Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ vô sinh

GD&TĐ - Dấu hiệu đáng lưu ý nhất cảnh báo vô sinh ở nam giới là căn cứ vào những bất thường tại tinh hoàn.

Tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng và trẻ hóa. Ảnh: Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng và trẻ hóa. Ảnh: Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Trong khi đó, ở nữ giới, dấu hiệu cần lưu ý là chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh, có tiền sử sảy/lưu thai từ 2 lần trở lên...

Một số trường hợp không xác định nguyên nhân

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo, hiếm muộn và vô sinh là căn bệnh nguy hiểm thứ ba trong thế kỷ XXI, sau ung thư và các bệnh tim mạch. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ hiếm muộn, vô sinh có xu hướng ngày càng tăng do ô nhiễm môi trường, chất độc hại trong thức ăn, lối sống không lành mạnh. Thời gian qua, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn được ghi nhận tăng và ngày càng trẻ hóa.

Theo ThS.BS Tạ Ngọc Thạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, vô sinh được phân thành 2 dạng là vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Trong đó, vô sinh nguyên phát là tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng, trong đó người vợ chưa mang thai lần nào. Vô sinh thứ phát là tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng từng sinh con.

Chia sẻ về nguyên nhân gây vô sinh ở nam, chuyên gia cho biết, lý do có thể do vấn đề trong quá trình xuất tinh, như: Xuất tinh sớm, xuất tinh ngược, các bệnh lý như xơ nang, tinh hoàn không di chuyển xuống bìu hoặc bị xoắn thừng.

Hoặc, người bệnh có vấn đề về tinh trùng. Số lượng tinh trùng thấp, tinh trùng bị dị dạng hoặc sự chuyển bất thường của tinh trùng… đều có khả năng gây vô sinh ở nam.

Một nguyên nhân khác là do mắc các bệnh nam khoa. Viêm tuyến tiền liệt, viêm bao quy đầu, viêm tinh hoàn… là các bệnh lý dễ dẫn tới tình trạng vô sinh ở nam giới. Hoặc, nam giới có sự bất thường trong chức năng sản xuất tinh trùng.

Một số nguyên nhân khác bao gồm: Lạm dụng rượu bia; Hút thuốc lá; Thường xuyên mặc quần áo bó sát; Quan hệ tình dục không an toàn; Tiếp xúc nhiều với các hóa chất và chất độc như thuốc trừ sâu, bức xạ, cần sa…, steroid; Tổn thương do ung thư và quá trình chữa trị; Căng thẳng, stress.

Tuy nhiên, một số trường hợp vô sinh nam không thể xác định nguyên nhân, có thể là do di truyền.

Trong khi đó, vô sinh nữ thường bắt nguồn từ nguyên nhân như bất thường phóng noãn. Khi đó, vòng kinh không phóng noãn do ảnh hưởng từ trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng.

Ngoài ra, nguyên nhân khác là do những bệnh lý có khả năng gây tổn thương vòi tử cung như viêm nhiễm đường sinh dục, bệnh lây qua đường tình dục, tiền sử phẫu thuật vùng chậu và vòi tử cung, lạc nội mạc tử cung tại vòi tử cung, bất thường bẩm sinh ở vòi tử cung hoặc do triệt sản.

Hoặc, bệnh nhân có chất nhầy tử cung kém, có kháng thể kháng tinh trùng, tổn thương tại cổ tử cung do can thiệp thủ thuật (đốt điện, khoét chóp…), cổ tử cung ngắn. Nguyên nhân do lạc nội mạc tử cung cũng có thể dẫn tới vô sinh. Ngoài ra, khoảng 10% trường hợp vô sinh ở nữ không tìm được nguyên nhân.

Dấu hiệu cảnh báo

Theo bác sĩ Trịnh Kiên Cường - chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, dấu hiệu đáng lưu ý nhất cảnh báo vô sinh ở nam là những bất thường tại tinh hoàn, như: Đau, sưng tinh hoàn, có khối bất thường vùng bìu…

Ngoài ra, các vấn đề về chức năng tình dục như khó xuất tinh, tinh dịch ít, giảm ham muốn tình dục hoặc khó duy trì sự cương cứng (rối loạn cương dương)… cũng có thể là dấu hiệu của vô sinh.

Màu sắc, mùi của tinh dịch cũng phản ánh chất lượng “tinh binh” hoặc tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý.

“Nếu tinh dịch có mùi bất thường như hôi tanh hay rất nặng mùi, có thể đó là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc bệnh lây qua đường tình dục. Trong trường hợp tinh dịch có mùi ngọt đậm, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh tiểu đường.

Nếu tinh dịch có màu vàng đậm hoặc xanh lá, rất có thể là dấu hiệu của viêm tuyến tiền liệt hoặc do chế độ ăn nhiều hành tỏi, uống nhiều rượu, sử dụng cần sa...”, bác sĩ Cường cho biết.

Ngoài ra, trạng thái đặc, loãng… của tinh dịch cũng “chỉ điểm” nhiều vấn đề đáng lưu ý. Cụ thể, tinh dịch loãng như nước vo gạo, lượng tinh dịch mỗi lần xuất tinh ít có thể là dấu hiệu gợi ý tình trạng giảm số lượng, chất lượng tinh trùng. Ở nam giới, bình thường mỗi lần xuất tinh, thể tích tinh dịch phải từ 1,5 – 2ml.

Trong trường hợp tinh dịch vón cục, xuất hiện những hạt trắng nhỏ như hạt gạo, khi bóp thấy mịn như bột, sẽ ảnh hưởng đến độ nhớt của tinh dịch. Từ đó, khiến tinh trùng dễ bị chết và khó di chuyển.

Ở nhiệt độ 37 độ C, tinh dịch từ trạng thái sệt, quánh sẽ hóa lỏng sau khoảng thời gian chưa tới 1 giờ. Nếu tình trạng hóa lỏng không diễn ra hoặc chỉ hóa lỏng một phần, đó là dấu hiệu cho thấy tinh dịch bị đông đặc.

Tình trạng này khiến tinh trùng khó di chuyển đến gặp trứng, gây ảnh hưởng đến kết quả thụ thai.

“Bên cạnh những dấu hiệu trên, thay đổi bất thường ở cơ thể như mất khả năng ngửi, tăng trưởng tuyến vú bất thường, giảm hoặc rụng lông cơ thể, có các dấu hiệu của các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể hoặc nội tiết tố… cũng cảnh báo nguy cơ hiếm muộn ở nam giới”, bác sĩ Cường giải thích.

Trong khi đó, BSCKI Hồ Văn Thắng - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, phụ nữ cần thăm khám để có thể phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây vô sinh khi có một số dấu hiệu. Cụ thể, dấu hiệu cần lưu ý là chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh, có tiền sử sảy/lưu thai từ 2 lần trở lên.

Ngoài ra, cần lưu ý nếu phụ nữ có các bệnh lý liên quan đến sinh sản như: Hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, polype buồng tử cung… hoặc các trường hợp có tiền sử phẫu thuật các bệnh lý của cơ quan sinh sản; Đã, đang hoặc chuẩn bị điều trị các bệnh lý ung thư.

Các dấu hiệu sinh dục bất thường như: Lông mọc nhiều hơn bình thường hoặc không có lông mu, tuyến vú không phát triển, nhiều mụn trứng cá…; Thay đổi, giảm ham muốn tình dục… cũng là dấu hiệu cảnh báo.

Trong trường hợp có triệu chứng đau vùng chậu liên quan đến chu kỳ kinh, đau sau giao hợp, mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường sinh dục hoặc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai…, phụ nữ cũng cần thăm khám.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.