Dấu hiệu nhận biết hiện tượng tự ăn tóc mình ở trẻ em

GD&TĐ - Theo bác sĩ, trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận các trường hợp trẻ tự ăn tóc gây tắc ruột nặng phải mổ cấp cứu. Đây có thể là một dạng rối loạn hành vi xung động trong tâm thần học.

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật lấy búi tóc trong ruột bệnh nhi. Nguồn: internet.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật lấy búi tóc trong ruột bệnh nhi. Nguồn: internet.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải bài viết cảnh giác hành vi tự ăn tóc ở trẻ em của BS.CKII. Nguyễn Thị Kiều Tiên – Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh. Theo bác sĩ, trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận các trường hợp trẻ tự ăn tóc gây tắc ruột nặng phải mổ cấp cứu.

Đây có thể là hệ quả của rối loạn xung động nhổ tóc - một dạng rối loạn hành vi xung động trong tâm thần học có thể gặp ở trẻ em lẫn người lớn.

Phụ huynh cần theo dõi và phát hiện sớm những bất thường ở trẻ, đưa khám ở chuyên khoa Tâm lý - Tâm thần để được chữa trị sớm tận gốc vấn đề, tránh phải giải quyết hậu quả ở phẫu thuật ngoại khoa.

Vì sao trẻ có hiện tượng ăn tóc của mình?

Hiện tượng này thường được khởi đầu bằng hành vi tự động sờ, day rồi bứt từng sợi tóc trong khi đang suy nghĩ, làm việc, học tập,…

Người bệnh ban đầu sẽ cảm thấy đau nhưng dần dần sẽ có cảm giác “đã ngứa” dù không có yếu tố gây ngứa như nấm gàu.

Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần và hình thành hành vi tự bứt tóc khi cảm thấy cần suy nghĩ, khi căng thẳng, khi cần giải quyết vấn đề hay khi thấy buồn hoặc thậm chí khi thấy… rảnh.

Ở trẻ em, sau khi tự bứt tóc xong, các em có khuynh hướng nếm thử xem thế nào hoặc để xoá dấu tích tóc rụng (sẽ bị người lớn la phạt) dẫn đến việc các em sẽ lén bứt tóc và tự nuốt tóc để tránh bị la phạt.

Điều này lâu dần sẽ hình thành búi tóc gây tắc ruột vì con người không có men tiêu hoá chất keratin có trong các sợi tóc.

Dấu hiệu nào giúp phụ huynh nhận ra rối loạn xung động nhổ tóc ở trẻ?

Vì rối loạn là một quá trình diễn ra theo thời gian nên tuỳ theo giai đoạn, phụ huynh có thể nhận ra rối loạn này ở trẻ thông qua một số dấu hiệu như: Trẻ hay vừa ngồi học vừa sờ đầu, hoặc vừa ngồi chơi game vừa sờ chân tóc, xung quanh nơi trẻ nằm hoặc ngồi sẽ có nhiều tóc rụng, khi đưa trẻ khám chuyên khoa da liễu không phát hiện bất thường gây rụng tóc nhưng có những mảng trống đáng ngờ trên da đầu và trẻ thường than đầy bụng dù không ăn gì nhiều...

Đây được xem là một rối loạn có liên quan đến stress, đến việc kiểm soát hành vi xung động nên trẻ cần được đưa khám ở chuyên khoa Tâm lý - Tâm thần để được chữa trị sớm tận gốc vấn đề, tránh phải giải quyết hậu quả ở phẫu thuật ngoại khoa.

Những trẻ có rối loạn không may đã tắc ruột phải phẫu thuật thì cần chú ý gì?

Những trẻ đã có hành vi tự ăn tóc kéo dài, lâu dần khiến tóc bị rối và mắc kẹt trong hệ thống tiêu hóa dẫn đến tình trạng tắc ruột và phải phẫu thuật để lấy “búi tóc khổng lồ” này ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, nếu không được tìm hiểu nguyên nhân và trị liệu đúng chuyên khoa thì ngay cả sau khi đã phẫu thuật, việc tái diễn hành vi này vẫn còn tồn tại khả năng rất cao.

Từ đó, dẫn đến nhiều búi tóc trong bụng, cùng nhiều mảng trọc trên đầu thêm nhiều lần nữa.

Vì vậy, sau khi được phẫu thuật lấy búi tóc, trẻ cần được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, huấn luyện hành vi để kiểm soát xung động trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ