Động mạch vành có các bệnh lý điển hình là xơ vữa, thiếu máu hay thiểu năng vành. Dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh lý động mạch vành là cơn đau ở vùng tim, chuyên môn gọi là cơn đau thắt ngực.
Vị trí, cấu tạo và chức năng
Động mạch vành là một hệ thống động mạch chạy vòng quanh trái tim và có chức năng mang chất dinh dưỡng theo máu đến nuôi dưỡng trái tim. Động mạch vành nằm trên bề mặt trái tim chứ không chui sâu vào cơ tim. Động mạch vành “nứt nhánh” từ gốc của động mạch chủ.
Nó gồm có hai nhánh là động mạch vành trái và động mạch vành phải. Động mạch vành trái “đi” một đoạn rất ngắn, khoảng 1 - 3cm thì chia thành hai nhánh khác là động mạch mũ và động mạch liên thất trước.
Đoạn rất ngắn đó gọi là thân chung của động mạch vành. Như vậy, bề mặt trái tim được bao quanh bởi có 3 nhánh lớn là động mạch vành phải, động mạch mũ và động mạch liên thất trước. Từ 3 nhánh chủ lực này sẽ phát sinh nhiều nhánh nhỏ hơn như nhánh bờ, nhành vách, nhánh chéo...
Tất cả đều có chung một nhiệm vụ mang “nhiên liệu” cung cấp cho tim hoạt động. Nhiên liệu đó là nguồn máu giàu oxy và các chất cần thiết khác từ động mạch chủ đi nuôi dưỡng tế bào cơ tim và cấu trúc khác của tim.
Bệnh lý động mạch vành xảy ra khi nguồn cung cấp nhiên liệu cho tim bị giảm sút. Nghĩa là lưu lượng máu đến tim không đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động của tim.
Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng xơ vữa động mạch vành gây hẹp đường dẫn máu hoặc do suy động mạch vành. Khi thiếu máu, trái tim sẽ ra lệnh “cảnh báo” bằng cơn đau vùng ngực, kết thúc bằng cơn nhồi máu cơ tim và tử vong nếu như không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Hiện tượng xơ vữa
Xơ vữa hay xơ cứng động mạch vành là hiện tượng các chất thải của cơ thể, đặc biệt là chất béo chứa nhiều cholesterol bu bám, lắng đọng trên thành động mạch vành. Sự lắng đọng này diễn ra lâu ngày làm cho động mạch mất dần độ mềm dẻo và co giãn. Nói khác hơn là động mạch vành bị xơ cứng và lòng mạch thì thu hẹp lại.
Điều này gây cản trở cho việc tuần hoàn cung cấp máu nuôi dưỡng trái tim. Các trường hợp nặng, lòng động mạch vành thu nhỏ, thậm chí là bít tắc khi các mảng xơ vữa bong tróc. Lúc đó, máu gần như không thể lưu thông qua được, gây ra những cơn đau tim dữ dội và nhồi máu cơ tim.
Ngoài nguyên nhân xơ vữa, động mạch vành bị hẹp còn do chứng co thắt mạch vành, hẹp động mạch vành bẩm sinh, viêm nội mạc mạch vành do bệnh lupus ban đỏ, bệnh cơ tim phì đại gây hậu quả suy mạch vành cơ năng. Tất cả đều gây khó khăn trong việc tuần hoàn cung cấp máu cho tim.
Cơn đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực là biểu hiện điển hình của bệnh lý tim do động mạch vành không bảo đảm chức năng cung cấp máu nuôi dưỡng tim gây ra. Cơn đau thắt ngực là dấu hiệu cảnh báo của tim về tình trạng này.
Người bệnh có cảm giác nặng ngực, đau nhói ở ngực và thậm chí mô tả là trái tim như bị bàn tay vô hình nào đó bóp nghẹt. Khi xảy ra cơn đau tim, người bệnh thường ôm ngực và nín thở nhằm làm giảm cảm giác đau. Cơn đau tim thường có hướng lan vào trong cánh tay, lên vai, cổ hoạc xuyên ra sau lưng.
Trong chuyên môn, chia cơn đau thắt ngực ra làm hai loại là cơn đau thắt ngực không ổn định và cơn đau thắt ngực ổn định.
Cơn đau thắt ngực ổn định diễn ra với các đặc điểm giống nhau. Cơn đau có thể dự đoán sẽ xuất hiện khi bị stress về mặt tinh thần, sau các hoạt động gắng sức như tập thể dục, vận động mạnh, khiêng vác nặng, lên cầu thang nhà nhiều tầng... Cơn đau sẽ nhanh chóng biến mất khi dùng thuốc giãn mạch hoặc chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi.
Cơn đau thắt ngực không ổn định khó dự báo trước như cơn đau thắt ngực ổn định. Nó xuất kiện bất cứ lúc nào, kể cả khi đang nghỉ ngơi. Đặc điểm cơn đau không giống nhau ở mỗi lẫn xuất hiện, như lần trước đau ít, lần này đau nhiều hơn, lần trước cơn ngắn hơn, lần này cơn đau xảy ra dài hơn...
Cơn đau cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng cục máu đông đang hình thành trong lòng động mạch vành. Do đó, nếu cơn đau kéo dài quá 5 phút được xem như là một ca cấp cứu khẩn cấp về tim mạch.
Thiểu năng vành
Thiểu năng vành hay thiếu máu động mạch vành thường là hậu quả của bệnh xơ vữa động mạch vành. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự lắng đọng Cholesterol ở thành động mạch vành.
Bệnh thiểu năng vành xảy ra khi có một hoặc nhiều nhánh của hệ thống động mạch vành bị hẹp lại gây ra tình trạng giảm lưu lượng máu cung cấp để nuôi trái tim ngày đêm đang hoạt động không ngừng.
Người bệnh thiểu năng vành thường có các yếu tố liên quan như tiền sử gia đình, tuổi cao (thường nam 55 tuổi, nữ 65 tuổi), thừa cân nặng (béo phì), nghiện thuốc lá, mắc các bệnh như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường.
Thiểu năng vành là bệnh lý nguy hiểm vì nó có thể dẫn đến hậu quả hay biến chứng nghiêm trọng là nhồi máu cơ tim và gây tử vong nếu như không được chẩn đoán xác định và xử lý kịp thời. Ngoài ra, tình trạng tim thiếu máu lâu ngày có thể dẫn đến suy tim hay rối loạn nhịp tim.
Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi thành động mạch vành bị xơ vữa, nứt gãy và bong tróc mảng lớn làm tắc dòng máu di chuyển trong lòng động mạch vành. Tình trạng này cũng xảy ra do hiện tượng hình thành cục máu đông trong lòng động mạch vành từ mảng xơ vữa nhỏ.
Nhồi máu cơ tim bệnh lý diễn ra cấp tính, khả năng gây tử vong cho người bệnh một cách nhanh chóng. Các mảng xơ vữa hoặc cục máu đông từ động mạch vành có thể di chuyển lên não làm tắc động mạch não gây ra cơn đột quỵ não.
Cơn nhồi máu cơ tim diễn ra trong bối cảnh người bệnh đau ngực dữ dội, cảm giác trái tim bị đè ép hay bị bóp nghẹt, suy hô hấp qua biểu hiện thở khó. Ngoài ra còn có một số dấu hiệu khác như vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và nhất là kiệt sức. Do đó, những người có cơn đau ngực mà sử dụng thuốc giãn mạch sau 15 phút mà không thuyên giảm cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Hướng xử lý
Thuốc điều trị: Đa số người có bệnh lý động mạch vành thường dùng thuốc uống trong một thời gian khá dài. Nhiều trường hợp dùng suốt đời và chung sống yên ổn với bệnh lý này.
Thuốc uống có tác dụng là giãn mạch động mạch vành, tăng cường sự cung cấp máu cho tim làm giảm hay ngăn chặn cơn đau thắt ngực hạn chế tối đa nguy cơ xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim. Thuốc được kê đơn và theo dõi điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Nong hoặc đặt stent động mạch vành: Khi động mạch vành bị hẹp nhiều, thường khoảng từ 70 - 80% cần sự can thiệp để tăng cường lưu thông máu. Các phương pháp được thực hiện là nong rộng lòng động mạch hay đặt stent. Khuynh hướng đặt stent ngày càng được ưa chuộng và có nhiều cơ sở thực hiện.
Phẫu thuật cầu nối: Được thực hiện khi người bệnh không đáp ứng với các loại thuốc điều trị và cũng không thể can thiệp đặt stent hay tắc hẹp quá nhiều nhánh động mạch vành. Các chuyên gia sẽ “nắn dòng” một động mạch ngực hay động mạch đùi để bắc cầu thay thế, thực hiện vai trò cung cấp máu nuôi dưỡng tim.
Phòng tránh
Ngoài yếu tố tuổi tác, tiền sử gia đình là không thể thay đổi được, bệnh động mạch vành có thể phòng tránh nhờ hạn chế các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc lá, tránh béo phì, kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
Luôn luôn rèn luyện thể lực và trí lực để có một đời sống tốt cả về thể chất và tinh thần. Cần đi khám chuyên khoa tim mạch khi có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ bệnh lý động mạch vành hoặc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý và kiểm soát hiệu quả.