chứng này cao hơn.

Chăm sóc trẻ hồi phục sau ngộ độc

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, với hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện, nên tình trạng trẻ bị ngộ độc thức ăn là rất dễ xảy ra. Thông thường, trẻ bị ngộ độc thức ăn sẽ có các phản ứng, triệu chứng biểu hiện sau 15 - 30 phút sau khi ăn. Với vài trường hợp, các triệu chứng của tình trạng có thể xuất hiện lâu hơn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Khi trẻ ngộ độc thực phẩm, cha mẹ cần bổ sung điện giải cho bé. Bởi, việc nôn và bị tiêu chảy sẽ khiến trẻ mất nhiều nước. Do đó, phụ huynh cần bù nước và điện giải cho trẻ, bằng cách để bé uống nhiều nước hoặc sử dụng oresol. Cha mẹ nên pha oresol đúng cách.

Sau đó, cho trẻ uống từ từ, không uống quá nhiều cùng một lúc. “Nếu tình trạng trẻ bị ngộ độc thức ăn nghiêm trọng hoặc đã áp dụng các cách xử lý nhưng không hiệu quả, cha mẹ nên nhanh chóng đưa bé tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín”, bác sĩ Kim Ngọc khuyến cáo.

Với trẻ nhỏ đang trong quá trình hồi phục sau ngộ độc, phụ huynh nên ưu tiên cho con sử dụng các loại thực phẩm loãng, mềm như súp, cháo, canh. Nhờ đó, bảo đảm dinh dưỡng và giúp trẻ dễ ăn hơn. Ngoài ra, sữa chua hoặc váng sữa cũng giúp hỗ trợ sức khỏe của hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng và nhiễm dịch. Đồng thời, bổ sung các lợi khuẩn có lợi cho cơ thể.

Trong khi đó, trái cây và rau xanh giúp bổ sung vitamin, khoáng chất cùng các chất vi lượng. Trong đó, phụ huynh có thể ưu tiên lựa chọn chuối, táo cho trẻ. Cha mẹ cũng có thể thêm gừng vào làm gia vị cho một số món ăn, hoặc sử dụng để pha nước cho trẻ uống. Phương pháp này sẽ giúp giải độc hiệu quả hơn.

Để phòng ngừa tình trạng ngộ độc thức ăn xảy ra đối với trẻ, bác sĩ Kim Ngọc khuyến cáo, phụ huynh nên cho trẻ sử dụng các thực phẩm an toàn - xanh - sạch. Không sử dụng và chế biến các loại thực phẩm quá hạn, thực phẩm để lâu ngày trong tủ lạnh.

Bảo đảm khâu sơ chế và chế biến thực phẩm cho bé là hợp vệ sinh như: Nấu chín, rửa nhiều lần với nước sạch, sử dụng dao và thớt riêng đối với thực phẩm sống và chín.

Lưu ý cho trẻ uống nước đun sôi. Hạn chế việc cho trẻ ăn thực phẩm đường phố, đóng hộp hoặc chế biến sẵn. Đồng thời, nên hướng dẫn trẻ rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ