Tiềm tàng nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại nhóm trẻ gia đình

Tiềm tàng nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại nhóm trẻ gia đình

(GD&TĐ) - Hiện trên toàn TP Đà Nẵng có 501 bếp ăn tập thể thuộc các nhóm trẻ gia đình tiềm ẩn những nguy cơ ngộ độc thực phẩm đối với trẻ. Do còn nhiều bất cập trong việc sử dụng, chế biến và tiêu dùng thực phẩm… nên vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho bữa ăn tập thể tại các cơ sở này là nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết đối với các cơ quan chức năng địa phương.

Không thể chủ quan 

Đà Nẵng là một trong những địa phương trong cả nước có số lượng bếp ăn tập thể lớn nhất, với khoảng gần 900 bếp ăn tập thể. Trong đó, có 90 bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp – chế xuất, 51 của các doanh nghiệp, xí nghiệp ngoài các khu công nghiệp – chế xuất. Số lượng còn lại phần lớn của các cơ sở giáo dục, trường học, 501 bếp ăn tập thể tại các nhóm trẻ gia đình.

Qua thực tế nắm bắt tình hình tại các cơ sở giáo dục, chúng tôi nhận thấy các trường học có HS bán trú đã nhận thức được tầm quan trọng và ngày càng nỗ lực hơn để đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, đa số phụ huynh HS có con em gửi tại các trung tâm lưu trú, nhóm trẻ gia đình đều bày tỏ nhiều lo ngại về chất lượng, cũng như độ an toàn của nguồn thực phẩm ở các bếp ăn này. Một phụ huynh có con học Trường tiểu học Phan Thanh (Hải Châu) gửi con vào một trung tâm lưu trú trên địa bàn lo ngại: “Vì điều kiện công việc không thể trực tiếp chăm sóc con được nên buộc phải gửi cháu vào trung tâm này. Tuy vậy, gia đình rất lo ngại về điều kiện chăm sóc cũng như ăn ở tại trung tâm. Thực phẩm ở đây chưa đến nỗi gây ra ngộ độc hay ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng, nhưng không ít lần cháu đã bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng”.

Tiềm tàng nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại nhóm trẻ gia đình ảnh 1
Nguồn thực phẩm sử dụng ở các nhóm trẻ gia đình tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc (Ảnh mang tính minh họa)

Nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm cao tại các bếp ăn tập thể hiện nay là không thể tránh khỏi, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục thuộc nhóm trẻ gia đình vì các điều kiện và công tác đảm bảo ATVSTP còn nhiều bất cấp. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế Đà Nẵng) cho biết: Điều lo ngại nhất hiện nay là công tác thực hiện đảm bảo ATVSTP tại bếp ăn tập thể của các nhóm trẻ gia đình trên toàn thành phố chưa thực sự tốt, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu đối với trẻ”.

Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng chưa xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm nào ở bếp ăn tập thể. Qua công tác thanh tra, kiểm tra hằng năm, các đoàn thanh tra liên ngành cũng chưa phát hiện được vi phạm nào lớn về ATVSTP. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến thì các bếp ăn tập thể thường xuyên mắc các sai phạm về ATVSTP như: đội ngũ nhân viên phụ trách dinh dưỡng chưa được cập nhật kiến thức, khám sức khỏe định kỳ; bếp ăn chưa xây dựng đúng cách theo nguyên tắc một chiều, điều kiện vệ sinh bếp, môi trường vệ sinh bếp và việc xử lý rác thải chưa đảm bảo. 

Công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết: Do lực lượng thanh, kiểm tra còn mỏng, nên không thể tổ chức kiểm tra thường xuyên các bếp ăn tập thể, trong khi đó ngày càng có nhiều dịch vụ bếp ăn tập thể. Đây thực sự là vấn đề trăn trở của ngành trong việc triển khai các hoạt động và tổ chức các đợt thanh, kiểm tra tại các bếp ăn tập thể tại cơ sở.

Đặc biệt, công tác thanh kiểm tra về ATVSTP tại các bếp ăn tập thể ở các tuyến quận, huyện, xã, phường còn nhiều bất cập, hạn chế. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho hay: “Đối với các nhóm trẻ gia đình có số lượng từ 30 cháu trở lên thì công tác đảm bảo ATVSTP của bếp ăn tập thể sẽ do các phòng y tế quận (huyện) và UBND quận (huyện) phụ trách. Còn đối với nhóm trẻ có số lượng dưới 30 cháu thì giao cho UBND xã, phương quản lý. Theo sự phân cấp đó, các đơn vị sẽ có trách nhiệm triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành, thực hiện các quy định đảm bảo ATVSTP tại các bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là ở các tuyến cơ sở chưa có cán bộ chuyên trách về công tác ATVSTP. Những rủi ro do thực phẩm là rất khó tránh và ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Bởi vậy, trong thời gian đến cần phải tăng cường, thương xuyên và liên tục triển khai công tác thanh tra kiểm tra, cũng như công tác giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức về ATVSTP cho những cơ sở có bếp ăn tập thể. Tuyên truyền kiến thức về ATVSTP cho người lao động trong các doanh nghiệp và HS tại các trường học bán trú.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan nhằm quản lý chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; Thu hồi và xử lý các sản phẩm không đảm bảo an toàn thông qua hệ thống kiểm soát cả chuỗi cung cấp thực phẩm, để tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.  

Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ