Dấu hiệu nguy hiểm sau khi tiêm vắc xin Covid-19

GD&TĐ - Ngành Y tế cho biết, các cơ sở y tế đều có sẵn thuốc cấp cứu những trường hợp gặp nguy hiểm sau tiêm, hãy thông báo ngay cho nhân viên y tế khi bạn có các dấu hiệu bất thường sau tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hầu hết tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin Covid-19 là những phản ứng thông thường liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm và các triệu chứng “giả cúm” như đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, sốt, chóng mặt, đau cơ, nhịp tim nhanh… 

Các triệu chứng này xảy ra sớm sau khi tiêm vắc xin, tự khỏi và không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cũng như không để lại di chứng.

Theo các chuyên gia, phản ứng sau tiêm chủng vắc xin phòng virus corona thậm chí là có lợi vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin.

Chuyên gia Y tế công cộng của Đại học Sydney tại Việt Nam cho biết trên Báo SKĐS, tỷ lệ phản ứng nguy hiểm với vắc xin AstraZeneca trên thế giới là 17,5/1 triệu mũi tiêm.

Các phản ứng này xảy ra đột ngột, có thể đe dọa tính mạng, nhưng có thể phục hồi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và xử trí đúng.

Cập nhật về các phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19, sau hơn 3 tháng triển khai tiêm trên cả nước, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW Dương Thị Hồng cho biết: Vắc xin Covid-19 cũng như bất kỳ một loại vắc xin nào khác, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định, bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời”.

Đến nay, trong số người đã tiêm, khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Hình ảnh tiêm vắc xin Covid-19 tại Hải Dương. Ảnh: VGP/Trọng Hải.

Hình ảnh tiêm vắc xin Covid-19 tại Hải Dương. Ảnh: VGP/Trọng Hải.

Liên quan đến chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...), PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay, đây là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao, mắc Covid-19 nặng nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vắc xin, tuy nhiên chỉ tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường.

Người có bệnh lý mạn tính không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19 hiện nay ở Việt Nam nhưng cần được tư vấn đầy đủ.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, hiện nay đã có nhiều loại vắc xin phòng Covid-19 của các nhà sản xuất khác nhau. Khi đã có đủ nguồn vắc xin phòng Covid-19 và tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì người dân có thể lựa chọn loại vắc xin phòng Covid-19.

Vắc xin phòng Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, khuyến cáo đồng thời được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc xin khi đưa ra sử dụng.

"Chúng tôi khuyến cáo việc sớm được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là quan trong để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vắc xin mà phải chờ đợi và bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm"- PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.

Khi nào nên gọi ngay cho bác sĩ/bệnh viện gần nhất?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, biến chứng nghiêm trọng do vắc xin gây ra là cực kỳ hiếm gặp, trong khi đó lợi ích do vắc xin và tiêm chủng mang lại lớn hơn rất nhiều. Khi gặp các phản ứng phản vệ dưới đây, người được tiêm vắc xin cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán nguyên nhân nhằm xử trí và điều trị kịp thời.

Sốt cao (>38 độ): Nên uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt an toàn, mặc thoáng, lau mát với nước ấm, đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng.

Co giật: Co giật có thể kèm sốt hoặc không, dùng thuốc chống co giật theo đúng phác đồ xử trí co giật.

Áp xe: Có thể là áp xe vô khuẩn hoặc áp xe nhiễm khuẩn, rò dịch. Trường hợp áp xe do nhiễm khuẩn, nên dùng thuốc kháng sinh điều trị.

Nhiễm khuẩn huyết: Biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất là sốc nhiễm trùng. Cần đến bệnh viện sớm để điều trị sốc theo phác đồ, tránh các biến chứng.

Phản ứng quá mẫn cấp tính: Trong trường hợp phản ứng nặng nên xử trí như trường hợp phản ứng phản vệ.

Phản ứng phản vệ: do nhiều nguyên nhân gây ra, thường có triệu chứng như vật vã, mẩn ngứa, ban đỏ, mề đay, mạch khó bắt, huyết áp tụt, đau bụng, khó thở, co giật… Cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

Huyết khối: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, triệu chứng thần kinh khu trú, co giật, hoặc mờ hoặc nhìn đôi, khó thở hoặc đau ngực, đau bụng hoặc đau bụng dữ dội, đau, phù chi dưới, có thể biểu hiện chảy máu, xuất huyết da, hoặc xuất huyết nội tạng.

Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ